Việt Nam Thời Báo

VNTB – Lấn biển Cần Giờ để xây khu đô thị nhằm để làm gì?

Dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ

Trần Dzạ Dzũng

(VNTB) – Dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ chắc chắn đem lại lợi ích lớn về đầu tư địa ốc của chủ đầu tư.

Dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ chắc chắn đem lại lợi ích lớn về đầu tư địa ốc của chủ đầu tư.  Nhưng liệu dự án này có đem lại lợi ích cho người dân và cho địa phương hay không, thì còn phải trừ lại các chi phí địa phương phải bỏ ra để xử lý tác động môi trường sẽ xảy ra trong quá trình thực hiện dự án, sau khi đánh giá lại toàn diện tác động môi trường.

Dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (dự án lấn biển Cần Giờ, hay trên giấy tờ từng có tên Saigon Sunbay – Vịnh Mặt Trời) lấn biển Cần Giờ nằm ở khu vực xã Long Hòa, thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ được phê duyệt quy hoạch mở rộng từ 600ha lên với diện tích 2.870 ha, và dự án này được xây dựng trên toàn bộ bãi triều Cần Giờ với một biển hồ nhân tạo rộng khoảng 757 ha.

Dự án có tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 217.054 tỉ đồng, gồm vốn chủ sở hữu là 32.558 tỉ đồng (chiếm 15% tổng vốn đầu tư) và vốn vay thương mại là 184.496 tỉ đồng (chiếm 85% tổng vốn đầu tư).

Thời gian thực hiện dự án là 50 năm đối với phần mở rộng quy mô kể từ ngày có chủ trương đầu tư. Hiện phần diện tích biển 600 ha đã giao cho nhà đầu tư, có thời hạn thực hiện 50 năm kể từ ngày 11-7-2007.

Tập đoàn Vingroup là chủ đầu tư dự án lấn biển Cần Giờ.

Một chi tiết bên lề đáng chú ý mà người viết bài này được ông Ngô Văn Dị (Năm Dị, một viên chức cảnh sát ở Cần Giờ trước năm 1975), người giờ là Vạn trưởng Vạn Lạch ở Cần Giờ, kể rằng ngay khu đất ven biển đang có nhà hàng mà con cháu của ông đang mở tại bờ biển của thủ phủ Cần Giờ, thật ra là của Vingroup, và ông chủ Phạm Nhật Vượng đã sòng phẳng tiền bạc gọi là ‘đền bù’ cho ông Năm Dị cùng bà con nơi đây từ lâu rồi. Tuy nhiên sau đó, ông chủ của Vingroup vẫn để gia đình ông Năm Dị cũng như nhiều người dân Cần Giờ khác tiếp tục kinh doanh vì dự án chưa triển khai.

Không ít ý kiến ngờ rằng đây là chiêu thức ‘đi tắt – đón đầu’ quen thuộc của giới cá mập bất động sản.

Nói cho đúng, thời điểm ban đầu lúc chuẩn bị hồ sơ cho dự án đô thị lấn biển Cần Giờ, thì về mặt giấy tờ có pháp nhân là Công ty cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ (Cangio Tourist City – CTC) được thành lập vào tháng 9/2004 với những cổ đông chính là Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), Văn phòng Thành ủy TP.HCM, Công ty cổ phần Xây dựng Sài Gòn, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Việt – Nga…

Hiện tại thì dự án được công khai tên dự án là “Vinhomes Cần Giờ”, chủ đầu tư là Vingroup, có tổng diện tích: 2.870 ha. Dự án được chia làm 2 giai đoạn phát triển với 4 phân khu chức năng chính là phân khu chức năng HeartBay, LifeBay, EcoBay và BlueBay.

Phía Vingroup đề xuất quy hoạch vị trí xây dựng tuyến đường trên cao kết nối từ cầu Cần Giờ đến Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ. “Không mở rộng đường Rừng Sác theo quy hoạch được duyệt trước đây tại vùng lõi và vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, để đảm bảo không làm ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái rừng đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới” – một bản thuyết trình của Vingroup mới đây cho biết như vậy.

Trong một chia sẻ trên tài khoản facebook cá nhân, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng cần xem xét lại toàn bộ vấn đề về đánh giá tác động môi trường ở Cần Giờ, vì ông cho rằng còn nguyên đó bài học của dự án bất động sản trên tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh. Những tòa cao ốc dày đặt ở đây cũng của Vingroup:

“Để minh họa cho việc cơ sở pháp lý và cơ chế hoạt động của việc đánh giá tác động môi trường tại Việt Nam còn nhiều thiếu sót, TP.HCM có thể tham khảo dự án cải tạo rốn ngập Nguyễn Hữu Cảnh.

Các dự án cao tầng hai bên tuyến đường này cũng từng có những nghiên cứu tác động môi trường được phê duyệt, nhưng lại bỏ sót tác động gây ngập cho tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh do giải pháp quy hoạch xây dựng thiếu bền vững, để kịp thời điều chỉnh phương án quy hoạch xây dựng.

Do đó ngày nay đã gây thiệt hại lớn cho ngân sách. Chính quyền thành phố đã thực hiện không hiệu quả giải pháp thuê máy bơm siêu khủng hai đầu đường do không thoát nước ra sông được dọc tuyến; và đang thực hiện dự án cải tạo trên 500 tỷ đồng nhưng vẫn không thể chắc chắn dứt điểm được ngập, do vẫn thiếu phối hợp với việc cải tạo lại nền và hạ tầng dự án cao tầng hai bên đường. Thiệt hại lớn cho cho người dân là phải sống chung với ngập trong nội thành, và thiệt hại lớn cho bản thân nhà đầu tư là con đường ngập nặng ngay mặt tiền dự án khu đô thị cao cấp. Do đó, nhà đầu tư và cơ quan thẩm định nên có cái nhìn tích cực, và hợp tác về kiến nghị này vì lợi ích chung của tất cả các bên.

Là người thường được chú Sáu Dân (tức cố thủ tướng Võ Văn Kiệt) mời góp ý cho nhiều vấn đề quy hoạch xây dựng tại Việt Nam, và từng được ông nhiều lần chia sẻ về mong muốn phát triển TP.HCM “tiến ra biển”, bao gồm dự án Cần Giờ, tôi có thể nói là chúng ta cần đọc kỹ để không hiểu sai ý của chú Sáu Dân về phát triển Cần Giờ: Phát triển tiến ra biển theo ý của chú Sáu Dân muốn nói có thể là nghiên cứu một khu đô thị du lịch sinh thái, chứ không có nghĩa phải là một khu đô thị lấn biển cao tầng; Chú Sáu Dân luôn tỏ ra trân trọng lắng nghe các ý kiến góp ý của chuyên gia khoa học đa ngành, và chắc chắn là sẽ hoàn toàn ủng hộ việc cần phải cẩn thận đánh giá tác động môi trường, với sự tham gia phản biện của chuyên gia trong nước và nước ngoài, để có cơ sở khoa học đưa ra giải pháp phát triển tốt nhất, với quy mô phù hợp cho Cần Giờ” (*).

Tuy nhiên, mặc dù có rất nhiều kiến nghị bằng văn bản của các nhà khoa học yêu cầu dừng việc thực hiện dự án lấn biển Cần Giờ, song trung tuần tháng 7-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý việc xây dựng khu du lịch giờ đây được định giá lại lên tới trị giá 9,3 tỷ USD do một công con của Vingroup là chủ đầu tư. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng góp vốn cho dự án này. Đây được xem là dự án lớn nhất của Việt Nam trong năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt.

Tháng 8-2019, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh rằng cần phải cải thiện các đánh giá về tác động môi trường, và quy trình phê duyệt cho các dự án phát triển kinh tế. Đó là lý do được cho góp phần khiến dự án của Vingroup được “bật đèn xanh”. Và như tuyên bố chắc nịch của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tại buổi tiếp xúc với cử tri huyện Cần Giờ vào chiều ngày 22-6-2020, “Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ chắc chắn sẽ thực hiện” (**).

_______________

Chú thích:

(*) https://www.facebook.com/NgoVietArchitects/posts/10222427446056131

(**) http://dangcongsan.vn/thoi-su/can-cong-khai-lo-trinh-du-an-khu-do-thi-du-lich-lan-bien-can-gio-557567.html

Tin bài liên quan:

VNTB – Tượng đài nghệ thuật hay chỉ là tuyên truyền chính trị?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Giá nhiên liệu tiếp tục tăng cao sẽ đẩy mạnh lạm phát

Phan Thanh Hung

VNTB – VinFast thua lỗ làm tăng rủi ro tài chính cho Vingroup

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo