VNTB – Khủng hoảng vật tư y tế ở TP.HCM

VNTB – Khủng hoảng vật tư y tế ở TP.HCM

Ngọc Lan

(VNTB) – Bữa rồi, dù được ưu tiên, lại là bệnh cấp cứu, mà mãi đến 9 giờ tối tôi mới được mổ. Lần đầu tiên chứng kiến cảnh mổ đêm tấp nập tại bệnh viện tư.

Bác sĩ ngoại thần kinh Võ Xuân Sơn kể, “hồi đó, do tôi còn làm ở bệnh viện công, nên chỉ có ngày và tối thứ bảy và chủ nhật là mổ ở bệnh viện tư được. Khi đó, tối thứ bảy, tôi mổ đến 1, 2 giờ sáng là bình thường. Cũng thời gian đó, ngoài mổ cấp cứu những ngày trực, thì khi bác sĩ giám đốc yêu cầu chúng tôi phải mổ hết bệnh nhân, chúng tôi cũng phải mổ phiên vào ban đêm.

Nhưng tất cả những câu chuyện đó đã thuộc về một quá khứ xa rồi. Tôi nghỉ bệnh viện công đến nay đã 15 năm, không còn phải trực cấp cứu. Chỉ thỉnh thoảng mới mổ cấp cứu. Nếu phải mổ vào ban đêm, thì thường cũng chỉ có mỗi kíp mổ và bệnh nhân, nên đã mất đi cái thói quen mổ nhộn nhịp vào ban đêm. Thế mà bây giờ, không ngờ tôi lại gặp lại cảnh mổ nhộn nhịp ban đêm…”.

Bác sĩ Võ Xuân Sơn tự giải thích theo kiểu trào phúng vầy: “Không biết lý do gì, mà gần đây bệnh nhân mổ tại bệnh viện tư đông quá. Nghe đồn, không biết có đúng không, là ở nhiều nơi, không ai dám đứng ra đấu thầu, vì sợ bị đi tù. Vậy là thiếu những vật tư y tế sơ đẳng nhất. Vậy là ai có tiền đổ ra bệnh viện tư mổ. Ở Việt Nam, cái gì đảng và nhà nước chưa kết luận thì những tin đồn kiểu đó có thể là do bọn phản động đưa ra. Nên các bạn đừng có tin vội nhé. Tôi cũng không tin đâu”.

Ông Tăng Chí Thượng, giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhìn nhận việc mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế – một công việc được cho là rất nhạy cảm trong giai đoạn hiện nay khi mà quá nhiều quan chức y tế xộ khám vì được cho là sai phạm trong chuyện mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế.

Theo đó, từ giữa tháng 5-2022, một số thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện thành phố Thủ Đức cũng đã không đủ đáp ứng nhu cầu người bệnh, nhiều bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế phải ra ngoài mua thuốc. Tháng 4-2022, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng hết một số loại thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả, khiến nhiều bệnh nhân ghép thận phải mua thuốc bên ngoài tốn 6 – 15 triệu đồng.

Hay mới đây, vụ thiếu huyết thanh ở một số địa phương, thiếu hóa chất khi dùng máy chẩn đoán ung thư… cũng gây cho bệnh nhân bảo hiểm y tế nhiều phiền toái.

Đại diện Sở Y tế TP.HCM lý giải nguyên nhân dẫn đến chuyện gọi là “thiếu cục bộ” một số loại thuốc ở một số bệnh viện do từ đầu năm 2022 đến nay là vì số lượng bệnh nhân tăng nhanh tại hầu hết các bệnh viện sau dịch Covid-19.

Một số trường hợp khách quan không lựa chọn được sản phẩm trúng thầu do không có nhà thầu tham dự hoặc sản phẩm có giá dự thầu cao hơn giá kế hoạch do sau dịch bệnh có một số mặt hàng tăng giá, hoặc một số thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm hiện nay không còn được sản xuất…

Theo một lãnh đạo bệnh viện cho biết từ khi dịch Covid-19 bùng phát, bệnh viện đã gặp khó khăn trong việc nhập khẩu thuốc do mắc kẹt ở cửa khẩu, một số nước cũng hạn chế xuất khẩu một số loại biệt dược.

Bác sĩ Trần Văn Khanh – giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (thành phố Thủ Đức) – cho biết trong quá trình hoạt động, chắc chắn bệnh viện nào cũng có thể xảy ra tình trạng thiếu thuốc cục bộ, ví dụ năm nay bệnh viện tiếp nhận 1.000 bệnh nhân viêm gan, tuy nhiên năm sau bệnh viện có mua sắm thêm thiết bị giúp chẩn đoán bệnh nhanh hơn, từ đó sẽ kéo thêm nhiều bệnh nhân đến điều trị thì chắc chắn sẽ thiếu thuốc nếu không có sự tính toán, dự trù trước.

Theo bác sĩ Khanh, hiện nay tất cả đấu thầu thuốc đều phải thông qua các cấp có thẩm quyền phê duyệt về danh mục, số lượng, tổng kinh phí. Vì vậy, tại đơn vị hằng tháng, hằng quý đều phải xem xét xuất nhập, kiểm tra thuốc tồn và chiều hướng của mô hình bệnh tật. Từ đó chủ động làm hồ sơ đề nghị Sở Y tế cho phép bổ sung số lượng nếu thiếu hoặc ngược lại, với những bệnh có chiều hướng giảm đi thì bệnh viện sẽ báo cáo với Sở Y tế để xem xét điều chuyển thuốc đến các bệnh viện khác thiếu.

Bên cạnh đó, cũng có trường hợp nhà thầu không có khả năng cung cấp, đứt hàng, khi đó các bệnh viện cũng có thể xảy ra thiếu thuốc cục bộ và phải có phương án đổi mặt hàng khác tương đương để điều trị.

Trong chương trình “Lắng nghe và trao đổi với nhân viên y tế” do Sở Y tế TP.HCM tổ chức chiều 9-6, các cán bộ y tế phụ trách cung ứng vật tư y tế, mua sắm và bảo trì các trang thiết bị y tế nhìn nhận rằng họ đang đứng giữa 2 yêu cầu chính đáng nhưng luôn đối nghịch nhau. Một mặt họ phải lắng nghe và đáp ứng yêu cầu của các nhà chuyên môn trong bệnh viện, đó là luôn muốn có những vật tư, thiết bị y tế tốt nhất cho công tác chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân.

Mặt khác, họ phải tuân thủ yêu cầu của ban giám đốc bệnh viện, nhất là phải giải trình với các cơ quan quản lý nhà nước như các đoàn kiểm toán, thanh tra về xây dựng giá dự toán khi đấu thầu mua sắm để đảm bảo giá mua phải là giá thấp nhất.

Khẳng định hoạt động mua sắm và cung ứng vật tư, trang thiết bị y tế là “việc không hề đơn giản”, các kỹ sư, bác sĩ hay dược sĩ… chia sẻ chính do hành lang pháp lý, cụ thể là các thông tư hướng dẫn cho công tác này chưa thật sự đáp ứng các tình huống đa dạng, yêu cầu từ thực tiễn. Tất cả cán bộ y tế chuyên trách hoạt động mua sắm, cung ứng, bảo trì trang thiết bị, vật tư y tế đều mong muốn sớm có những quy định pháp lý mới, giống như lĩnh vực mua sắm thuốc.

“Tôi là bác sĩ, nếu được chọn tôi vẫn thích làm chuyên môn hơn là công việc hiện tại. Nhưng vì trách nhiệm, chấp hành phân công nên tôi cùng các anh em trong phòng cố gắng hết sức làm sao để đúng quy định. Công việc hiện rất áp lực, đòi hỏi tôi phải đầu tư nhiều thời gian, kiểm tra, thẩm định hồ sơ thật kỹ.

Mặc dù đã nghiên cứu, kiểm tra kỹ, nhưng thật sự tôi luôn lo lắng sợ sai mà không biết vì các hướng dẫn chưa bao phủ hết các tình huống trong thực tế…” – một trưởng phòng vật tư, trang thiết bị y tế, tâm tư.

“Nghe đồn, lại đồn, rằng y tế sẽ còn lao đao một thời gian nữa. Thậm chí mấy ông được cử giữ ‘quyền’ có thể cũng sớm nhập kho!” – bác sĩ Võ Xuân Sơn, góp chuyện.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)