Đỗ Văn Phúc
(VNTB) – Lạ quá, việc Mỹ rút quân và việc ông Mattis từ chức nghe trên các đài truyền hình hay đọc hà rầm trên các báo; có gì bí mật phải che đậy bằng các mã số, ký hiệu mà cần các tác giả phải ‘giải mã’?
Những lúc về sau này, chúng tôi đọc thấy nhiều tựa đề các bài bình luận phân tích thời sự thường bắt đầu bằng hai chữ ‘giải mã’. Trên nhiều trang web hay các diễn đàn, thấy có các bài: “Giải mã Mỹ rút quân khỏi Syria” hay “Giải mã việc Đại Tướng James Mattis từ chức”, “MC Quyền Linh giải mã các hiện tượng”, “Giải mã giấc mơ thấy quan tài” vân vân.
Chữ Mã theo Từ điển Tín Đức, trang 330
Lạ quá, việc Mỹ rút quân và việc ông Mattis từ chức nghe trên các đài truyền hình hay đọc hà rầm trên các báo; có gì bí mật phải che đậy bằng các mã số, ký hiệu mà cần các tác giả phải ‘giải mã’?
Chúng tôi không phải là nhà ngôn ngữ học để có thể ngồi đọc hết và phân tích những từ ngữ trong các bài viết. Nhưng “đừng im tiếng, mà phải lên tiếng…”. Bất kỳ người nào cũng muốn đọc các bài viết dễ hiểu, chữ nghĩa dùng đúng cách, câu văn gọn gàng tròn ý. Có phải bất cứ người Việt Nam nào mong muốn bảo vệ sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ của mình?
Từ khi Cộng Sản chiếm hết cả nước, họ đã đem từ miền Bắc vào Nam rất nhiều chữ viết, lời nói tuy cũng là ngôn ngữ Việt, nhưng nghe rất chói tai, khó hiểu. Lý do là những kẻ ngu dốt mà lại sính dùng chữ, họ đã cắt xén, ráp nối, thay chữ, đổi nghĩa rất nhiều từ ngữ mà chúng ta đã dùng một cách đứng đắn tại miền Nam trước 1975. Ngày nay, phương tiện internet đã giúp cho nhiều người tham gia vào việc truyền thông. Nhà văn, nhà báo, nhà thơ nổi lên như nấm dại sau cơn mưa. Tuy nhiên số người viết đúng văn phạm, chính tả lại rất hiếm hoi. Và lại, không thiếu những người ưa dùng chữ đao to búa lớn mà ý nghĩa thì không đi sát với những gì họ muốn diễn đạt. Lại có những ‘nhà văn’ hà tiện các dấu chấm, phẩy… Cả một đoạn văn dài nửa trang giấy không thèm cho một cái dấu để tách biệt các câu, các mệnh đề. Ai đọc thì ráng chịu khó mà hiểu lấy.
Chúng tôi hoạt động trong ngành truyền thông gần 50 năm qua, từ trong nước ra đến hải ngoại; lúc nào cũng tâm niệm phải cố gắng viết cho chính xác vừa ngữ vựng vừa văn phạm. Nhất là Việt ngữ, thứ ngôn ngữ đã thấm sâu vào từng tế bào, từng giọt máu của mình; thứ ngôn ngữ mà tổ tiên truyền lại, được bảo lưu là làm phong phú thêm bởi bao nhiêu thế hệ. Ngôn ngữ có thể theo thời mà biến đổi. Có khi sai nhưng được nhiều người dùng và lâu ngày, mỉa mai thay, nó trở thành đúng!
Cho nên, chúng ta cần chặn cái sai càng sớm càng tốt.
Từ lâu, mỗi lần nhận được từ thân hữu chuyển đến các bài viết; chúng tôi rất trân trọng. Nhưng chúng tôi cũng lại rất khó tính khi tìm thấy trong bài những câu, những chữ mà tác giả đã vô ý thức sử dụng theo kiểu viết sai trái của Việt Cộng. Có khi chỉ đọc thoáng cái tựa đề là thẳng tay bấm nút delete mà không buồn ghé mắt xem vài hàng nội dung ra sao.
Vì sao chữ giải mã trong các bài trên không đúng? Lẽ nào các tác giả có đủ khả năng viết những bài bình luận mà lại không hiểu đúng nghĩa của hai chữ này? Hay là vì họ quá thờ ơ, nghe quen tai sau khi đọc nhiều bài ‘giải mã’ và đã áp dụng một cách vô ý thức vào bài của mình? Tôi đoán có thể tác giả muốn nói đến việc ‘giải độc’ những bản tin do người viết tin bóp méo vì mục tiêu chính trị của người đưa tin. Đúng thế, có nhiều tin làm cho người đọc hiểu sai lạc bản chất vấn đề, nên coi tin đó là đầu độc, phải ‘giải độc’.
Vậy, xin phép trước hết, tìm hiểu ý nghĩa của hai chữ ‘giải mã’.
Chúng tôi tin rằng rất nhiều quý vị từng nghe quen các chữ ‘mã số’, ‘mật mã’. Nguyên từ ‘mã’ là chữ Hán 碼, theo Từ điển Thiều Chửu, có nghĩa “một thứ chữ riêng để biên số cho tiện” http://vietnamtudien.org/thieuchuu/
碼 mã (15n) • 1 : Mã não 碼瑙 đá mã não, rất quý rất đẹp. Cũng viết là 瑪瑙. • 2 : Pháp mã 砝碼 cái cân thiên bình. Có khi viết là 法馬. • 3 : Mã hiệu, một thứ chữ riêng để biên số cho tiện. Như sau này : chữ mã Tàu 〡〢〣〤〥〦〧〨〩十, chữ mã A-lạp-bá 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10, chữ mã La Mã I II II IV V VI VII VIII IX X. |
Từ điển Hán Việt của ông Đào Duy Anh, do nhà xuất bản Minh Tâm ấn hành năm 1951 tại Paris, trang 538 định nghĩa là “dấu để ghi số”
Từ điển của Hội Khai Trí Tín Đức trang 330 cũng có định nghĩa tương tự là “thứ chữ số của người Tàu dùng để biên sổ”.
Còn chữ ‘giải’ đơn giản là mở ra.
Như thế, ‘mã’ trước hết, là những ký hiệu dùng thay cho các chữ. Giải mã là tìm cách mở cái ‘ký hiệu’ ra để đọc các chữ.
Giữa thế kỷ thứ 19 (năm 1836), ông Samuel F.B. Morse đã có sáng kiến soạn ra các ký hiệu bằng dấu hiệu ‘tích, tè’ tức là các dấu chấm (dot .) và dấu ngang (dash -). Mục đích là để chuyển đi những tin tức qua viễn thông bằng các phương tiện mà không thể chuyển các chữ được. Qua dòng điện hay qua ánh đèn pin thì khi bấm nhanh là dấu ‘tích’, giữ lâu gấp ba lần thì đó là dấu ‘tè’. Nếu dùng cờ hiệu, thì đưa 1 tay lên là ‘tích’, dang cả hai tay là ‘tè’. Giữa hai chữ cái (letters) là một khoảng im lặng ngắn bằng dấu ‘tích’; giữa hai chữ (words) thì khoảng cách dài bằng ba dấu ‘tè’. Quý vị nhớ chữ SOS là tín hiệu cấp cứu. Nó được truyền đi bằng ba ‘tích’ (ngưng), ba ‘tè’ (ngưng) rồi ba ‘tích’. (… — …)
Ký hiệu Morse này trở thành vô cùng thông dụng trong hàng hải. Nhưng nó không mang tính chất bảo mật.
Trong quân đội hay tình báo, với mục đích chỉ cho phe bạn nhận hiểu bản tin của mình mà kẻ địch không thể đọc hiểu, trước khi chuyển đi, người ta ‘mã hoá’ (encode, encoding) bản văn bằng cách thay các chữ cái hay con số bằng những chữ khác hay dãy số khác. Những người phe bạn sẽ có một cái khoá (key) để lần mò theo từng ‘mã tự’ hay ‘mã số’ (code) thì mới đọc được. Chính việc dùng khóa để dọc bản văn đã được ‘mã hoá’ này, người ta gọi là ‘giải mã’ (decode, decoding)
Thời Thế Chiến 2, quân đội Đức Quốc Xã đã thành công phần lớn là do các hình thức mã hoá tinh vi mà quân Anh và Mỹ không thể đọc được các lệnh truyền tin của Đức. Trong một trận hải chiến trên Đại Tây Dương, Hải quân Hoa Kỳ đã bắn chìm một chiến hạm Đức (dường như là một tiềm thủy đỉnh) và đã tịch thu được một máy giải mã. Máy này được đưa về đại bản doanh ở London để các nhà tình báo chiến lược và các nhà toán học siêu việt nghiên cứu. Từ đó, đã tìm ra các khoá để giải mã tất cả những thông tin của phe địch.
