Phố Núi
(VNTB) – Không có một người cha hay mẹ nào muốn con mình ngu dốt cả.
Một cán bộ cao cấp cộng sản comment bài viết về chủ trương nâng cao trình độ học vấn của các giáo sĩ: “Các giáo sĩ học vấn càng giỏi, giáo dân càng kém thì các cha càng dễ rao giảng, giáo dân chỉ biết nghe và làm theo. Nếu Giáo Hội lập các trường Đại học hoặc Học viện Công giáo chỉ với mục đích ấy thì giáo dân công giáo thấy buồn tủi lắm lắm! Thưa các Cha bề trên! Thiết nghĩ, trình độ học vấn của giáo dân Công giáo ta hiện đã quá thấp so với các tôn giáo khác và của toàn dân Việt Nam, phần lớn chỉ đủ để đọc sách Kinh Thánh; số người vào học trường trung học, trường công nhân kỹ thuật, cao đẳng, đại học để trở thành kỹ sư, bác sĩ , người tài,.. là rất hiếm, mọi nhu cầu trong cuộc sống đều phải nhờ người ngoại đạo giúp cho cả, điều ấy là đáng buồn cho Công Giáo Việt Nam ta! Vậy, cùng với chủ trương nâng cao trình độ của các Cha, Giáo Hội cũng nên có chủ trương nâng cao trình độ của giáo dân mới là đúng!”
Một độc giả khác, Toan Nguyen trả lời comment này như sau :
“Xin chào T.T N., bạn nói đúng một khía cạnh thôi. Giáo Hội Công Giáo rất muốn mở các trường học cho con em giáo dân học, nhưng XH và Nhà nước Chính Phủ không cho thôi . Lý do thì tôi không rõ lắm, nhưng tôi cũng hiểu phần nào đó tại sao …..nhưng không tiện nói ra ở đây thôi …. Chào bạn.”
Ông T.T.N, trả lời: “Có ai cấm con em Công giáo theo học các trường phổ thông và chuyên nghiệp của Nhà nước đâu! Chỉ e rằng các Cha không muốn nên không yêu cầu, động viên giáo dân đi học. Điều này thật khác với Công giáo ở các quốc gia khác, bạn Toan Nguyen ạ!”
Thưa anh T. T.N.
Trước hết tôi xin xác nhận với anh rằng tôi không phải là tín đồ của Công Giáo, những gì tôi viết ra đây nhằm chia sẻ những hiểu biết về quan niệm giáo dục của Giáo Hội dành cho giáo dân đang sống trong các quốc gia có nền giáo dục khác biệt với niềm tin của họ.
l/ Về các trường công giáo
1 – Bối cảnh lịch sử và vị trí địa dư:
Việt Nam là một trong những nước bị Thực Dân Pháp xâm lược từ hậu bán thế kỷ thứ 19. Trong Liên Bang Đông Dương gồm Việt Miên Lào, ngôn ngữ Việt Nam có cách phát âm dễ phiên âm ra bằng cách ghép các âm và từ của La-tinh, do đó Cố Đạo Alexandre De Rhodes-gọi là Đắc Lộ- đã phiên âm cổ ngữ của tiếng Việt xưa gồm cả tiếng Nôm thành chữ nói và viết theo ABC như chúng ta có mà sau nầy được gọi là chữ quốc ngữ.
Vì vậy, Việt Nam là quốc gia duy nhất tại Đông Nam Á sử dụng thuật ngữ la-tinh cho ngôn ngữ người Việt. Việc nầy mang đến sự truyền bá và truyền đạt văn chương được lan rộng khắp đất nước cho mọi người dễ dàng hơn so với các nước xung quanh. Ngay cho dù có ít nhiều khác biệt do phương ngữ của vài vùng miền, nhưng tổng thể thì chúng ta vẫn có thể hiểu nhau khi giao tiếp trên toàn quốc.
Đến đầu thế kỷ 20, Việt Nam là nước có nền văn minh và văn học cao nhất vùng.
Vị Quốc Vương Bảo Đại và Hoàng Hậu Nam Phương là cặp vợ chồng vương giả đẹp nhất và có học thức nhất trong các vương triều tại đây.
2 – Nền văn minh Cơ-đốc-giáo:
Chính quyền VN Cộng Sản từ lâu vẫn cho là đạo Cộng Giáo theo chân quân Pháp xâm lược vào VN, thực tế không phải vậy. “Thời phôi thai của Giáo Hội Việt Nam ghi dấu bước chân rao giảng Tin Mừng tại Hà Tiên của các giáo sĩ dòng Ða Minh đến từ quần đảo Malacca như Luis de Foncesca, Grégroire de la Motte và Gaspar de Santa Cruz vào năm 1550. Tại Ðàng Ngoài, các giáo sĩ Diego Doropesa, Bartolomeo Ruiz, Pedro Ortiz, Francisco de Montila và bốn trợ sĩ đến từ tỉnh dòng Ða Minh Phi luật tân, truyền đạo tại vùng An Quảng (Quảng Yên), năm 1583”(*).
Cũng từ lúc đó, việc dậy học đã được các cha cố lưu tâm đặc biết dù lúc đầu chủ yếu dành cho việc truyền giáo, nhưng sau, nhất là từ khi đạo công giáo có chỗ đứng vững trong xã hội VN thì các trường Công giáo nở rộ. Các trường này hoặc dậy theo chương trình Pháp, hoặc dậy theo chương trình hỗn hợp Pháp Việt, hoặc theo chương trình Việt Nam của bộ Quốc Gia Giáo Dục. Cũng giống như các nước có nền giáo dục theo nguyên tắc “nhân bản”, “dân tộc”, và “khai phóng” cho phép tự do mở trường học miễn tuân theo điều kiện của bộ giáo dục, tại VNCH lúc đó có nhiều cơ sở trường học hoặc công lập, hoàn toàn miễn phí, hoặc tư thục.
Các trường tư thục có thể do tư nhân, hay các hội đoàn, tôn giáo phụ trách hay thuê mướn giáo sư giảng dậy. Các trường tư thục công giáo được đánh giá là tốt hơn cả. Không ai phủ nhận điều này. Ngay đến nay cũng vậy, dù một số cơ sở giáo dục nho nhỏ, như mầm non, được nhà nước cho phép hoạt động, vẫn được phụ huynh tin tưởng gửi trẻ học hơn các cơ sở tư nhân khác. Các trường công giáo nhận học sinh, sinh viên không phân biệt giới tính, tôn giáo, sắc tộc. Rất nhiều trí thức nổi tiếng không phải người công giáo đã học các trường do các cha, sơ dậy. Một điều cũng cần lưu ý các giáo viên, giáo sư trong các trường này thường là người nổi tiếng và không nhất thiết phải công giáo. Dù là “Trường Đạo” họ vẫn phải tuân theo giáo trình và chế độ thi cử của bộ giáo dục.
Hệ thống trường học của đạo công giáo thời VNCH thiết lập từ bậc sơ học, mẫu giáo đến đại học, không chỉ dậy phổ thông, mà còn nhiều trường dây nghề, thí dụ trung học thì có Don Bosco ở Thủ Đức, Đà lạt. các trường đại học như Y Khoa Minh Đức, Huế.
Tuy nhiên không thể công nhận một thực tế vì là trường đạo cho nên những sinh hoạt trong trường cũng có màu sắc tôn giáo. Các giáo điều và tín điều của Cơ-đốc-giáo quả thật có ảnh hưởng lớn trong nếp sống của giáo dân và xã hội tại các thuộc địa. Tại các quốc gia nhược tiểu, thụ đắc nền Văn-Minh Cơ-đốc-giáo trở thành một niềm hãnh diện của lớp người theo đạo.
Cũng phải nhắc thêm, song song với đạo công giáo, các tôn giáo khác tại miền Nam VN cũng có các cơ sở giáo dục rất đáng tự hào cho nền giáo dục VNCH như trường Đại Học Vạn Hạnh của Phật Giáo, Đại Học Cao Đài Tây Ninh, Đại Học Hòa Hảo, Cần Thơ.
Sau năm 1975, tất cả các trường tư thục và trường của các tôn giáo, kể từ mẫu giáo trở, lên bị chính quyền CSVN xóa bỏ, và cho đến nay vẫn không được mở lại
ll/ Gương mẫu của người Do Thái:
Dân Israel, theo Kinh Thánh, được gọi là Tuyển Dân-the chosen people- của Đức Chúa Trời. Họ được lệnh tách riêng ra mọi sinh hoạt tín ngưỡng của các dân tộc chung quanh và thờ phượng Thần Javeh hay Jehovah một cách chuyên độc. Vì vậy, các bậc cha mẹ người Do Thái luôn nỗ lực dạy dỗ con cái mình gìn giữ các huấn lệnh và điều răn được ghi rõ trong 5 sách đầu của Kinh Thánh gọi là Sách Ngũ Kinh. Điều nầy được xem như là trách nhiệm hàng đầu của mọi người làm đầu trong gia đình dân Do Thái.
Sang thời kỳ gọi là Tân Ước, tức là Giao Ước Mới giữa Đức Giê-su Ki-Tô và môn đệ ngài thì những tín đồ Đạo Ki-tô xem mình là công dân Nước Trời. Mọi giống dân trên thế gian, dù là công dân của bất cứ quốc gia nào và dưới bất cứ chế độ nào, nếu là Tín Đồ đạo Ki-tô đều được dạy phải tôn trọng luật pháp của quốc gia mình đang sống và tôn trọng luật pháp của Đức Chúa Trời được minh thị trong Kinh Thánh. Đặc biệt theo nguyên tắc bất di dịch:
“Điều gì của Sê-sa trả cho Sê-sa, điều gì của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa ”.
Chắc chắn, họ sẽ tôn trọng luật pháp của Kinh Thánh-vì là lời của Thiên Chúa- hơn luật pháp của thế gian. Giống như người Do Thái thuở xưa, tín đồ đạo Ki-tô ngày nay, không áp dụng những thói tục hay khuôn phép nào nghịch lại với sự dạy dỗ từ Kinh Thánh. Lịch sử giáo hội cho thấy các tín đồ thời kỳ đầu thế kỷ thứ Nhất đã bị bách hại bởi nhà cầm quyền Cổ La-Mã và đã sẵn sàng hy sinh tánh mạng để bảo vệ đức tin mình.
lll/-Phản ứng trong thời nay:
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sinh hoạt xã hội và chính trị loài người biến đổi không ngừng, người tín đồ Ki-tô giáo dù phải sống trong hoàn cảnh nào cũng đều cố gắng giữ trọn niềm tin của mình. Những gương trung tín và thanh sạch ở trong và ngoài Kinh Thánh đều có thể áp dụng một cách thích đáng để giữ tròn phẩm cách của “Công Dân Nước Trời” của họ.
Nếu Sào Phủ phải đem đàn trâu của mình lên thượng nguồn để khỏi phải uống nước bẩn từ tai Hứa Do thải ra, cũng là một thái độ thanh cao đáng học hỏi.
Học lên cao để làm gì? Để ra làm quan, để làm”phụ mẫu chi dân” hay sao?
Chúa của họ là Đức Ki-tô phải bỏ lên núi khi biết đoàn dân muôn tôn Ngài làm Vua nữa kia mà! Họ được dạy là:”không có phần gì của thế gian này”- you are no part of this world. Trong các nước XHCN, Giáo Hội không có quyền mở các trường học cho riêng mình hay đóng góp gánh nặng trong ngành giáo dục với Nhà Nước.
Còn các sinh viên, con nhà dân giả, nếu không là đảng viên, ngay cả khi tốt nghiệp ở bậc Đại Học hay Hậu Đại Học, chắc gì có được một chỗ tương xứng với ngành nghề hay khả năng của họ. Do đó, cái ước mơ tránh khỏi nạn”Bất Hiếu Hữu Tam” là “ Bất Vi Lộc Sỉ”, nghĩa là không có khả năng nuôi cha mẹ bằng bổng Lộc triều đình, khi mà địa vị phẩm trật của”triều đình” đó chỉ dành cho một giai cấp nào đó liên quan đến Đảng phái của họ mà thôi.
lV/ Lời giảng của linh mục với giáo dân
Thưa anh T,
Có một điều tối quan trọng mà anh có thể chưa nhìn thấy, ấy là các vị Giáo Phẩm là những vị có nhiệm vụ gìn giữ “bầy Chiên” của Chủ họ, bằng mọi cách lo cho Chiên ăn và uống đủ no bằng những “lương thực”tốt nhất.
