Việt Nam Thời Báo

VNTB – Làn sóng ngầm đang dần nổi

Phạm Lê Đoan

 

(VNTB) – Việt Nam vẫn tiếp tục trung thành thể chế chính trị đơn nguyên. Tuy nhiên dường như làn sóng ngầm về sự thay đổi làm ăn kinh tế, đang dần khiến những lãnh đạo tối cao của Đảng hiểu cần sự thích nghi tương ứng.

 

Tại sao người Mỹ thành công về kinh tế?

Vệt dầu loang cho chuyện ‘phản biện kinh tế’ ở đây, tương tự như vụ án “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” về việc phản biện cho các quyền tự do báo chí. Một trong những địa chỉ của ‘vệt dầu loang’ đó cho phản biện chính sách kinh tế, có trường Chính sách Công & Quản lý Fulbright – hay còn gọi là Đại học Fulbright, trụ sở đóng tại quận 7, Sài Gòn/ thành phố Hồ Chí Minh.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cựu Tổng thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cựu thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng – vừa được trường Chính sách công và Quản lý Fulbright mời trình bày trước học viên của trường này, về vai trò của khu vực tư nhân trong giai đoạn phát triển mới của Việt Nam.

Một chút về Đại học Fulbright.

Cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân từng được mời tham gia Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Mỹ. Ông Nguyễn Thiện Nhân kể về thời gian này như sau:

“Tôi sống với cha và mẹ, những người đã chiến đấu trong chiến tranh. Vì vậy, tôi phải nói chuyện với họ. Tôi nói với cha tôi rằng tôi sẽ đến Mỹ để lấy bằng thạc sĩ. Cha tôi hỏi: Con muốn làm gì ở đó khi họ là kẻ thù lâu đời của chúng ta.

Tôi giải thích với cha tôi rằng: Cha ơi, chúng ta là kẻ thù trong quá khứ nhưng con không nghĩ chúng ta sẽ là kẻ thù trong tương lai. Con muốn biết lý do tại sao họ rất thành công trong phát triển kinh tế và công nghệ khoa học và chúng ta có thể hợp tác với họ vào một ngày nào đó.

Cách tốt nhất để hợp tác là ở đó, như những người bạn và là đối tác của nhau. Con sẽ không quên nhiệm vụ quốc gia của mình. Một ngày sau, cha tôi nói: Được rồi, con hãy đến Mỹ và cho cha biết con học được những gì.

Sau đó, tôi đến Mỹ để học và tôi không bao giờ hối hận về điều đó.

Khi tôi được chọn làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, tôi nghĩ nhiệm vụ của mình là kiếm đủ tiền để xây thêm trường mẫu giáo và nhiều trường học hơn. Nhưng sau hai tháng, tôi đã gặp hai người phụ nữ. Họ mong muốn gặp Bộ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam. Một là người Mỹ, người kia là người Nhật nhưng là công dân Mỹ.

Họ nói rằng họ muốn chia sẻ với tôi hai điều. Thứ nhất, họ nói: Bộ trưởng, ông nên bảo tồn và tận dụng nền văn hóa của Việt Nam. Người phụ nữ Nhật Bản nói: Chúng tôi đã hoàn toàn phá hủy nền văn hóa cổ xưa của mình. Ông phải giữ gìn văn hóa quốc gia của ông.

Người phụ nữ thứ hai nói với tôi: Việt Nam có tiềm năng lớn để xây dựng trường đại học tốt nhất trên thế giới. Tôi ngạc nhiên hỏi: Tại sao? Bà ấy nói: Các trường đại học tốt nhất trên thế giới luôn dạy bạn cách kiếm tiền sau khi ra trường, nhưng không trường đại học nào dạy cách để sinh viên và những người khác có một cuộc sống hạnh phúc.

Vì vậy, nếu ông có thể tạo ra trường đại học hạnh phúc, ông sẽ là người dẫn đầu trên thế giới. Và đây là hai khuyến nghị đến với tôi sau khi tôi nhậm chức được hai tháng. Sau đó, tôi thuyết phục một số trường giới thiệu môn học về Hạnh phúc…”.

Và ông Nguyễn Thiện Nhân tin rằng Đại học Fulbright ở Sài Gòn là một trong những địa chỉ sẽ giúp người ta có thể kiến tạo về môi trường chung có cuộc sống hạnh phúc.

Quyền tài sản của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chưa được đảm bảo!

Trở lại với buổi trình bày chủ đề “Về vai trò của khu vực tư nhân trong giai đoạn phát triển mới của Việt Nam”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan điểm lại quá trình phát triển của kinh tế tư nhân, diễn giả Chi Lan cho hay, kinh tế tư nhân từng là đối tượng cải tạo XHCN sau 1954 (ở miền Bắc) và 1975 (ở miền Nam). Trải qua nhiều nghi kỵ và đấu tranh, đến năm 1999, khi Luật doanh nghiệp ra đời, kinh tế tư nhân (KTTN) mới được công nhận vị thế hợp pháp với quyền tự do kinh doanh của mình.

Tuy không phải là một đầu tàu kinh tế trọng điểm theo định hướng của nhà nước, đến năm 2015, doanh nghiệp tư nhân vượt khu vực nhà nước về tỷ trọng đóng góp cho GDP, và tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực ngoài nhà nước (tư nhân) chiếm 83.3%. Dù có nhiều đóng góp và thành tích nổi bật, KTTN ở Việt Nam tới nay vẫn bị phân biệt đối xử và chịu nhiều rào cản.

Đầu tiên, nói về quy mô, khu vực KTTN Việt Nam chủ yếu vẫn là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tỷ lệ doanh nghiệp vừa chỉ chiếm 3,2% cùng với 5,4 triệu hộ kinh doanh gia đình.

Trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam có 291 doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân (số liệu năm 2019), tuy nhiên khi thu hẹp dần phạm vi như top 100, 50 và 20 doanh nghiệp lớn nhất, khu vực tư nhân dần lọt ra khỏi danh sách và nhường chỗ lại cho các tập đoàn kinh tế nhà nước hoặc các công ty đa quốc gia FDI. Và danh sách 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam chỉ có duy nhất 1 ứng viên là đến từ khu vực tư nhân.

“Hiện tượng ‘missing middle’ (thiếu vắng những doanh nghiệp tư nhân có quy mô vừa) ở Việt Nam đã có từ cách đây hơn 20 năm, và đến bây giờ vẫn là một vấn đề chưa thể giải quyết. Chúng ta vẫn chưa đưa được đông đảo doanh nghiệp nhỏ trở thành doanh nghiệp vừa và lớn, hay đưa khu vực phi chính thức (hộ kinh doanh gia đình) vào chính thức”, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Một bất lợi khách quan nữa, và cũng là nguyên nhân chính cho nhận xét “doanh nghiệp Việt không chịu lớn” là quyền tài sản (vật chất và trí tuệ) chưa được đảm bảo. Hay nói cách khác – theo bà Phạm Chi Lan, đó là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không dám lớn trong một môi trường pháp lý về quyền tài sản còn lỏng lẻo, chưa đủ sức bảo vệ và chưa thể tạo niềm tin cho người kinh doanh.

Rất nhiều doanh nghiệp Việt tương đối thành công đã vội vã tham gia vào các thương vụ M&A bán lại cổ phần cho các tập đoàn nước ngoài để bảo toàn tài sản cho chủ sở hữu.

“Với một nền kinh tế tư nhân “không chịu lớn”, đưa khu vực này trở thành động lực phát triển mới cho Việt Nam trở thành một thách thức thật sự đòi hỏi cải cách thể chế và tháo gỡ các nút thắt đang “trói chân” doanh nghiệp” – bà Phạm Chi Lan nhận xét, và điều này góp phần giải thích vì sao lại xảy ra chuyện, “Về hội nhập kinh tế, chúng ta đang cực kỳ hăng hái và lập ra nhiều kỷ lục lớn về tham gia các FTA.

Nhưng nếu tham gia nhiều mà không có được năng lực cạnh tranh cần thiết thì hội nhập đó không mang lại được nhiều giá trị thực chất cho đất nước. Cho đến nay, có thể thấy các nhà đầu tư nước ngoài nắm bắt rất giỏi các cơ hội ở Việt Nam trong quá trình hội nhập, trong khi người Việt mình thì lại chưa thực sự được hưởng lợi bằng họ từ những cơ hội này?”.

Chuyên gia Phạm Chi Lan khuyến cáo kinh tế tư nhân phải đẩy mạnh hội nhập từ bên trong trước, và song song với hội nhập bên ngoài. Cán kéo cho yêu cầu đó, tất nhiên là sự cần thiết của đồng bộ từ thể chế chính trị…

Làn sóng ngầm đang dần nỗi là vậy!

*Chú thích ảnh: Các kịch bản tăng trưởng để Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035 (Nguồn: Báo cáo Việt Nam 2035)


Tin bài liên quan:

VNTB – Ngành y tế cần thoát khỏi sự phụ thuộc vào bảo hiểm y tế

Do Van Tien

VNTB – Tổ chức sinh hoạt tôn giáo tại nhà riêng có vi phạm pháp luật không?

Phan Thanh Hung

VNTB – Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất và khoảng trống sau khi HT Tuệ Sỹ viên tịch

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo