VNTB – Sử dụng kinh phí tư nhân cho lập quy hoạch: thí sinh cũng là đồng giám khảo?

VNTB – Sử dụng kinh phí tư nhân cho lập quy hoạch: thí sinh cũng là đồng giám khảo?

Hiền Vương

 

(VNTB) – “Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ kinh phí để lập quy hoạch xây dựng”.

 

Tính nguy hiểm của việc sử dụng kinh phí tư nhân cho lập quy hoạch

Theo Luật Quy hoạch đô thị hiện hành, với đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 lập khi đã được giao đất, thì chủ dự án bỏ tiền lập quy hoạch chi tiết 1/500; còn các đồ án cấp cao hơn là quy hoạch phân khu, quy hoạch chung, hay các quy hoạch khác được lập bằng tiền ngân sách nhà nước.

Thế nhưng theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và khoản 2 Điều 19 Luật Xây dựng năm 2014 “Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ kinh phí để lập quy hoạch”.

Và thực tế thì việc quy hoạch chạy theo dự án nhưng thiếu kiểm soát đã khiến nhiều đô thị bị biến dạng với những hậu quả nhãn tiền, hàng năm, Nhà nước vẫn phải chi không ít ngân sách cho việc sửa chữa…

Kiến trúc sư Phạm Thúy Loan cho rằng, “Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ kinh phí để lập quy hoạch đô thị” nghe có vẻ rất cởi mở, tích cực và vô hại, nhưng thực ra hàm chứa nguy cơ tai hại, làm méo mó mục tiêu, ý nghĩa của quy hoạch, đã được quy định cụ thể tại Điều 6 Luật Quy hoạch đô thị về “yêu cầu đối với quy hoạch đô thị” là:

1. Cụ thể hoá Định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia và các quy hoạch vùng liên quan; phù hợp với mục tiêu của chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh; bảo đảm tính thống nhất với quy hoạch phát triển các ngành trong phạm vi đô thị; bảo đảm công khai, minh bạch và kết hợp hài hoà giữa lợi ích quốc gia, cộng đồng và cá nhân.

2. Dự báo khoa học, đáp ứng được yêu cầu thực tế và phù hợp với xu thế phát triển của đô thị; tuân thủ quy chuẩn về quy hoạch đô thị và quy chuẩn khác có liên quan.

3. Bảo vệ môi trường, phòng ngừa hiểm hoạ ảnh hưởng đến cộng đồng, cải thiện cảnh quan, bảo tồn các di tích văn hoá, lịch sử và nét đặc trưng địa phương thông qua việc đánh giá môi trường chiến lược trong quá trình lập quy hoạch đô thị.

4. Khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, hạn chế sử dụng đất nông nghiệp, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả đất đô thị nhằm tạo ra nguồn lực phát triển đô thị, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững.

5. Bảo đảm tính đồng bộ về không gian kiến trúc, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm; phát triển hài hoà giữa các khu vực trong đô thị.

Và những yêu cầu khác.

Trên thực tế, rất nhiều nơi khi tài trợ quy hoạch, chủ dự án đã ép tư vấn lập quy hoạch lồng ghép động cơ lợi ích của mình và “vận động” chính quyền chấp nhận các đề xuất đó.

Một sự thực rất mỉa mai là kinh phí lập các quy hoạch phân khu cho một khu vực từ vài chục đến vài trăm ha chỉ là một vài tỷ đồng, nó rõ ràng rất ít so với những lợi ích lớn lao nhiều mặt, mà một bản quy hoạch tốt và khách quan có thể mang lại hàng trăm tỷ đồng, nhưng không phải cho một nhóm mà cho toàn xã hội.

Từ góc nhìn ngờ vực cho rằng nếu ngược dòng lịch sử, sẽ thấy xưa cha ông ta quai đê lấn biển, bạt núi ngăn sông là để mở rộng bờ cõi, bảo vệ vị trí xung yếu phòng thủ an ninh, bảo vệ tấc đất của tổ quốc.

Còn ngày nay thì sao? Các nhà quy hoạch, “ông trùm” bất động sản cũng ngày đêm mở đất, lấp lấn biển nhưng lại âm mưu thâu tóm tài nguyên thiên nhiên quốc gia thành của riêng, hay phục vụ lợi ích của nhóm người có quyền lực.

