(VNTB) – Đến nay tôi theo nghiệp dạy đàn đã ngót 30 năm, lúc đầu dạy guitar rồi sau dạy thêm organ vì chỉ dạy guitar thì không đủ sống. Học viên thì đủ các lứa tuổi, từ 5-6 tuổi tới hơn 70 tuổi. Nghề nghiệp của họ cũng rất đa dạng: Học sinh sinh viên, bác sĩ, công nhân, giáo viên, tu sĩ…Trừ một số ít học đàn để ra chuyên nghiệp, đa số chỉ học cho biết. Kể cũng thú vị khi mới hôm nào nốt nhạc bẻ đôi không biết vậy mà chỉ sau vài tháng đã biết ôm đàn đệm hát một bản Valse, bolero… hoặc độc tấu vài bản cổ điển .
Nghề nghiệp nào cũng có nhiều kỷ niệm. Nghề dạy đàn cũng thế, kể hoài không hết.
Phong một trong các học trò tôi quí nhất. Phong gốc người Đà Nẵng, vào Sài Gòn làm thông dịch viên cho một công ty Nhật. Phong tới tôi học guitar cổ điển năm 2003. Lúc ấy Phong khoảng ba mươi sáu, nghĩa là khá lớn so với đa số các học viên khác vốn thường trong độ tuổi 15-25. Phong nói đã từng theo học một lớp nhạc ở quận 3, ở đó người ta dạy theo phương pháp Carulli vốn đòi hỏi người học nhiều thời gian tập luyện mà Phong lại lớn tuổi và luôn bận rộn. Phong đến lớp nhạc Thế Kỷ của tôi vì được một cựu học viên là Tư giới thiệu rằng tôi dạy guitar cổ điển theo một phương pháp mới mẻ.
Học theo phương pháp của tôi, Phong tiến bộ khá nhanh. Khi trình độ đã khá, Phong nhờ tôi soạn bản “Hành khúc wellington” cho guitar cổ điển. Hẳn nhiều người sẽ bảo bản gì mà lạ hoắc. Thật ra bản nhạc này không hề xa lạ. Quen thuộc là đằng khác. Nó chính là bản nhạc hiệu của đài phát thanh BBC những năm trước đây. Những thính giả trung thành với BBC ai lại chẳng thấy lòng rạo rực mỗi khi nghe bản hành khúc tuyệt vời này được cất lên mở đầu cho mỗi chương trình phát thanh của BBC. Với tôi, và có lẽ cũng với nhiều bạn thính giả khác , “Hành khúc wellington” là một kỷ niệm lớn không thể nào quên.
Tính Phong rộng rãi. Có lần kẹt quá, tôi bèn điện thoại cho Phong hỏi vay ít tiền. Phong liền mau mắn đáp ứng. Sau có tiền tôi gửi lại Phong nhưng Phong cứ một mực không nhận và bảo tôi sau này có kẹt thì cứ alô cho Phong!
Năm 2005 tôi rời Gò Vấp về vùng đất mới, hai thầy trò ít gặp nhau. Hôm kia Phong gọi điện cho tôi, nói thường xuyên đọc Việt Nam Thời Báo và rất thích các bài viết về thời sự quốc tế của tôi. Nhưng Phong có nhận xét các bài đó thiếu tin tức thời sự, cập nhật thông tin.
Phong nói quá đúng, đúng như góp ý của anh Phạm Chí Dũng. Thực ra là hầu hết các bài viết đó chính là một số chương trong quyển “Thế Giới Sử Lược” do tôi biên soạn và dự định cho xuất bản trong năm nay. Quyển này gồm 4 phần : Thời Thượng cổ , Thời Trung cổ , Thời Cận đại và Thời Hiện đại. Mùa Xuân Ả Rập là chương cuối . Để cập nhật , tôi vừa bổ sung thêm chương về cuộc khủng hoảng Ukraine . Đó là lý do vì sao các bài viết của tôi đã đăng trên Việt Nam Thời Báo hơi thiếu độ “nóng”!
Trong tinh thần yêu mến lịch sử, tôi để nhân vật trong các truyện ngắn của mình di động trong một không gian rộng lớn và mới mẻ . Các truyện ngắn này đưa người đọc đến nhiều đất nước khác nhau: Từ nước Mỹ với những cuộc đọ súng quyết liệt giữa các tay cao bồi trên bước đường phiêu bạt khắp giang hồ khắp miền Viễn Tây, đến Liên Xô (cũ) với cuộc chính biến năm 1991 dẫn tới sự sụp đổ nhanh chóng của Liên Bang Xô Viết; từ nước Pháp thời Thế chiến II với sự lưu vong của De Gaulle, đến vùng Trung Đông nóng bỏng với sự tranh chấp dai dẵng giữa Israel và Palestine …Các truyện ngắn đã đăng trên Việt Nam Thời Báo như “Đêm Thánh Vô Cùng”, “Món quà đầu năm cho Andersen” là các truyện tiêu biểu cho phong cách của tôi. Với tôi thì một khi đã cầm bút sáng tác văn chương thì hãy để óc tưởng tượng được bay bổng, đừng ràng buộc nó vào bất cứ điều gì. Lũy tre làng dù đẹp nhưng chẳng lẽ suốt đời cứ quanh quẩn bên lũy tre làng.
Một người khác cũng làm tôi nhớ là H. , một nhà sư trẻ tu tại một ngôi chùa cách lơp nhạc của tôi 15km. H. học Organ và bảo được chùa cử đi học để chơi cho chùa vào những dịp lễ lạc. Ngoài các bản Phật ca, H. còn đề nghị tôi dạy những bản tình ca, đặc biệt là các ca khúc của Phạm Duy và Ngô Thụy Miên. Vị sư trẻ này tiếp thu rất nhanh và hình như thích tình ca hơn đạo ca. Sau này, qua một nhà sư cùng chùa với H. , tôi được biết H. đã bỏ chùa, về quê lấy vợ!.
Nói tới H. , tôi nhớ tới L. , một linh mục tuổi chừng ba mươi thuộc một giáo xứ gần nhà tôi. Vị này đến tôi học cả đàn guitar và organ. L học guitar cổ điển là chính còn organ chỉ học cho biết chứ không thích lắm. Linh mục này rất đẹp trai. Nhiều lần khi L. đang buổi học thì một cô trẻ đẹp lại tìm đến. Tôi để hai người trò chuyện với nhau ở bộ ghế đá ngoài vườn. Bẵng đi một thời gian tôi không thấy L. tới học. Sau được biết L. đã được bề trên chuyển về một xứ đạo mới thành lập ở một nơi xa xăm trong giáo phận, và L. trở thành cha xứ tiên khởi của giáo xứ này. Không hiểu L. có thoát được lưới tình hay không.
Bác Hinh cũng là người để lại trong tôi nhiều kỷ niệm. Năm 2002, bác tới lớp nhạc của tôi học đàn organ và mandolin (lúc ấy tôi dạy cả mandolin nhưng sau phải bỏ vì nhạc cụ này gây ồn và ít người học). Lúc đó bác đã ngoài bảy mươi và là học viên lớn tuổi nhất của tôi từ trước tới nay. Bác bảo vợ bác vừa qua đời nên bác đi học đàn cho vơi nỗi buồn . Bác học rất chăm, không bỏ bữa nào. Các bài tập tôi cho về nhà bác luôn cố hoàn thành dù chỉ ở mức tàm tạm. Nghề nghiệp chính của bác Hinh là xem bói toán, lấy số tử vi. Tôi vốn không tin mấy thứ này nhưng phải công nhận bác xem cho tôi nhiều cái khá trúng. Cuối năm ngoái tôi được tin bác vừa mất và được các con chôn cất bên cạnh người vợ thân yêu của bác.
Lớp nhạc của tôi vào cuối năm thường vắng, tôi tranh thủ viết bài ký sư này. Khi tôi đang viết những dòng cuối thì chỉ còn non nữa tiếng là 8 giờ tôi là giờ tôi đóng cửa lớp để ăn tối. Vậy mà vẫn còn một học viên tới lớp. Đó là Bằng , quê Ninh Bình. Vì công việc, Bằng thường đi học muộn . Cách đây mấy tháng, cũng khoảng giờ này, Bằng đến lớp nhạc của tôi, tay cầm một cây đàn ghi ta cũ mèn. Bằng bảo cây đàn của chủ nhà trọ tính vất đi nhưng thấy Bằng xin thì cho. Bằng nhờ tôi sửa hộ vì đàn hư khóa, nứt thùng và chẳng còn sợi dây nào. Ngày hôm sau tôi loay hoay lấy túi đồ nghề sửa đàn cho Bằng. Thấy Bằng nghèo nên tôi miễn học phí. Bằng làm tôi nhớ lại chính mình khi xưa cũng khởi đầu sự nghiệp với cây đàn cũ kỹ như vậy.
Bằng học khá, từ nốt nhạc cũng mù tịt nhưng chỉ vài tháng sau đã bấm tốt các hợp âm cơ bản và đệm hát được các điệu thông dụng. Bằng đặc biệt thích bài “Xuân này con không về”. Bằng nói:
– Con thích bài này vì mấy năm nay chưa về quê nên rất nhớ quê .
– Sao thế? Tôi hỏi.
– Cách đây hai năm con rời quê vào Nam vì gia đình làm ăn thất bát. Bằng đáp, giọng hơi buồn. Làm được bao nhiêu con gửi cả về quê giúp cha mẹ trả nợ . Tết năm ngoái con không về quê vì ngại tốn kém.
– Thế năm nay có tính về quê không? Tối nay tôi lại hỏi.
– Chắc là không thầy ạ. Nhưng con cố gắng năm sau sẽ về.
Một cơn mưa chợt đến . Tiếng mưa rơi thánh thót. Gió lạnh thổi xào xạc cây lá trong vườn. Tôi bất giác đọc mấy vần thơ cổ:
Tết về trời bỗng mưa rơi,
Đồng chiêm gió thổi, xanh ngời liễu dương
Có người chạnh nhớ quê hương,
Tai nghe tiếng cuốc, niềm thương dâng tràn./.