Nói một cách thẳng thắn, làm sao các vị Chủ Chăn có thể để Chiên minh ăn những loại”cỏ” không thích hợp với sức khỏe thiêng liêng của bầy Chiên họ?
Trong giáo trình của các chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa, các Chiên phải ăn luôn cả Cỏ “Mát-xít lê-nin nít”, Cỏ” thuyết tiến hoá”, phải yêu Chủ Nghĩa Xã Hội để yêu nước cùng nhiều thứ khác nữa. Họ không thể để Chiên của họ ăn và tiêu thụ những loại “cỏ” này.
Xin lỗi anh, các vị Chủ Chăn còn có bổn phận của bậc cha mẹ thiêng liêng nữa. Không có một người cha hay mẹ nào muốn con mình ngu dốt cả. Họ dùng mọi tri thức và năng lực dạy con mình nên người, nhận định điều thiện điều ác theo tiêu chuẩn Kinh Thánh, điều quan trọng hơn hết là phải nhủ lòng mình là: Điều tôi quyết định làm có đẹp ý Thiên Chúa hay không?
Hoàn toàn không có hành động nào có thể gọi là obscurantism nhằm làm cho giáo dân mình ngu muội để “trị” họ dễ dàng hơn theo như anh đề cập trong những câu hỏi.
Thưa anh T.
Các vị tu sĩ nào cũng đếu giảng cho tín đồ họ về niềm tin và tôn giáo của họ. Tín đồ đến nơi thờ tư để mong cầu học hỏi những tín lý họ chưa rõ, nơi đó, người khác tôn giáo của họ hay người vô thần có thể thấy có diều gì đó không thuận tai họ, thậm chí có người, như Karl Marx nói, :”Tôn giáo là thuốc phiện” thì tùy họ. Còn bảo các linh mục không muốn cho giáo dân học cao hơn thì quả thật buồn cười.
Tóm lại xin anh hiểu cho:
a/ Trước năm 1975 trong miền Nam các trường đạo, hay nói khác, các trường của các tôn giáo hỗ trợ rất tốt cho nền giáo dục khai phóng của xã hội. Các trường này là niềm hãnh diện của các tôn giáo, nền giáo dục VNCH và của toàn dân.
b/Các trường của các tôn giáo dậy đủ mọi môn học, lĩnh vực.
c/ Sau năm 1975, ngay khi tiếp quản miền Nam VN, các trường tư thục, trong đó có các trường thuộc các tôn giáo bị tịch thu, ban giám hiệu và giáo viên bị giải tán ngay.
d/ Hệ thống trường công lập VNCH tuyệt đối không bắt học sinh, sinh viên đóng học phí hay bất cứ khoản chi phí nào khác.
e/ Trường học thời VNCH không có hệ thống Đoàn, Đảng, Khăn quàng đỏ của đảng.
Và quan trọng hơn cả là có lẽ anh không rõ
g/ Các trường tôn giáo nói chung và công giáo nói riêng đã đào tạo một số lượng rất lớn các trí thức.
h/ Các vị lãnh đạo tinh thần rao giảng trong nơi thờ tự những giáo lý về tôn giáo của họ mà tín đồ muốn lãnh hội.
Hy vọng anh cảm thông cho những lý giải nầy.
Tôi chỉ viết những dòng chữ nầy sau khi nói chuyện và tham khảo với một số người Công Giáo có quan tâm.
_______________
Tham khảo
(*)http://www.simonhoadalat.com/hochoi/giaohoivn/LichSu/LichSuGHCGVN.htm
1 comment
“thực tế không phải vậy”
Rất đúng . Họ có nhiệm vụ như các “đảng viên hoạt động nội thành”, mà các bác vinh danh là “trí thức đấu tranh” ngày nay . Nhiệm vụ của họ là lập cơ sở hoạt động & truyền bá tư tưởng của mình trong dân chúng, chiêu nạp cảm tình viên, đồng thời đấu tranh dưới nhiều hình thức .