Cát Tường
(VNTB) – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher tăng cường phối hợp, chia sẻ quan điểm giữa cơ quan lập pháp hai nước trên các diễn đàn đa phương.
Đề nghị của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là rất khó cho phía ngài Gérard Larcher, vì cách hiểu và thực thi về lập pháp ở hai quốc gia là hoàn toàn khác nhau.
Quyền lực nhà nước được tạo thành từ ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Việc phân tách quyền lực nhà nước thành ba quyền nói trên bắt nguồn từ học thuyết tam quyền phân lập mà cha đẻ của nó là John Locke. Học thuyết của ông sau đó được phát triển bởi nhà xã hội học và luật học người Pháp Montesquieu.
Trong bài phân tích về thực trạng Hiến pháp nước Anh đầu thế kỷ 18, Montesquieu kết luận rằng, ở Anh, sự tự do của công dân chỉ được đảm bảo khi quyền lực và các chức năng của nhà nước được phân chia cho ba cơ quan khác nhau là lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quyền lập pháp là quyền ban hành pháp luật còn quyền hành pháp là quyền thực thi pháp luật và quyền tư pháp là quyền bảo vệ pháp luật.
Cùng với đó, nguyên tắc “cân bằng và kiểm soát” cho phép 3 trụ cột quyền lực nhà nước có thể hoạt động riêng rẽ, giám sát và trừng phạt lẫn nhau mỗi khi xuất hiện biểu hiện lạm quyền.
Trên thế giới có hơn 30 nước có chính thể cộng hòa đại nghị, tập trung ở châu Âu.
Tại châu Âu, không có nước nào xây dựng mô hình nhà nước theo kiểu Mỹ, trong khi chính thể đại nghị lại được 29/43 nước châu Âu lựa chọn. Tại các nước theo chính thể này, nghị viện thường được coi là cơ quan quyền lực cao nhất, do nhân dân trực tiếp bầu ra.
Sức ép từ dư luận xã hội thể hiện trên truyền thông đại chúng và lá phiếu của cử tri có thể loại bỏ những cá nhân có biểu hiện lạm quyền vì các mục tiêu vị kỷ, xâm phạm lợi ích công, hay trái với mong đợi của số đông người dân.
Đến lượt chính phủ được thành lập trên cơ sở nghị viện và chịu trách nhiệm trước nghị viện (chính phủ do nhân dân gián tiếp bầu ra và chịu trách nhiệm gián tiếp trước nhân dân thông qua nghị viện). Nguyên thủ các nước do nghị viện hoặc nhân dân bầu ra cho thấy, hình thức chính thể này dân chủ hơn, nhưng sự bảo đảm cho nguyên thủ hành động khách quan lại khó khăn hơn.
Ưu điểm của cấu trúc quyền lực phân tán, hệ thống mở và vận hành dựa trên nguyên tắc “cân bằng và kiểm soát quyền lực”, là hạn chế tối đa khả năng thâu tóm quyền lực nhà nước bởi một chủ thể nào đó. Các nguy cơ hoặc biểu hiện hành vi lạm dụng công quyền thường được phát hiện từ rất sớm, nhờ đó giảm thiểu khả năng lợi dụng quyền lực công để phục vụ các lợi ích cá nhân, nhóm.
Một ưu điểm nữa là trong bất kỳ tình huống nào có vấn đề nghiêm trọng xảy ra với một trong 3 nhánh quyền lực nhà nước, với chính quyền trung ương, hay chính quyền địa phương thì cũng không ảnh hưởng quá mức đến hoạt động chung của hệ thống quản trị quốc gia. Tức là người ta có thể sửa chữa vấn đề với một nhánh hoặc một cấp quyền lực nào đó trong khi cấu trúc quản trị nói chung vẫn có thể vận hành, chứ không đến mức rối loạn hay đổ vỡ cả hệ thống.
Ở Việt Nam thì theo tuyên bố của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là không có “tam quyền phân lập”, do vậy thiết kế thể chế kiểm soát quyền lực ở Việt Nam hiện nay là xử lý mối quan hệ giữa quyền lực chính trị (Đảng) với quyền lực công (Nhà nước), và thẩm quyền của chính quyền với các quyền của công dân.
Quyền lực chính trị trong bối cảnh chỉ một Đảng cầm quyền, xem ra rất khó trong yêu cầu phải được kiểm soát để cơ quan và cán bộ đảng tập trung thực hiện chức năng và vai trò lãnh đạo, chứ không can dự quá sâu vào hoạt động quản lý, thực thi chính sách, pháp luật của chính quyền.
Và trong chiều ngược lại, các viên chức chính quyền khi ở vai trò lãnh đạo, chịu trách nhiệm quản trị đều là đảng viên, do đó về nguyên tắc họ phải chịu sự chỉ đạo, định hướng của đảng chính trị duy nhất ấy. Bởi vậy lá phiếu ngay trong chính nội bộ đảng cũng khó thể dân chủ, nói gì đến ‘phổ thông đầu phiếu’ ở cơ quan lập pháp như “đề nghị chia sẻ” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra với ngài Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher.
1 comment
“Làm sao chia sẻ khi không tương đồng về thể chế chính trị?”
Rất chính xác . Chỉ khi tương đồng về thể chế chính trị mới chia sẻ những giá trị chung thui