Còn đó nỗi đau Bình Khánh

Chiều mùa hè năm 1999, trời nắng nóng như đổ lửa, được triệu tập gấp để tham dự “cuộc họp đặc biệt” của quận, bà Phan Thị Thủy tất tưởi đến hội trường Bình Khánh ở quận 2, TP.HCM (giờ là thành phố Thủ Đức). Tại đây, bà được các cán bộ quận thông báo về việc giải tỏa khu vực chợ cũ để làm mới bằng dự án chợ An Khánh.

Không lâu sau, một gia đình với 4 thành viên đang có nhà cửa, sống ổn định, bỗng chốc phải ra đường với mức giá đền bù 0 đồng, đi ở mướn, sống cảnh vô gia cư chỉ vì dự án đến giờ vẫn đắp chiếu. Đó là những ký ức bà Thủy gần như khắc sâu trong tâm trí sau ngót hai thập kỷ khiếu nại liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm.

“Tới tháng 10-2000, đoàn công tác liên ngành của ông Nguyễn Công Tạn (bấy giờ là Phó Thủ tướng Chính phủ) vô, sau đó có yêu cầu quận 2 và thành phố giải quyết cho người dân. Nhờ đó, ông Lê Thanh Hải (lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) ra Quyết định 8770, nhưng cũng chỉ hỗ trợ tài sản và kinh phí cải tạo đất với số tiền 50.000 đồng/m2”, bà Thủy kể và cho biết nhà bà có 70m2, nhưng chính quyền chỉ đo 50m2 đất, tính ra chỉ được có mấy chục triệu đồng.

Trong khi, chợ An Khánh nằm ngoài ranh quy hoạch đô thị mới Thủ Thiêm nhưng sau đó lại giao cho doanh nghiệp, đô thị này quản lý. Hơn nữa, đất ở đây hiện có giá trên 300 triệu đồng/m2. Thế nên việc dân cảm thấy thiệt thòi, âu cũng là điều dễ hiểu.

Không chấp nhận với kết quả trên, người dân ở phường Bình Khánh tiếp tục đi khiếu nại.

“Đến giữa năm 2001, chính quyền mới đưa tụi cô vô khu tạm cư này. Trong suốt gần 20 năm qua, cuộc sống gia đình đầy rẫy khó khăn. Mọi thu nhập chỉ biết trông chờ vào cái quán cà phê nhỏ mở ngay tại gian nhà tạm cư này. Cứ thế, kiếm được đồng nào, tụi tui lại cơm nắm cùng bà con trong khu đi khiếu nại cho tới bây giờ. Quá mệt mỏi vì bao năm đi khiếu nại không được gì, mấy năm trước chồng tui, ông ấy đã tự tử, bỏ lại mẹ con tui rồi” – bà Thủy khóc nghẹn…

Đến nay, sau bao năm cơm nắm đi tìm chân lý từ thành phố đến Trung ương, điều mà người phụ nữ khốn khổ này và hơn 100 hộ dân khác cùng cảnh trong xóm tạm cư “tối” như cuộc đời họ nhận được vẫn chỉ là những lời hứa trôi theo năm tháng!…

Việc “siêu dự án” đô thị mới Thủ Thiêm sau nhiều lần bị điều chỉnh dẫn đến “biến dạng” đã rõ. Thế nhưng, điều khó hiểu là sau hơn 20 năm, người dân Thủ Thiêm đòi đất tái định cư theo “bản đồ 367,” đến nay, tài liệu này hầu như không được nhắc đến trong những văn bản chính thức liên quan đến quá trình giải quyết. Thậm chí từng có thông tin công bố rằng “bản quy hoạch gốc” đã bị mất, bị thất lạc…

Thay vào đó, các cơ quan hữu quan căn cứ vào Quyết định 6565/QĐ “sửa sai” của UBND TP.HCM về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Trung tâm Đô thị mới Thủ Thiêm vào năm 2005. Một văn bản từng gây nhiều tai tiếng vì điều khoản vượt quyền Thủ tướng Chính phủ…

Một lưu ý, do quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, xây dựng không quy định trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu cho chủ đầu tư dự án, chủ thể này chỉ có trách nhiệm lập quy hoạch chi tiết đối với khu vực được giao đầu tư dự án.

Việc giao chủ đầu tư lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu là các quy hoạch tác động đến cộng đồng dân cư cần thực hiện như thế nào để đảm bảo tính khách quan, minh bạch mà hiện nay các văn bản dưới luật chưa hướng dẫn, nên những hệ lụy của chuyện “khi thí sinh cũng là đồng giám khảo” cũng là lẽ tất yếu.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)