Mẫn Nhi (VNTB) Các tác phẩm “xuất sắc” của nền báo chí cách mạng, theo cách diễn đạt của nhà báo Mai Thanh Hải, đã chiếm giải A báo chí Quốc gia 2016.
Trong 7 giải A được liệt kê, có 3 giải thuộc về phạm trù làm rõ tinh thần của Nghị quyết T.Ư 4, từ phòng chống nguy cơ “tự diễn biến, tự chuyển hóa” cho đến “cách làm sáng tạo Nghị quyết T.Ư 4 ở Quảng Ngãi”, hay “tăng sức chiến đấu của Đảng tại Quảng Ninh”.
Tiêu đề dài hơi và bám sát chủ đề ‘nâng cao sức chiến đấu của Đảng’ là một trong yếu tố giúp cho các tác phẩm báo chí đạt giải A trong ngày hội báo chí Quốc gia. |
Báo Tuổi Trẻ, báo Thanh Niên, báo Dân Trí, báo Đất Việt, báo Người Lao động, báo Lao Động, báo Tiền Phong… những trang báo “dân sinh”, phản ánh nhiều vấn đề nóng bỏng trong xã hội, đưa ra nhiều quan điểm phản biện hoàn toàn vắng mặt trong danh sách “giải A” lần này! Khác xa so với giải báo năm 2015 (với các vấn đề biển đảo; kinh doanh đa cấp; lợi ích nhóm đạt giải).
Đây là điều được dự báo trước đó, khi mà trong vòng chấm chung khảo, là giám khảo thuộc về tính Đảng như “đồng chí” Thuận Hữu – TBT Báo Nhân Dân; Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải báo chí Quốc gia nhận xét: Về chất lượng, các tác phẩm dự giải nhìn chung đồng đều, không có tác phẩm quá yếu kém, nhưng cũng chưa có nhiều tác phẩm thật xuất sắc nổi trội”.
Điều này ông nhận xét dù chung chung nhưng cơ bản đúng, bởi làm sao có được sự xuất sắc khi mà ngay cả các bài viết liên quan đến thảm họa môi trường Formosa gây phẫn nộ dư luận lại không có mặt trong vòng chung khảo. Đặc biệt, trong đó có loạt bài liên quan đến chôn chất xả thải ở trang trại của ông Giám đốc Môi trường.
Giải Quốc gia tự thân nó ngày càng kém sức hút, ngày càng trở thành một giải Chính trị thuần túy không hơn không kém, bởi nó là nơi mà các trang báo Cách mạng thi thố và giật giải hơn là dành cho toàn bộ nền báo chí nước nhà. Và thực tế, các kết quả về giải báo chí năm nay đã minh chứng rõ nét hơn cho xu hướng này. Khi số lượng “báo” theo lối “chính trị-Nghị quyết Đảng” ngày càng có xu hướng nắm giải cao, trong khi các bài viết – phóng sự điều tra bị giảm xuống, nhất là khi nó chạm vào các đề tài nóng về chính trị.
Lối viết theo Nghị quyết khiến cho ngay cả tiêu đề bài viết cũng theo một… lối mòn. Cụ thể như tiêu đề bài viết đạt giải A của nhóm báo Quảng Ninh: “Y tế Quảng Ninh – Đột phá trong đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”. Trong tiêu đề này chứa 31 từ, trong khi báo chí hiện đại theo hướng súc tích – ngắn gọn thì giới hạn ở 13 từ.
Sự bất hợp lý cũng diễn ra ở chỗ, các báo dân sinh – nơi lãnh đạo Nhà nước (trong đó có ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc) tìm đọc “để lắng nghe ý kiến, tâm tư của nhân dân” lại là các tờ báo vắng bóng trong giải A lần này. Trong khi, “báo” theo Nghị quyết thì được tạo điều kiện tối đa để viết, thậm chí ví von là “ngồi phòng lạnh” để viết; thì báo điều tra – phóng sự thì phóng viên điều tra dễ rơi vào tình trạng bị hành hung, mà mới nhất đây – nhóm phóng viên thuộc đài VTV đã bị một “địa chủ” có sự bảo kê của chính quyền xã tông và làm gãy đổ máy quay.
Facebooker Phi Anh Dương nhận định cay đắng rằng, muốn đạt được giải cao thì tốt nhất đừng đầu tư chiều sâu hay chất xám gì, mà cứ theo tôn chỉ “báo” cáo là thành công. Quan điểm này có phần hợp lý, bởi ngày 21/06 là “Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam”, chứ không phải là “Ngày báo chí Quốc gia Việt Nam”. Do đó, muốn đạt giải báo chí quốc gia: hãy “báo” theo Nghị quyết Đảng! Còn muốn viết theo “quốc gia – dân sinh” thì hãy lựa chọn một ngày kỷ niệm khác! Ngày kỷ niệm mà bản thân mỗi trang báo muốn nhận được sự tôn vinh xứng đáng với sức viết bền bĩ – ngòi bút sắc lạnh – phản ánh hơi thở nóng của quốc gia – dân tộc – dân sinh và thời đại.
Trước đó không lâu, một giải thưởng về mặt báo chí là Giải Trần Phú (Hà Tĩnh) đã tôn vinh các bài viết phản ánh sự sai phạm của Formosa. Có lẽ, các phóng viên – nhà báo Việt Nam năm sau nên hướng về giải Trần Phú hơn là Giải Quốc gia. Đó cũng là một sự phản ứng hợp tình, hợp lý và mang tính “cách mạng” (nếu diễn ra).
Bởi dù sao, Báo chí cách mạng là giờ đây ngày càng trở thành tiếng nói của Đảng, Nhà nước, hơn là tiếng nói và là diễn đàn của nhân dân.
1 comment
Vì lẽ ấy nên từ năm 2016 bắt đầu đưa ra giải thưởng Búa liềm vàng. Tôi nghĩ rằng giải thưởng báo chí quốc gia 2017 sẽ thực chất "dân sinh" hơn, vì đảng đã có sân chơi riêng rồi. Ít nhất cũng là kế sách mị dân về tôn vinh tự do báo chí.