VNTB – Thông điệp ngầm cho trẻ: kỷ luật là chỉ dành để cho cấp dưới

VNTB  – Thông điệp ngầm cho trẻ: kỷ luật là chỉ dành để cho cấp dưới

Thiên Thư

Bạn đọc viết

(VNTB) – Hành vi đi giày trong lớp mẫu giáo của mấy vị quan chức giáo dục dễ tạo nên trong tâm trí trẻ một thông điệp sai lầm: Quy định, kỷ luật chỉ dành cho trẻ em và cấp dưới.

 

Một trong nhiều vấn đề lùm xùm những ngày qua, có lẽ, không thể không nói đến hành vi của đoàn Sở giáo dục đào tạo Hà Nội trong chuyến công tác tại trường mầm non Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Theo đó, ông Trần Thế Cương cùng đoàn công tác Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã đến kiểm tra các trường mầm non trên địa bàn thành phố về công tác đón trẻ mầm non đi học trở lại sau gần một năm trường đóng cửa do dịch Covid-19. Hà Nội là địa phương cuối cùng trên cả nước mở cửa trường mầm non.

Sẽ không có gì đáng để luận bàn nếu như, nói theo kiểu của cô hiệu trưởng nơi đây, chỉ là tai nạn, về hành vi của ông giám đốc Sở cùng đoàn, đó là mang giày vào phòng học của các em học sinh.

Theo cô Nguyễn Thị Phượng, Hiệu trưởng trường Mầm non Quỳnh Mai thì: “Theo tôi, giám đốc cùng một số thành viên đoàn công tác có chuyên môn khác không hiểu biết sâu về trường mầm non. Thực ra, việc đi giày vào lớp ở tiểu học hay cấp học khác rất bình thường. Riêng mầm non có đặc thù bỏ giày dép bên ngoài. Tôi tin đây chỉ là sự cố vô tình, giám đốc không cố ý hay quan cách”.

Có thể nói, lời bênh vực đến từ vị hiệu trưởng nơi đây thoạt nghe hoàn toàn là hợp lý. Bởi, có thể đúng là không ít người biết đến đặc thù phải bỏ giày dép bên ngoài đối với ngành mầm non. Tuy nhiên, cô lại quên mất một điều, người bị dính “tai nạn” này lại là vị giám đốc Sở liên quan đến giáo dục cùng đoàn liên quan đến đào tạo.

Làm sao có thể nói ông Cương cùng đoàn không biết? Làm sao mà nói họ không biết đặc thù của mầm non? Làm sao nói họ không biết những đứa nhỏ đó hay cầm, nắm, bốc những đồ chơi trên nền gạch? Làm sao họ không biết nơi họ đứng, có thể là nơi của những đứa trẻ sẽ ngủ? Hơn hết, là người làm trong ngành giáo dục, không thể nói có thể hành động bất cẩn, thiếu tính tôn trọng những đứa trẻ nhỏ như vậy được.

Chợt liên tưởng đến một clip xem trên mạng, câu chuyện anh bảo vệ, tuân thủ quy định phòng dịch của công ty, khi bước vào công ty buộc tất cả phải đeo khẩu trang. Vị giám đốc công ty quên đeo khẩu trang, nhất quyết không cho vào, không sợ mọi lời đe dọa. Vì sao, vì sức khỏe của mọi người, vì cái chung. Chẳng lẽ, ông giám đốc Sở lại bá đạo đến mức mà hiệu trưởng cũng không dám lên tiếng nhắc nhở, bảo vệ sức khỏe cho những học sinh, những đứa trẻ của mình?

Nếu vì chén cơm manh áo, vì cuộc sống của nhiều con người, không dám có tiếng nói về quy định chung, mà viện lý do để bênh vực cho giám đốc cùng đoàn của Sở giáo dục và Đào tạo Hà Nội về hành vi mang giày vào lớp của trẻ, thì thật là quá bất công với sức khỏe của trẻ nhỏ. Ngay cả người lớn, làm trong môi trường giáo dục còn không làm gương thì làm sao có thể dạy những điều hay lẽ phải, những quy định, những điều đúng… cho đứa trẻ?

Thiết nghĩ, nếu nhắc nhở, chắc ông giám đốc Sở cùng đoàn sẽ lắng nghe, tiếp thu ý kiến. Còn nếu không, có hành vi nhỏ mọn, thì có xứng đáng với vai trò là lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo ở một thành phố được gọi là thủ đô với truyền thống văn hiến lâu đời?

Lùm xùm từ bữa 14-4-2022 đến nay, vẫn không thấy tín hiệu xin lỗi từ ngài giám đốc, chắc là cũng đủ hiểu…

Nói thêm, ở lớp mầm non, cách xuất hiện của các cán bộ quản lý giáo dục cũng như cách họ được tiếp đón đã định vị họ là người lãnh đạo, người dẫn dắt trong mắt con trẻ. Việc họ đi giày, trong khi lớp có quy định bỏ giày, giống như một thông điệp ngầm in vào tâm trí những em bé non nớt một cách vô thức: Người lớn, cấp trên có quyền làm sai, quy định và kỷ luật chỉ dành cho trẻ em hay cấp dưới.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)