Việt Nam Thời Báo

VNTB – Làm sao để phòng chống nạn buôn người? (Bài 9)

Đối tác trong phòng chống buôn người

 

Loạt bài về phòng, chống buôn người này là sản phẩm của sự hợp tác giữa Việt Nam Thời Báo và Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới ở Á Châu (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia, CAMSA), một chương trình của tổ chức BPSOS.

 

 

Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Buôn Người của Hoa Kỳ, do Dân Biểu Christopher Smith (Cộng Hoà, New Jersey) là tác giả, ấn định 3 yếu tố cần thiết để bài trừ nạn buôn người. Cả 3 yếu tố bắt đầu bằng chữ P trong tiếng Anh: Protection (bảo vệ nạn nhân), Prosecution (truy tố thủ phạm), Prevention (ngăn ngừa). 

Khi thực thi, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ dưới thời nữ Ngoại Trưởng Hillary Clinton thêm chữ P thứ tư: Partnership, tức hợp tác. Theo đó, muốn phòng, chống buôn người hiệu quả thì phải hợp tác với nhiều đối tác. Các đối tác này bao gồm các bộ phận khác nhau của LHQ, các cơ quan thuộc chính quyền quốc gia tiếp nhận, giới truyền thông, các tổ chức quốc tế, và, đặc biệt quan trọng, xã hội dân sự ở trong nước như các nhóm luật sư nhân quyền, các cộng đồng sắc tộc, các cơ sở tôn giáo, các hội đoàn, các cơ quan truyền thông, các trang Facebook cá nhân, v.v.

Yếu tố hợp tác được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lồng một cách xuyên suốt trong bản phúc trình gửi Quốc Hội hàng năm. Đó cũng là tiêu chí thứ tư mà Bộ Ngoại Giao dùng để đánh giá và xếp hạng các quốc gia trong bản phúc trình. Trong danh sách các khuyến nghị đối với Việt Nam, yếu tố hợp tác được nêu ngay trong khuyến nghị đầu tiên:

– Phối hợp với các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự để sửa đổi luật chống buôn người, bao gồm cả việc sửa đổi bộ luật hình sự để hoàn toàn hình sự hóa tội phạm buôn bán tình dục trẻ em 16 và 17 tuổi phù hợp với luật pháp quốc tế.

Yếu tố hợp tác còn được thể hiện ở khuyến nghị thứ 4:

– Phối hợp với xã hội dân sự, cập nhật và đào tạo cán bộ về các hướng dẫn nhận dạng nạn nhân, và tăng cường phối hợp liên ngành để xác định và hỗ trợ nạn nhân trong các nhóm dễ bị tổn thương, chẳng hạn như lao động nhập cư; các cá nhân hoạt động mại dâm, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em gái bị phát hiện khi công an truy quét và kiểm tra các cơ sở kinh doanh tạo điều kiện cho hoạt động mại dâm; lao động trẻ em; và công dân Bắc Triều Tiên và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa).

Để chứng tỏ tinh thần hợp tác, nhà nước Việt Nam có thể phát tán loạt bài này của Việt Nam Thời Báo trên các kênh thông tin của nhà nước; mời đại diện các cộng đồng Tây Nguyên hoặc Hmong nơi có nhiều nạn nhân buôn người tham gia các cuộc hội luận về phòng, chống buôn người; phối hợp với các nhóm luật sư và luật gia nhân quyền để tổ chức các buổi huấn luyện cho công an và cán bộ nhà nước cũng như để tu chính và bổ sung luật hiện hành; mời Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về nạn buôn người thị sát Việt Nam, v.v.  

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã thể hiện yếu tố hợp tác ngay trong bản phúc trình. Các thông tin liên quan đến tình trạng buôn người thông qua chương trình xuất khẩu lao động của nhà nước Việt Nam là do CAMSA cung cấp. Bản phúc trình của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tiếng Việt: https://dvov.org/wp-content/uploads/2022/09/Bao-cao-Buon-nguoi-2022-VN.-BNG-Hoa-Ky.pdf 

CAMSA, viết tắt của Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia, trong tiếng Việt là Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới ở Á Châu, là chương trình do tổ chức BPSOS khởi xướng năm 2008. Đến nay, chương trình này đã trực tiếp giải cứu hoặc hỗ trợ giải cứu 11 nghìn nạn nhân ở 27 quốc gia, trong đó khoảng 80% là nạn nhân người Việt.


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Nô lệ lao động Việt Nam ở Serbia

Phan Thanh Hung

VNTB – Cảnh sát Liên bang Đức nhắm vào các đối tượng buôn người gốc Việt

Phan Thanh Hung

VNTB – Chúng tôi đang làm điều đúng đắn

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo