VNTB – Kịch bản chuẩn bị trước của công an thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa

VNTB – Kịch bản chuẩn bị trước của công an thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Biểu tình diễn ra vào sáng 23-10, và rất nhanh, chiều 23-10, những người tham gia biểu tình bị khởi tố về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

 

Với những gì mà công an thị xã Nghi Sơn đưa ra, quả thật về hình thức thì chứng cứ cho cáo buộc hành vi này khó thể chối cãi, cứ y như một kịch bản soạn trước để dẫn dắt người dân vào con đường vi phạm.

Góc độ tiếp cận vụ án này, xin được tạm gác qua các chỉ trích về quyền biểu tình được Hiến định, qua đó người dân cần cẩn trọng hơn trong việc biểu tình ở tương lai, sao cho không bị vấp vào “bẫy” của nhà chức trách.

Hồ sơ của công an thị xã Nghi Sơn ghi diễn biến thời gian như sau: vào lúc 8 giờ 30 phút, tại khu vực chuẩn bị thi công bến số 3 Cảng container Long Sơn đã có khoảng 300 người dân tụ tập mang theo băng rôn, biểu ngữ, hò hét phản đối việc xây dựng cảng. Tiếp đó, đoàn người đi bộ ra Tỉnh lộ 513 từ xã Hải Hà, qua xã Hải Thượng, Hải Yến.

Quá trình di chuyển, các đối tượng gây cản trở, ách tắc giao thông nghiêm trọng trên dọc tuyến tỉnh lộ 513, kéo dài khoảng 1km, trong thời gian từ 8 giờ 30 phút đến 11 giờ 45 phút cùng ngày (23/10). Mặc dù đã được cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc, đoàn thể và các ngành chức năng từ thị xã đến cơ sở tuyên truyền, vận động, nhưng người dân vẫn tiếp tục tuần hành gây cản trở, ách tắc giao thông tại nhiều đoạn đường trên tỉnh lộ 513 (dừng trích).

Như tường thuật, việc “tuần hành” này không vấp sự trấn áp của công an sắc phục lẫn thường phục. Điều này nếu so với các “tuần hành” tương tự từng diễn ra ở thành phố Hồ Chí Minh trước đây, rõ ràng là “y hệt” trong 60 phút đầu tiên của “tuần hành”.

Một chút nói thêm, ghi nhận những “tuần hành” phản đối dự luật đặc khu, phản đối Tập Cận Bình đăng đàn rao giảng ở nghị trường Quốc hội Việt Nam, vụ việc Formosa… tại thành phố Hồ Chí Minh, trong 50 phút đầu tiên khi các nhóm “tuần hành” bắt đầu tụ tập trước khu vực Nhà thờ Đức Bà – Bưu điện Sài Gòn, rồi sau đó “tuần hành” ngang qua tòa lãnh sự Hoa Kỳ, xuôi Đồng Khởi về Lê Thánh Tôn ngang trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố rồi xuống phố Nguyễn Huệ thì… bắt bớ bắt đầu.

Việc bắt bớ này mang tính đồng loạt ở tất cả các điểm đang có mặt những tụ tập của đám đông. Các gương mặt hoạt động xã hội dân sự quen thuộc nhanh chóng được khống chế, thậm chí có luôn cả thô bạo…

Vì sao nhà chức trách TP.HCM thường chọn mốc thời gian dao động từ 50 đến 60 phút kể từ lúc “tuần hành” để trấn áp và đe dọa hình sự?

Trước hết, với đô thị lớn như Sài Gòn thì thời gian đó đủ để “kích động” đám đông cuồng nhiệt theo chân đoàn người “tuần hành”. Trong đoàn “tuần hành” ấy, khi bắt đầu thực hiện việc trấn áp, thì những ‘chim mồi’ của an ninh thường phục đi theo đoàn sẽ lớn tiếng hô hào khẩu hiệu nào đó để kích động đám đông.

Trật tự sẽ khó giữ gìn theo cảm xúc ngày càng dâng cao đã tạo nên lý do cho việc trấn áp, bắt bớ.

Ở vùng quê như Hải Hà, Hải Thượng, Hải Yến (Nghi Sơn – Thanh Hóa) thì thời gian đủ để đám đông kích động có lẽ lâu hơn, nên công an Nghi Sơn mới “bấm giờ” cho kết quả: gây cản trở, ách tắc giao thông nghiêm trọng trên dọc tuyến tỉnh lộ 513, kéo dài khoảng 1km, trong thời gian từ 8 giờ 30 phút đến 11 giờ 45 phút.

Theo luật thì cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ là đã xem xét yếu tố cấu thành tội phạm gây rối trật tự công cộng.

… Rút kinh nghiệm trong quá khứ, hiện tại trên hè phố khu vực công viên Chi Lăng – khu bên hông trụ sở Ủy ban nhân dân TP.HCM, thi thoảng vẫn xảy ra biểu tình, với việc một nhóm người dân trưng biểu ngữ yêu cầu chính quyền giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó. Nhóm người này không gây cản trở giao thông, không hô hào kích động, và theo quan sát thì công an cũng… làm thinh.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)