Việt Nam Thời Báo

VNTB – KTS Hồ Long Phi và KTS Nguyễn Hữu Thái tố cáo tham nhũng trong ngành kiến trúc.

Kiều Phong (VNTB) Quyền cấp chứng chỉ hành nghề là một quyền quyết định trong ngành kiến trúc. Ở chế độ một đảng, quyền này thuộc về nhà cầm quyền mà cụ thể là Bộ Xây Dựng. Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, gương mặt chủ chốt của Hiệp hội Kiến Trúc Việt Nam cho rằng đây là một quy định rất ngược đời. Theo ông, Bộ Xây Dựng đáng lẽ ra chỉ được cấp bằng tốt nghiệp kỹ sư xây dựng và kiến trúc, riêng quyền cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc thì đáng lẽ ra phải thuộc về hiệp hội kiến trúc giống như mô hình tuyệt vời ở Pháp.

Trao đổi thư tín với phóng viên Việt Nam Thời Báo, giáo sư Phạm Quang Tuấn từ Khoa Công nghiệp Hóa học thuộc Đại học New South Wales, Úc cho hay: Trong những ngành huấn luyện chuyên nghiệp như bác sĩ, kỹ sư, luật sư, dược sĩ thì họ cần phải theo những tiêu chuẩn rõ ràng của các hội chuyên nghiệp như Y sĩ đoàn, Kỹ sư đoàn v.v. để được accreditation ( giấy phép) tức là được các hội đoàn này tin tưởng và ủy nhiệm việc dạy nghề. Nếu không có accreditation (giấy phép) của các hội đoàn chuyên nghiệp này thì bằng cấp sẽ không có giá trị và thậm chí không được hành nghề. 

Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái đi đầu trong phong trào giành lại quyền cấp giấy phép hành nghề đối với tân kiến trúc sư về cho hội Kiến trúc. Ông thú nhận rằng việc này giống như là lấy muối bỏ bể, một khi Bộ Xây Dựng chiếm được ngành này thì các nhóm lợi ích trong đó không dễ gì từ bỏ vì những quyền lợi đi kèm đối với họ là quá lớn.

“Đê biển là bất khả thi, sao còn rót tiền đầu tư nghiên cứu?”

Tâm điểm chú ý của giới kiến trúc Việt Nam trong thập kỷ gần đây là những dự án đê biển. Dự án “khủng” nhất là tuyến đê biển chạy xuyên qua các vịnh biển Gành Rái, Đồng Tranh nối thành phố (TP) Vũng Tàu – tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) với huyện Gò Công – tỉnh Tiền Giang(hình dưới). Các mục tiêu dự án là (nguyên văn):”chống lũ lụt, ngập úng và xâm nhập mặn cho toàn vùng TP. Hồ Chí Minh, trước mắt và lâu dài; tăng cường khả năng thoát lũ, giảm chiều sâu và thời gian ngập lũ, chống xâm nhập mặn cho vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; chống xâm nhập mặn cho khu vực Gò Công, Long An; phòng chống thiên tai và các tác động từ biển cho toàn bộ khu vực TP. Hồ Chí Minh và vùng ĐTM; về lâu dài khi cần sẽ chuyển thành hồ chứa nước ngọt cho vùng “. 

Năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất lên chính phủ dự án đê biển. Đó rõ ràng là một dự án bất khả thi vì vốn đầu tư ước tính khoảng 10 tỉ USD, chưa kể lạm phát đi kèm với tỉ lệ hai con số như thường thấy ở những công trình thủy lợi khác. Đa số các chuyên gia đều nói rằng con đê này là bất khả thi, việc thi công con đê sẽ đẩy đất nước đến cảnh nợ nần. Thế nhưng, một số chuyên gia của nhóm lợi ích vẫn thúc giục nghiên cứu. Vốn chính phủ đổ ra cho nghiên cứu này không dưới 10 tỉ đồng cho một nhóm chuyên gia chừng vài ba người. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại phải đổ tiền cho một nghiên cứu mà biết trước sẽ không bao giờ đi vào hiện thực? Ai được hưởng lợi từ những nguồn vốn này, không cần nói thì ai cũng biết rằng đó là chuyên gia “dổm” và người ký giấy cấp vốn cho anh ta.

