Nguyễn Ngọc
(VNTB) – Không biết từ lúc nào, nhiều người tếu táo gọi ông tổng bí thư đảng là ‘ông Giáo’ khi than vãn kiểu: “Toang rồi, ông Giáo ạ!”
“Nhà thơ ở cạnh Nhà thờ,/ Nhà thơ tạ thế, Nhà thờ rung chuông”!
Nhiều người nói đây là một câu thơ khuyết danh, lan truyền trong dân gian kể từ khi nhà nước mình tổ chức những ngày hội thơ; mà ở xứ Việt, thường là từ bên kia bờ bắc của Bến Hải, luôn chuộng thi phú kiểu những hội đoàn thơ ca cấp tổ dân phố.
“Chả bao giờ ngờ có ngày Thơ lại vụt trở thành cụm từ sáng nhất làng face!”. Đó là câu chuyện thời sự vào bậc nhất trong ngày Chủ nhật cuối cùng của tháng bảy, vì ai đó đã phát hiện ‘động trời’ rằng “Vợ ‘bệnh nhân 418’ cho biết, ông và ‘bệnh nhân 416’ hoạt động chung trong câu lạc bộ thơ có nhiều cán bộ hưu trí” (1).
Bài báo cho biết thêm liên quan thi phú với con virus cúm Tàu này, là “Gần đây, ông chủ yếu ở nhà và lên bệnh viện chăm bố ruột. Không biết ông có đi ra ngoài cà phê, hay ngồi nói chuyện với bệnh nhân ở Liên Chiểu hay không”, bà vợ ‘bệnh nhân 418’ nói.
Sở Y tế Đà Nẵng cũng cho biết, ‘bệnh nhân 418’ nói tham gia một câu lạc bộ thơ nhưng lâu nay không sinh hoạt. Còn ông Phạm Phú Điềm – phó giám đốc Trung tâm y tế quận Liên Chiểu, góp thêm tin rằng với ‘bệnh nhân 416’, 57 tuổi, cũng tham gia câu lạc bộ thơ. Lần sinh hoạt gần đây nhất của câu lạc bộ là khoảng một tháng. Xem ra những cụ hưu trí khoái thi phú ở Đà Nẵng từng có các ‘giao lưu văn minh vợ người’, cần hết sức lưu tâm.
Xem ra dễ toang quá ông Giáo ạ.
Hôm rồi coi tivi tường thuật về phiên họp củi lò gì đó với sự hiện diện của rất nhiều quan chức ‘có tuổi’, ngồi phòng máy lạnh do ông Giáo cầm chịch chủ trì. Chẳng thấy ai để tâm đeo khẩu trang y tế ở nơi đông người với lắm người cao tuổi như vầy – cao tuổi ở đây là hiểu theo Luật Người cao tuổi, cứ từ 60 tuổi là nghiễm nhiên thành người cao tuổi! (2).
Giờ nếu truy ngược thời gian, thì khi ấy đã có cả 2 ca lây nhiễm cộng đồng ở Đà Nẵng rồi. Lo lắm, bởi nghe đâu mấy năm trước, từ hồi công cán ở xứ Kiên Giang, ông Giáo bất ngờ đổ bệnh, khiến giờ với tuổi tác này, chắc ông Giáo cũng lắm ‘bệnh nền’. Ông Giáo mà nhiễm bệnh và chủ trì cuộc họp nào đó với đầy đủ 18 vị còn lại trong Bộ Chính trị, thì chắc khi ấy cả nước mình toang mất.
Lo lắm ông Giáo ạ.
Càng lo hơn khi để ý thấy rằng dường như ông Giáo cũng mê thơ phú, xướng họa lắm. Dẫu gì ông Giáo cũng người thanh lịch xứ Tràng An kia mà (3).
“Tôi lo không biết có hoàn thành được nhiệm vụ không. Khi phát biểu trước Quốc hội, tôi đã ngẫu hứng lẩy 2 câu Kiều:
“Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn
Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay”.
Đến bây giờ tâm trạng cũng như vậy, nhưng có phần lo lắng hơn…”.
Ông Giáo có đoạn đầy tâm tư như trên trong bài phát biểu tuyên thệ chiều 23/10/2018 khi nhậm chức chủ tịch Nước.
Thật ra câu lẩy Kiều này của ông Giáo, là lặp lại hệt hồi ông Giáo bàn giao ghế chủ tịch Quốc hội sang cho ông Nguyễn Sinh Hùng. Báo chí thời đó có đưa tin (4).
“Tuần qua, sự kiện quan trọng số một trong đời sống chính trị Việt Nam, không còn bàn cãi gì nữa, là kỳ họp Quốc hội lần thứ nhất của khoá 13, với việc bầu các chức danh chủ chốt điều hành đất nước trong 5 năm tới.
Người được bầu đầu tiên là ông Nguyễn Sinh Hùng, với chức danh Chủ tịch Quốc hội. Sau khi nhận bó hoa từ tay Tân Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Phú Trọng đã nán lại trên diễn đàn ít phút để chia sẻ cảm giác của mình 4 năm về trước, vào một hoàn cảnh tương tự. Ông nhắc lại chuyện ông đã lẩy hai câu Kiều lúc đó: “Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn / Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay”. (5)
Giờ lại sắp chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ mới của đảng, và mối dự cảm của 12 năm về trước cho ‘phận mỏng cánh chuồn’ nên khiến duyên cớ vào hồi kết cuộc xem ra khó thể vuông tròn, như một điềm báo mà ở 8 năm trước ông Giáo đã từng hy vọng bằng một câu lẩy Kiều với tân chủ tịch Quốc hội khi ấy: “Chén vui nhớ bữa hôm nay/ Chén mừng xin đợi ngày này… năm năm sau”.
Dĩ nhiên ‘chén vui’ thì chẳng thể nào được gọi là đối với ‘chén mừng’, vì người xứ mình hay nói ‘vui mừng’ kia mà!. Mà cũng chẳng sao, bắt bẻ chi ở niềm vui thơ phú của các cụ cao tuổi quen xướng vịnh ở câu lạc bộ thơ cấp tổ dân phố.
Thế nhưng nếu coi đây là điềm từ ‘bói Kiều’ thì lo thật. Bởi từng đôi lần ví mình như thận phận nàng Kiều luân lạc ‘trôi sông lạc chợ’ suốt 15 năm trời, thì giờ sợ chết đi được ông Giáo ơi – khi mà con virus cúm Tàu dường như bị bọn thế lực phản động phương Bắc đang cố tình gieo rắc vào Đà Nẵng, để ai xuôi ngược con đường thiên lý Bắc – Nam đều có thể bị dính…
Phần kết chặng đường 15 năm của Kiều có câu “Triều đâu nổi tiếng đùng đùng/ Hỏi ra mới biết rằng sông Tiền Đường”; và trong giấc mộng hồi nào, Kiều từng được Đạm Tiên nói rằng “Sông Tiền Đường đó, ấy mồ hồng nhan”.
Tiền Đường là con sông lớn nhất tỉnh Chiết Giang bên Tàu. Giờ thì đại hồng thủy đang hoành hành, nên nói theo kiểu ‘bói Kiều”, xem ra không khéo thì… dẫu người Việt mình có lạc quan cách mạng đến mấy, có ‘quyết tâm chính trị’ đến đâu, thì cũng chẳng thể không lo lắng chuyện cứ đà này thì sẽ toang mất, ông Giáo ạ!
______________
Chú thích:
(1) https://vnexpress.net/hai-benh-nhan-covid-o-da-nang-cung-tham-gia-clb-tho-4136280.html
(3) https://zingnews.vn/toan-van-phat-bieu-nham-chuc-cua-chu-tich-nuoc-nguyen-phu-trong-post886708.html
(4) https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tong-bi-thu-yeu-kieu-va-su-song-phang-voi-lich-su-32757.html
(5) http://handico6.com.vn/detail/tong-bi-thu-yeu-kieu-va-su-song-phang-voi-lich-su.html