Một cách mã hóa đơn giản là dùng các chữ ‘Alpha’ thay cho chữ A, Bravo thay cho chữ B, Charlie thay chữ C… X-ray thay chữ X, Yankee thay chữ Y, Zulu thay chữ Z; tương đương với ‘Anh dũng, Bắc bình, Cải cách… Xung phong, Yên Bái, Zulu’ dùng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Ngoài ra còn cách mã hoá khác như khi báo cáo 5 quân nhân tử trận, họ nói là ‘năm im lặng’, 10 người bị thương thì gọi là ‘mười kiến cắn’; Pháo binh thì gọi là phổi bò, xe tăng thì gọi là con cua. Những cách này cũng không có tính cách bảo mật nữa vì quá đơn giản. Về sau, dường như bắt đầu từ khoảng năm 1970, các đơn vị được phát một tập Khoá Đối Chứng dày gồm nhiều trang. Mỗi trang gồm những cột dọc với nhiều hàng chữ cái hay con số gọi là ‘khoá’, và chỉ dùng cho một ngày được ấn định. Qua hôm sau, phải xé bỏ, hủy trang đó đi. Nếu tập này rơi vào tay địch, sẽ có lệnh cấp tốc cho ngưng sử dụng và tập mới được phát ngay. Chỉ có đơn vị trưởng và những người hiệu thính viên mới được biết đến tập sách này mà chúng tôi biết với tên gọi là ‘Khoá Đối Chứng’ (KDC).
Trong ngành computer, người ta dùng các loại ngôn ngữ riêng bằng dãy 8 con số gồm 0 và 1 gọi là binary code. Đó là khi chuyển đi chữ hay số, các chữ hay số đánh trên bàn phím sẽ trở thành các tín hiệu điện đóng hoặc mở (1 hoặc 0). Khi truyền đến máy người nhận, nó sẽ được chuyển lại thành các dòng chữ hay số để đọc. Ngay cả hình ảnh, âm thanh cũng được ‘mã hoá’ bằng binary code trước khi được dòng điện chuyển qua những cái gọi là ‘processors” trong máy computer.
Như thế, khi viết lên tựa để “Giải mã Mỹ rút quân khỏi Syria” hay “Giải mã việc Đại Tướng James Mattis từ chức”, chắc các tác giả có ý muốn nói về sự ‘giải thích’, ‘phân tích’…về các diễn biến trên mà không hề có chút nào ý nghĩa ‘giải mã’.
Ngoài chữ ‘giải mã’, chúng tôi còn thấy nhiều vị dùng chữ ‘huyền thoại’ cũng rất bừa bãi. Hình như các tác giả nghĩ rằng ‘huyền thoại’ có nghĩa như ‘siêu việt’, ‘phi thường’ Quả đúng như thế đấy. Nhiều tác giả viết về vài vị tướng tài, vài biến cố quan trọng, vài trận đánh anh hùng, cũng ghép thành ‘Vị tướng huyền thoại’, rồi ‘Huyền thoại Bình Long’, ‘Tiểu đoàn X đánh một trận huyền thoại’…
Chúng tôi đã bàn đến hai chữ ‘huyền thoại’ trong vài bài viết về ngôn từ Việt Nam (bài “Mặt Trận Ngôn Từ” trong tác phẩm Quê Mẹ Mùa Xuân Chưa Về, trang 311). Xin ân cần nhắc lại một lần nữa và mong các tác giả sẽ tránh dùng sai hai chữ này.
Huyền thoại là gì?
Huyền là mầu nhiệm, huyền hoặc, huyền bí, viễn vông, không có thật, là chuyện truyền kỳ, thần thoại. Ví dụ các truyện Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ trăm trứng, truyện Phù Đồng từ đứa bé vươn vai thành một dũng sĩ mạnh khoẻ, nhảy lên ngựa sắt, nhổ cây tre làm vũ khí…, truyện Sơn Tinh Thủy Tinh… Truyện cổ Hy lạp thì có Ilyad, Odyssey kể về các dũng sĩ Achilles, Hercules…
Những câu chuyện trên hoàn toàn là viển vông, không có sử sách thời đó ghi chép mà chỉ do truyền tụng lại.
Còn các Tướng Đỗ Cao Trí, Tướng Ngô Quang Trưởng là người có thật, khả năng, tài trí, can đảm là có thật, công trận là có thật. Trận An Lộc long trời lỡ đất với sự dũng cảm chiến đấu, hy sinh vô bờ của quân sĩ ta là có thật, xảy ra vào một nơi có thật, vào một thời gian có thật. Báo chí đã ghi lại những tin có thật về họ và các biến cố đó. Những người trên chúng ta thấy được, sờ được thì không thể gán cho là huyền hoặc, chỉ xảy ra trong hoang tưởng.
Chúng ta có cả hơn một tá những chữ rất thông dụng để ca tụng, miêu tả những anh hùng, những chiến công, những biến cố. Tại sao lại không dùng chúng mà lại dùng một chữ hoàn toàn không đúng và nếu xét sâu xa hơn, thì lại có tính cách mỉa mai chăng?
Cũng có thể, người viết muốn ca tụng các nhân vật, các biến cố quá phi thường, vượt ra khỏi sự tưởng tượng của con người. Vậy thì nên viết rằng “Tướng Hưng là một chiến sĩ dũng cảm như trong huyền thoại. Trận An Lộc là một trận chiến cầm cự phi thường như trong huyền thoại.”
Thêm một điều nữa.
Có vị thắc mắc chữ ’hoành tráng’ có phải của Việt Cộng không vì thấy bên Việt Nam sính dung chữ này cho hầu hết các trường hợp. Từ điển Đào Duy Anh có định nghĩa là “quy mô to lớn, rộng rãi”, chỉ về tầm vóc của không gian. Vì thế, chỉ nên dùng cho những công trình, kiến trúc, cảnh quang; mà không nên dùng cho cảnh sắc, lễ hội, tiệc tùng. Đối với ba trường hợp sau, có thể dùng các tĩnh từ huy hoàng, tráng lệ, linh đình, huy hoàng, long trọng, trọng thể, tùy theo danh từ trước nó.
Chúng tôi xin đề nghị các tác giả nên có sẵn trong tủ sách hay trong hard drive của máy tính vài ba cuốn từ điển Việt Nam thời Việt Nam Cộng Hoà trở về trước; và nên bỏ chút thì giờ ra tra cứu một khi gặp những chữ mà mình không chắc hiểu đúng ý nghĩa của nó.
1 comment
nên giải mã học thuyết CNXH của GS.NPT viết sách con đường XHCN.VN đi đúng hướng ra sao khi CN tập thể nhà nước tập quyền mà lại đi chiêu dụ KT tư nhân XH4. khi lý luận 1. thật 0 thể hiểu tư tưởng lý luận kiểu tẩu hỏa nhập ma thì tuyên giáo sủa vang trời đất nhiều học giả thất nghiệp vô danh khen rần trời quan trí VN hơi bị tưng tửng để GDVN điên loạn viễn cảnh vững tiến ngươi ra người ma cũng 0 được vì MacLe sẽ chửi cha thời tao biết đéo gì KH MXH thật rối với GS.NPT đề cao CNXH ra định hướng ca ngợi KT tư hữu toàn trái CNXH luật pháp vo tròn nắm giữ QL cấm phản biện môi trường thực tế ý thức XH quan trí quan hệ với dân trí dựa trên nhận thức nào luật 0 có toàn chỉ thị bảo trợ mật cấm cãi vì có lý giải Lenin toàn tập cố đọc hết hiểu sâu và bảo vệ tư duy cố thủ của tư tưởng thời công nông nổi dậy áp dụng với hiện nay là sự hội tụ đỉnh cao trì tuệ toàn lấy nhận xét của lũ giáo điều hệ thống CNXH khen ngợi 0 thấy tác giả có tiếng nào đánh giá có lẽ với KH tiến bộ ngày nay sự rút gọn cụ thể dể hiểu xác thực đúng sai qua tranh luận kết quả hợp KH thực tế mới giá trị cao các học giả giỏi tư duy KH họ 0 thèm xem những lý luận tồi dài lê thê càng cố bảo vệ tư tưởng lỗi thời thì càng thấy rối thực tế vậy mà tại sao VN lại còn lũ PK tham QL đầy ải dân Việt như NTTộ bị chê trách theo CN tà ma thật đáng tội cho tương lai VN sự bảo thủ giáo điều tệ hại lại đòi Ftr CP4.0 khi tư tưởng 1.0 ca ngợi CNXH lại khuyến khích KT tư hữu cầu cạnh TDDC