Thiếu cơ chế phối hợp đa ngành, các nhóm lợi ích cục bộ tha hồ vơ vét

Trong bối cảnh ngập lụt tai hại như ngày nay, giới kiến trúc đề xuất một phương án mà KTS Hồ Long Phi gọi là “giải pháp mềm để thích nghi”. Giải pháp này yêu cầu các thành phố hạn chế cấp giấy phép xây dựng cho các công trình bê tông cốt thép, thay vào đó là tăng số lượng và diện tích các công viên nước, các hồ, các vườn hoa. Ai cũng tán thành giải pháp này chỉ trừ quan chức địa phương. Các lãnh đạo thành phố này muốn bán càng nhiều đất cho tư nhân xây nhà càng tốt, cứ có lãi và lãi nhanh thì họ làm, còn nếu lỗ về siêu hình hoặc lãi chậm thì không bao giờ họ làm. Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái cho rằng các sở xây dựng bây giờ giống như lũ kiêu binh coi thường các giá trị học thuật. Ông đã đi Pháp, Canada, Mỹ và nhiều nước trên thế giới và khẳng định chưa thấy nước nào bê bối về xây dựng như nước Việt Nam.

Là chuyên gia đã quá nổi tiếng và quá dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực kiến trúc, kiến trúc sư Hồ Long Phi đã khẳng định rằng sai lầm trong quy hoạch là thiếu cơ chế phối hợp đa ngành. Kiến trúc sư Hồ Long Phi lấy ví dụ hồ thủy điện Trị An- Đồng Nai thuộc bộ Công thương. Bộ Công Thương và doanh nghiệp sân sau là tập đoàn điện lực EVN không bao giờ chịu xả nước vào mùa khô để cấp nước cho các đồng bằng hạ nguồn.

Lý do thực sự, đó là EVN muốn trữ nhiều nước ở hồ Trị An để sản xuất càng nhiều điện, bán được càng nhiều tiền càng tốt. Những đợt cắt điện là có ẩn ý đằng sau đó, không ai thanh tra được vào EVN vì đây giống như một đế chế con tách biệt với phần còn lại của nền kinh tế. Khi có một cơn mưa lớn xảy ra, hồ này vốn đã gần đầy do không chịu xả từ trước nên phải vội vàng mở cống thoát nước bừa bãi, kết quả là hàng triệu sinh mạng và hàng tỉ đô-la ở phía hạ nguồn bị đe dọa vì lũ thủy điện. Bộ Nông nghiệp nhận thấy rõ nguy cơ này và la làng nhưng thực ra Bộ trưởng bộ này cũng không có quyền lực gì cả. Nhóm lợi ích ở Bộ Công thương đã che hết bầu trời chính trị, hậu quả cuối cùng chỉ có những người dân thấp cổ bé họng phải chịu đựng mà thôi. Ông Phi cho rằng, đã đến lúc Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn cần phải làm việc với nhau nghiêm túc để đề ra một bộ quy tắc ứng xử, nếu không hậu quả là khôn lường.

Thay lời kết
Khi quy hoạch và thiết kế bất kỳ dự án nào, tư duy kiến trúc của Việt Nam động đâu sai đó. Tổ chức chuyên môn lớn nhất là hiệp hội kiến trúc thì lại không có thực quyền, người làm chính sách và những chuyên gia giả danh thì vẽ ra mọi dự án để hút máu người nộp thuế, các nhóm lợi ích thì không bao giờ ngồi lại với nhau để hi sinh chút quyền lợi của mình vì đại cục. Ở Biển Đông, Trung Quốc đang đe dọa Việt Nam với một thái độ ngang ngược hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh thù trong giặc ngoài như vậy, đất nước cần lắm những người như hai kiến trúc sư Hồ Long Phi và Nguyễn Hữu Thái, khi các chuyên gia này cất tiếng nói phản biện và phê phán những người đứng đầu dám coi thường lợi ích và tính mạng của người dân.

Tin bài liên quan:

Nóng: Philippines thắng Trung Quốc tại LHQ: Tòa quốc tế Hague phán quyết đường 9 đoạn lưỡi bò của TQ là “vô giá trị”

Phan Thanh Hung

VNTB- Hội nhà báo độc lập Việt Nam họp định kỳ tháng 9 về nhiều vấn đề truyền thông

Phan Thanh Hung

“Tội phạm chính sách”: Thêm tín hiệu “diệt ruồi đả hổ” ở VN

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo