Quang Nguyên
(VNTB) – Danh dự người Việt; Danh dự của quân nhân Việt Nam Cộng Hòa luôn là động lực thúc đẩy tôi giữ mình trước mọi cảm dỗ xấu.
Phỏng vấn TS Trương Minh Ẩn – Thị Trưởng Haltom City, Texas
“Danh dự của mình, và trên cả là ba tín niệm Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mà một cựu quân nhân từng đội trên đầu khiến tôi phải hết sức hoàn thành thật tốt tất cả những việc mình nhận lãnh”, Thị Trưởng Haltom City, Texas, Tiến sĩ Trương Minh Ẩn tâm sự với phóng viên Việt Nam Thời Báo.
Trả lời câu hỏi về việc chỉ sau khởi đầu nhiệm kỳ hai một năm, giữ trách nhiệm thị trưởng thành phố Haltom City, ông đã nâng doanh thu của thành phố từ trên một triệu mỗi năm lên trên 2 tỷ 2. Gấp 2 ngàn 200 lần! Một con số rất ấn tượng. TS Trương Minh Ẩn cho biết cha ông là một người có óc kinh doanh và sáng tạo. Cụ từ một người buôn thúng bán bưng đã tạo dựng nên nhà máy xay lúa cả hàng triệu đồng những năm giữa thập niên 50 thế kỷ trước. Ông Ẩn cũng từng phải theo cha mẹ bán hàng rong, nghèo đến mức không thắp đèn trong nhà, ban đêm phải ngồi dưới cột đèn học bài. Máu kinh doanh thừa kế của cha từ bao nhiêu năm khiến ông có dịp là phải làm ra tiền.
Mới chân ướt chân ráo từ Việt Nam tị nạn, dịp đầu tiên ông làm và bán mì hoành thánh ở một hội chợ Philadelphia. “Hồi đó mới lèo tèo mấy người Việt tỵ nạn. Người Mỹ qua lại nhìn xe hoành thánh của mình đầy vẻ nghi ngờ, tôi bật ra sáng kiến, gõ chảo quảng cáo,”Thưa quý vị, có lẽ ít người trong quý vị chưa hề nghe đến mì hoành thánh, lại càng ít hơn chưa được thưởng thức món ăn đặc biệt Đông Nam Á, do người tỵ nạn Việt Nam làm ra hoàn toàn, từ nồi niêu xoong chảo đến bột mì, thịt và gia vị, đều từ Mỹ. Tôi mời quý vị ăn free, miễn trả tiền. Hãy thưởng thức free món đặc biệt của người Á đông, do người Việt làm ra với tất cả nguyên liệu và dụng cụ nấu nướng của Mỹ.” Ông Ẩn cười, tự hào, “ Anh biết không, chỉ vài tiếng sau bạn bè tôi phải đến giúp tôi, người đi mua thêm hàng, người làm hoành thánh ngay tại chỗ. Làm không đủ bán.”
Ổng Ẩn kể tiếp:
“Khi tôi trúng cử thị trưởng lần thứ nhất, cử tri Haltom City dù rất tin tôi, nhưng họ cũng lo lắng nhìn tôi làm gì để giúp thành phố thoát khỏi cơn trì trệ. Đã 30 năm thành phố trùm mền, ngân quỹ trống trơn, nhân viên bỏ việc.
– Lương nhân viên thấp nhất trong 21 thành phố trong County.
– Bảy năm nhân viên không được tăng lương.
– Nhân viên cũ bỏ thành phố đến nơi trả lương cao hơn.
– Mấu chốt quan trọng nhất phải tháo gỡ nợ. Thu nhập của thành phố mỗi năm không quá 8 triệu. Thành phố dần dần đi vào tình trạng kiệt quệ, nợ nần chồng chất.
Việc đầu tiên tôi làm là xốc thành phố đứng dậy bằng cách cho xây dựng mới.”
Ông Thị Trưởng người Việt đầu tiên của thành phố này đã tăng thu nhập của thành phố bằng cách thực hiện 4 công trình lớn đã bị cử tri từ chối trong 15 năm qua. Ông cho xây dựng Sở Cứu Hỏa Số 3, Trung tâm sinh hoạt Hội Cao Niên, Trụ sở cảnh sát mới (đang xây dựng), và Tòa thị sảnh hai tầng, thay thế tòa thị sảnh cũ đã xây dựng từ năm 1956, tạo thêm trên 5000 việc làm, xây dựng trên hai triệu thước vuông Anh warehouse, trên 3,000 căn hộ tập thể, trên 1,000 nhà mới từ $400,000 trở lên, 500 cơ sở mới mở cửa sinh hoạt v.v…(2)
Hỏi về với kế hoạch to lớn cần đến thêm hai nhiệm kỳ nữa để hoàn thành, Tiến Sĩ Trương Minh Ẩn tin tưởng sẽ ngồi hết 10 năm, hai nhiệm kỳ nữa, cho đủ luật thành phố quy định 5 nhiệm kỳ để hoàn thành ước mong của ông và của cử tri. Ông nói:
“Những năm sau 1975, khi làn sóng người tỵ nạn cộng sản đến Mỹ, thành phố này đã từng ra sắc lệnh cấm người tỵ nạn nhập cư. Năm 2011 tôi ra ứng cử nghị viên thành phố, nhiều người ồn ào phản đối. Ông thư ý thành phố lúc đó chỉ đích danh tôi, người Việt, không thể bén bảng vào hội đồng, vậy mà tôi vẫn trúng cử, dù cử tri người Việt hầu như không đi bỏ phiếu theo thói quen dửng dưng với chính trị của họ.”
Giữ chức vụ nghị viên liên tục 3 nhiệm kỳ, ông Ẩn ra ứng cử thị trưởng. Cả ba kỳ bầu cử ông đều thắng lớn, landslide, sau đó ông đắc cử liền 3 nhiệm kỳ thị trưởng với số phiếu bầu vượt trội các đối thủ. Ngay nhiệm kỳ đầu của ông, Hội Đồng Thành Phố đã nhanh chóng cho phép thị trưởng được phép tái ứng cử tổng cộng 5 nhiệm kỳ 2 năm cho chức thị trưởng..
Với sự thay đổi giới hạn 2 nhiệm kỳ hai năm thành 5 nhiệm kỳ cho Thị trưởng được phép tái ứng cử; ông sẽ là người Việt, người da màu thiểu số trong thành phố này ngồi vào ghế thị trưởng của tòa thị sảnh mới xây, thay thế tòa thị sảnh cũ đã trên 30 năm, nơi ngày xưa người đến còn cột ngưa phía trước như trong các phim cao bồi viễn tây.
Đào tạo người trẻ vào chính trường
“Đối với tôi, bất cứ ai tôi nhắm thấy có thể giúp ích cho cộng đồng, tôi là người đến với họ trước để xin được giúp đỡ họ theo khả năng của tôi” Tiến Sĩ Ần nói. “Trong mỗi lần họp cử tri, tôi đều chú ý đến người có khả năng ứng cử vào hội đồng thành phố, bất kể người đó thuộc sắc dân nào, nhưng tôi đặc biệt chú ý đến người thiểu số trong thành phố. Tôi đến với họ, đề nghị được giúp đỡ họ ra ứng cử. Tôi rất mong muốn hội đồng thành phố có sự quân bằng giữa các sắc dân và phái tính. Tiếc thay đến nay tôi vẫn chưa đạt được hoàn toàn ước muốn. Một vài sắc dân thiểu số chỉ cần thỏa mãn nhu cầu bình thường là xong. Không dễ tìm được người dấn thân làm chính trị.”
Nói riêng về người Việt. Đa số dân mình cũng vậy, đi bỏ phiếu đã khó, tinh thần ứng cử phục vụ còn khó hơn nữa. Ông Ẩn kể đã từng giúp một số người trẻ Việt Nam thắng cử ở vài địa phương khác, nhưng ông rất buồn lòng khi có một số người trẻ cậy mình có bằng cấp, nghĩ có thể ăn thua với các ứng viên khác, “không cần đến cử tri người Việt”, kết quả chỉ thua đối thủ vài chục phiếu trong một hạt bầu cử có hàng ngàn cử tri Việt Nam không chịu đi bầu.
Ông Ẩn cay đắng khi phóng viên đề cập đến những lùm xùm giữa các dân biểu Việt với nhau, hay chửi bới nhau không ra gì của dân biếu với cử tri tại một, hai city vùng California. Ông nói: “Vô cùng xấu hổ. Tại sao không thể hòa nhã khi bất đồng với nhau?”
Tiến sĩ Trương Minh Ẩn cho biết, ông lập Hội Người Mỹ gốc Việt Miền Bắc Texas vì muốn giúp thanh niên Việt Nam bước chân vào chính trường Hoa Kỳ. Tháng 11 qua, ông Ẩn ủng hộ một cựu đại tá quân đội Hoa Kỳ, thế hệ thứ 2 con em cựu quân nhân quân lực Việt Nam Cộng Hòa, đánh bại 5 đối thủ, trở thành nghị viên thành phố thành phố Arlington láng giềng, khoảng 4 triệu dân. Rất tiếc cũng trong lần bầu cử vừa qua, một ứng cử viên Việt Nam tại tiểu bang Oklahoma chỉ thiếu 35 phiếu để trở thành nghị viên thành phố chỉ vì cử tri Việt Nam không màng tới việc đi bỏ phiếu. Thành phố Garlan bên cạnh Haltom City có 25 ngàn người Việt, ứng viên Việt chỉ thiếu 780 phiếu không tranh được với Mễ. Ứng viên Andy Nguyễn thất bại thảm hại vì, cậy mình có bằng cấp, tuyên bố không cần phiếu của cử tri gốc Việt.
