Xuân Phương
(VNTB) – Nếu lấy lá phiếu tín nhiệm của khách hàng, tin rằng các quan chức của EVN phải ‘cáo lão hồi hưu’ theo đúng quy định của Bộ Chính trị.
Chiều 31-3, Bộ Công Thương tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh bốn năm qua giá điện không điều chỉnh.
Theo đó, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện các năm 2021 là 419.031 tỉ đồng; năm 2022 là 493.265 tỉ đồng (bao gồm tất cả các khâu).
Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 1.859,90 đồng/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020; giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng /kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.
Trong khi đó, giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2022 là 1.882,73 đồng/kWh, tăng 1,46% so với năm 2021. Như vậy, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 36.294,15 tỉ đồng.
Tuy nhiên, thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058,36 tỉ đồng. Nhờ vậy đã giúp giảm lỗ cho EVN còn 26.235,78 tỉ đồng.
Vì vậy tập đoàn đã có đề xuất trình Bộ Công Thương và các cấp có thẩm quyền về việc điều chỉnh giá điện.
“Năm 2022 lỗ chủ yếu là do chi phí sản xuất điện đầu vào tăng cao. Đặc biệt là giá than tăng gấp hơn 3 lần, có thời điểm tăng gấp 4-5 lần. Giá khí đốt và giá dầu tăng gấp đôi là nguyên nhân khiến chi phí mua điện tăng cao. Nhưng bốn năm nay đã không điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân nên EVN rất khó khăn”, theo ông Nguyễn Xuân Nam, phó tổng giám đốc EVN.
“Tăng giá điện ảnh hưởng lắm chứ. Sản phẩm mình làm ra, vốn dĩ đã không được tăng giá, xưa sao giờ vẫn vậy. Giờ tăng giá điện, ảnh hưởng rất nhiều đến công việc. Mà đâu phải chỉ có mình điện, còn nhiều thứ khác nữa. Nên nếu giờ nói về vui buồn trong nghề của mình, có lẽ, buồn nhiều hơn vui”, chủ một nghề ở miền tây chia sẻ trong tâm trạng buồn.
“Sinh viên vốn dĩ đã khó khăn sẵn rồi, ăn uống phải tính toán rồi. Giờ điện còn tăng giá, sẽ khó hơn cho tụi em nhiều. Cũng đâu thể kêu ba mẹ đưa thêm cho mình, ba mẹ cũng khổ quá mà. Mẹ còn bị bệnh nữa, gần như mất sức lao động. Rồi còn học phí, đi lại, ăn uống… đủ thứ chuyện. Cho nên mình phải tính toán phương án khác”, sinh viên năm ba của đại học Quốc gia TP.HCM cho biết trong một lần gặp gỡ.
Theo đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, thời gian qua, EVN trong các báo cáo đều khẳng định tình hình sản xuất, kinh doanh điện liên tục thua lỗ. Tuy nhiên, khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng năm 2022 của EVN thì trong báo cáo chưa thấy làm rõ nguyên nhân và giải pháp cụ thể.
Bà Yên cũng đặt ra thắc mắc công ty mẹ báo lỗ trong khi các công ty con vẫn công bố lợi nhuận cao trong năm 2022. Dẫn chứng, hai doanh nghiệp thuộc EVN là Tổng công ty Phát điện 3, Tổng công ty Phát điện 2 đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm 2022 lần lượt là 2.550 tỷ đồng và 3.668 tỷ đồng…
Tóm lại vấn đề, có thể nói, nếu như không đủ khả năng quản lý, không đủ năng lực cho “cái nón độc quyền”, nên chăng, cần xem xét truy cứu trách nhiệm của các cán bộ quản lý ngành EVN hiện tại? Bởi lẽ, bù lỗ bằng phương án “xài sức dân”, buộc dân phải chịu trách nhiệm trước sự yếu kém trong quản lý của các cán bộ ngành điện là hoàn toàn không thể chấp nhận.
Tăng giá điện trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, từ hộ kinh doanh, làng nghề cho đến xí nghiệp, nhà máy, các cơ sở kinh doanh…; từ ông xe ôm, bà bán hàng rong cho đến nông dân, trí thức…, xét về khía cạnh chữ tình, đó là một hành động không xứng đáng với hai chữ “đồng bào”. Nó không khác gì là là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản.
“Giờ biết phải làm sao? Dân thì thấp cổ bé họng, nông dân như mình làm được cái gì? Nó độc quyền, nó muốn làm cái gì nó làm. Không cho nó làm, nó cắt điện, nó cúp điện. Trong khi tiết trời thì nóng hầm hập. Cũng mong chính phủ thanh tra, làm cho ra lẽ mọi chuyện để dân được nhờ”, ông Tư ngậm ngùi.