Ngọc Lan
(VNTB) – Liệu am, cốc, thất của người tu hành có phải là đất đai tôn giáo mà nhà nước kiên quyết phải quản lý?
Người sở hữu bất động sản đương nhiên có quyền đối với bất động sản đó như quyền định đoạt, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng… Như vậy, không thể nào cấm một người sở hữu nhà được cư trú trong căn nhà họ có quyền sở hữu. Một lệnh cấm như vậy tất yếu vi phạm pháp luật một cách nặng nề.
Là người tu hành cư trú bất động sản của mình, iăng ni dĩ nhiên được thờ Phật. Không có và cũng không thể quy định kích thước tượng Phật thờ tại tư gia phải theo định hướng nào.
Là một công dân, dĩ nhiên tăng ni có quyền đón tiếp mọi người đến am, cốc, thất. Việc cùng nhau lễ Phật tụng kinh trước bàn thờ Phật, trao đổi ý kiến về Phật học cũng là điều không thể ngăn cấm.
Vấn đề sau đây mới là chuyện chính quyền đang quan tâm: chỉ cần nhìn từ vụ án Tịnh thất Bồng Lai/ Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, có thể nhận ra rằng không thể cưỡng bức các chủ tịnh thất gia nhập giáo hội, chỉ có thể vận động, nhưng điều này không phải dễ, vì những chủ sở hữu am, cốc, thất không muốn biến tài sản riêng của mình thành tài sản tôn giáo.
Nhà chức trách lập luận vầy: Luật tín ngưỡng, tôn giáo quy định “cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo, cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo”. Những cơ sở này đều phải được chính quyền địa phương cho phép thành lập. Nếu như người dân nào đó muốn lấy nhà ở của mình để làm chùa thì còn cần thêm sự đồng ý của tổ chức Phật giáo được công nhận như Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Vì đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước là đại diện chủ sở hữu, nên nếu ai đó muốn biến nhà của mình thành chùa, người ấy có thể phải giao đất cho nhà nước trước, rồi nhà nước cấp lại đất cho chính người ấy dưới danh nghĩa là đất tôn giáo.
Tuy nhiên tất cả các nội dung trên vẫn có nhiều ngoại lệ.
Ở Công viên Văn hóa Cao Sơn Lưu Thủy tại phường Cẩm Sơn, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh hiện có một ngôi chùa mang tên Từ Tâm, và gần 20 năm nay vẫn do Công ty cổ phần Than Cao Sơn quản lý.
Tại TP.HCM, ở ấp Láng Cát, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, hỏi đường vào “chùa thầy Phúc”, ai cũng biết. Một phụ nữ trạc 30 tuổi, chỉ: “Cuối đường tới ngã ba rẽ phải vào mấy chục mét là gặp chùa bên trái”. Tới trước sân đã nghe tiếng “thầy Phúc” rao giảng phật pháp trước camera điện thoại của các Youtuber.
Một báo cáo của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Bình Chánh, TP.HCM cho biết: “Huyện có 85 ngôi chùa thì chỉ có mấy chùa không có gia đình, phần lớn còn lại là “chùa gia đình”. Một số “chùa gia đình” nằm ngoài kiểm soát của Giáo hội, khó biết bên trong họ có làm gì sai không”.
Ngoài ra trên địa bàn huyện Bình Chánh còn có hơn 100 am, cốc, thất do tăng ni được gia đình, phật tử cúng tặng đất tự ý xây lên rồi trương bảng chùa.
“Về pháp lý, tăng ni đều của Giáo hội, nhưng chùa xây trên đất chưa chuyển đổi mục đích tôn giáo, chưa được Giáo hội công nhận, bổ nhiệm trụ trì. Số này cũng rất khó quản lý” – trích báo cáo của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Chùa Nghệ Sĩ, tức Nhựt Quang Tự ở quận Gò Vấp cũng là ngôi chùa không thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM.
Từ thực trạng trên cho thấy ngay cả “chùa gia đình” còn nằm ngoài tầm kiểm soát của Giáo hội, thì nói chi đến những loại hình am, cốc, thất. Một giải pháp về quản lý đưa ra là hãy ‘bắt chước’ cách quản trị hành chính của chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
Đối với vấn đề tài sản am, cốc, thất là tài sản tư nhân, nhưng được giáo hội kiểm soát về sinh hoạt tôn giáo, trước năm 1975, ở miền Nam cũng đã có hình thức giáo hội “bảo hộ” cơ sở Phật giáo tư nhân khi có yêu cầu, thì cũng nằm trong xu hướng này.
Nay nếu hình thức quản lý này được chấp nhận đưa vào Hiến chương, tin rằng nó sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc để mọi người tu Phật có thể thực hiện nguyện vọng tu tập, và sẽ hạn chế xảy ra những lùm xùm rất đáng tiếc như vụ án Tịnh thất Bồng Lai/ Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ đã được chính quyền có xu hướng “chính trị hóa” một hoạt động thuần túy về niềm tin tôn giáo.