“Thế hệ 2, 3 người Mỹ gốc Việt rất quan trọng với tôi, các em phải đi vào dòng chính Hoa Kỳ. Đó là ước nguyện cho đến cuối đời tôi. Tôi lập hội Người Mỹ Gốc Việt Miền Bắc Texas vì muốn trợ giúp Thanh niên Việt Nam bước chân vào chính trị Hoa Kỳ.. Tôi không ngại đi bất cứ đâu để nói chuyện với thanh niên. Đừng hỏi tôi có muốn giúp các bạn trẻ không, tôi phải hỏi anh chị có muốn tôi giúp không trước. Tôi muốn gieo hạt giống đam mê làm chính trị trong lòng thanh niên. Hội Người Mỹ Gốc Việt Bắc Texas của tôi mở rộng cửa cho cả các sinh viên Việt Nam du học; các em muốn về Việt Nam làm một điều gì đó giúp nước. Tôi cũng muốn các em làm cách mạng ở Việt Nam. Cũng như ở đây. Tôi muốn cựu đại tá Long người Mỹ gốc Việt thay thế tôi.”
Danh dự người Việt. Danh dự quân nhân QLVNCH
Trả lời câu hỏi điều gì khiến ông tránh khỏi sự quyền rũ của tiền bạc, Tiến sĩ Trương Minh Ẩn, Thị Trưởng Haltom City tâm sự:
“ Danh dự người Việt; Danh dự của quân nhân Việt Nam Cộng Hòa luôn là động lực thúc đẩy tôi giữ mình trước mọi cảm dỗ xấu.” Ước mơ từ bé của tôi là trở thành một vị tướng Không Quân Việt Nam Cộng Hòa. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 thoát khỏi Việt Nam bại trận, đáp xuống phi trường quân sự U-Tapao, tôi đã khóc, còn hơn cả ngày cha mẹ tôi mất, khi bị quân cảnh Thái tước mất súng cá nhân. Đời quân nhân trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa của tôi đã chấm dứt. Nhưng tinh thần và danh dự của người quân nhân VNCH còn sống mãi trong tôi. Tôi từng dạy con em làm điều gì phải nhớ đến danh dự của người Việt. Phải nêu danh dự người Việt lên hàng đầu. Sang Mỹ tỵ nạn, tình cờ đưa đẩy, tôi vào cảnh sát tiếp cận với hàng loạt tội phạm buôn lậu ma túy, cơ hội làm tiền, nhận hối lộ đến với tôi hàng ngày.
Tại Houston hàng loạt cảnh sát VN dính vào băng đảng ma túy, đi tù hàng loạt. Khi một người Mỹ trắng hay đen làm bậy, người ta chỉ kể nó là Officer Smith, Officer Johnson nào đó, nhưng mà khi người Việt làm bậy, nó không cần biết anh tên là gì, nó cứ gọi là Vietnamese thế thôi; giống như nó kêu cả dân tộc mình ra nó chửi. Tiền không mua được danh dự của người Miền Nam, của người Việt Nam Cộng Hòa. Tôi đã từng từ chối những món tiền lớn hối lộ, để xin tha, hay bỏ qua tội phạm.
Mình đã tỵ nạn rồi phải làm sao giữ cho trong sạch, đừng mang vết nhơ cho cả cộng đồng. Khi tôi nghe thấy bên Cali chửi bới nhau, vạch lưng cho người ta xem thì thật xấu hổ. Tôi là phi công khu trục, dân lính mở miệng ra là xài giấy 500 thô tục, 32 năm làm cảnh sát chỉ ra lệnh, ít khi nghe lệnh ai, đến khi vào chính trị, như phải qua một cái máy thay đổi hoàn toàn. Hòa nhã, lắng nghe.”
Ông Ẩn chỉ là cờ Việt Nam Cộng Hòa treo trong căn nhà không mấy khang trang mà ông đã tự tay dựng lại khi mua cũ trước đây hàng 30 năm, kể, lá cờ này từng nhuốm máu ông và hàng triệu chiến hữu của ông. Ông không thể vì bất cứ một ước muốn, hành động không tốt nào làm nhơ bẩn nó. Ba tín niệm của người chiến sĩ quân đội VNCH Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm là kim chỉ nam cho hành động và suy nghĩ của ông. “Cha mẹ từng sống trong nghèo khổ, tôi từng theo cha mẹ ngồi cột đèn bán chuối nướng, nhưng cha mẹ luôn cấm tôi nghĩ đến chuyện lấy của người. Thày tôi, ông Hồ Đắc Trọng, người xây Thích Ca Phật Đài Vũng Tàu luôn dậy chúng tôi phải sống lương thiện”
Ông Thị Trưởng Thành Phố Haltom City, Tiến sĩ Trương Minh Ẩn kết thúc câu chuyện kéo dài gần hai tiếng đồng hồ với Phóng Viên Việt Nam Thời Báo, “Nay đã 75 tuổi, mọi việc tôi dành được, làm lợi cho dân tộc Việt Nam, cho quê hương thứ hai là Hoa Kỳ của tôi, tôi nghĩ là do công lao dưỡng dục của cha mẹ tôi, của thầy dậy, sự giúp đỡ của đồng bào, tình yêu thương của các em Phật tử của tôi, và nhất là tinh thần của người cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa qua 3 tín niệm Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm mà tôi luôn còn đội trên đầu từ ngày ra trường sĩ quan không quân cho đến nay”.