VNTB – Làm luật như viết truyện ngôn tình?

VNTB – Làm luật như viết truyện ngôn tình?

Tất Dũng

 

(VNTB) – Làm luật ở Việt Nam ta hiện nay như thể “Quỳnh Dao viết ngôn tình”, “Kim Dung viết truyện chưởng”…

 

Nói không quá ngoa, làm luật ở Việt Nam ta hiện nay như thể “Quỳnh Dao viết ngôn tình”, “Kim Dung viết truyện chưởng”, phần nào đấy, cũng giống như viết luận án hay luận văn mà chẳng có đề cương được dựng trước, có nghĩa là cứ viết đại đi, chép đại vào mà không hề có hình hài dự liệu trước, đôi khi tùy hứng “sáng tạo” như Kim Dung hay Quỳnh Dao.

Thời gian qua đã từng có những quy định hài hước, dở khóc, dở cười như: Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 nếu thi đại học sẽ được cộng 2 điểm; ngực lép không được lái xe; sinh viên sư phạm sẽ bị buộc thôi học nếu bán dâm đến lần thứ 4; chỉ được bán thịt trong vòng 8 giờ sau khi giết mổ; danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu được phép lưu hành tại Việt Nam thì lợn không được ăn rau chuối, bèo tây, thỏ không được ăn cà rốt…

Những quy định “vô thưởng, vô phạt” vẫn thường hay xuất hiện và nhận sự chỉ trích của dư luận, chẳng những không giải quyết được gì cho trật tự xã hội, thúc đẩy nếp sống văn minh, tiến bộ mà chỉ thêm tốn thời gian, giấy mực, hao tâm, tổn trí cho những quy định rời xa hiện thực cuộc sống hàng ngày.

Ngay cả chuyện tưởng hết sức nghiêm túc, vì nó dính dáng đến ‘ông chủ đốt lò vĩ đại nhất’, song lại cứ như trò bỡn cợt đến mức khiếm nhã: Nghị định số 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đã đề cập đến việc xử phạt hành vi kê khai không trung thực.

Một thực tế cho thấy ngay trong một đơn vị cấp phòng, nhiều người còn không biết nhà nhau, không biết mặt vợ, chồng của đồng nghiệp, thì làm sao mà biết để giám sát, phát hiện việc khai không trung thực. Bên cạnh đó, bản kê khai tài sản thu nhập được quản lý theo chế độ quản lý hồ sơ cán bộ và người có nghĩa vụ kê khai được bảo đảm bí mật nội dung của bản kê khai, điều này đồng nghĩa với việc bản kê khai không được công khai. Vậy làm sao mà biết để xử lý hành vi kê khai không trung thực?

Do không khả thi nên nhiều quy định có cũng như không, tạo ra tình trạng “nhờn” luật của cả người dân và cán bộ thực thi. Lần này công dân không chấp hành cũng không sao, thì lần sau họ cũng có thể sẽ không chấp hành.

Một người không chấp hành, nhiều người cũng sẽ không chấp hành. Cứ như vậy, dần dần làm ý thức pháp luật của người dân bị xói mòn từ bên trong. Không chỉ người dân không chấp hành, mà nguy hiểm hơn là cả người có trách nhiệm phải thực thi công vụ cũng coi việc không thực thi đó như chuyện đương nhiên.

Theo ý kiến của luật sư Ngô Huy Cương, vấn đề của mọi vấn đề có thể nằm ở đây – ông kể: Bởi quan niệm cũ coi “luật là công cụ quản lý xã hội”, ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992 nay đã bị Hiến pháp năm 2013 loại bỏ, do đó đa số các dự thảo luật đưa về cho các Bộ, ngành soạn thảo. Đây là một việc có nhiều điểm bất lợi:

Thứ nhất, các công chức hành chính không quen với nghiên cứu sâu và cũng không có nhiều thời gian nghiên cứu sâu; Thứ hai, lợi ích cục bộ dễ bị cài cắm; Thứ ba, công việc quản lý nhà nước của Bộ, ngành bị xao nhãng; Thứ tư, các công chức không thể bảo vệ đến cùng quan điểm khoa học vì bị kìm kẹp trong chế độ thủ trưởng; Thứ năm, Bộ, ngành thường chạy theo thành tích bề nổi là chính; Thứ sáu, Bộ, ngành chủ trì soạn thảo có thể cả nể hay trao đổi lợi ích với Bộ, ngành khác có liên quan làm sai lệch vấn đề ngay từ khi soạn thảo…

“Tuy nhiên nếu giao dự án luật cho các viện nghiên cứu chuyên môn hay các trường đại học soạn thảo thì chúng ta cũng gặp phải vấn đề lớn là các viện, các trường của ta tuyển người, dùng người và quản lý chẳng khác mấy so với các cơ quan hành chính nhà nước.

Vì vậy có lẽ phải thành lập từng ban soạn thảo riêng biệt cho từng dự án luật lớn, có tính chất nền tảng là giải pháp thích hợp nhất.

Tuy nhiên các thành viên ban soạn thảo này chỉ bao gồm các chuyên gia thực sự được chỉ định đích danh dưới sự chỉ đạo của một chính trị gia có thẩm quyền. Tuy nhiên mô hình hệ thống pháp luật Việt Nam cần phải được làm rõ trước tiên…” – luật sư Ngô Huy Cương diễn giải với những bối rối của các “tuy nhiên” mà ông chưa biết phải như thế nào để tránh chuyện “tự diễn biến – tự chuyển hóa”.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)