Hùng – Sơn
(VNTB) – Độ mặn tại Bến Tre dự báo sẽ tăng trong thời gian tới và lấn sâu khoảng 62km.
Nước mặn với độ mặn 1 phần ngàn đã theo các nhánh sông chính lấn sâu vào đất liền hơn 50km, dự báo sẽ tiếp tục lấn sâu thêm 12km trong thời gian tới.
Tại Bến Tre, dự báo, độ mặn sẽ tăng trong thời gian tới và lấn sâu khoảng 62km. Độ mặn 1 phần ngàn cũng đã lấn sâu vào sông Cổ Chiên 54km và tiếp tục lấn sâu vào đất liền thêm 4km trong thời gian tới. “Từ nay đến ngày 16-1-2024, độ mặn trên các nhánh sông sẽ tăng theo đỉnh triều trong ngày. Các địa phương cách cửa sông từ 48km – 62km trở xuống nên theo dõi và kiểm tra độ mặn khi vận hành cống và sử dụng nước trực tiếp”, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre phát thông báo.
Trong một diễn biến liên quan, gia đình nông dân Lê Văn Nhể, ấp Hòa An, xã Long Thới, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đã chủ động dành một phần diện tích đất của gia đình, dài 50m, rộng 22m, trải bạt nhựa để trữ khoảng 6 ngàn khối nước nhằm dự phòng hạn mặn vẫn có nước ngọt tưới cho cây trồng. Hiện ông Nhể trồng 800 cây vạn thọ bán vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và sản xuất 50 ngàn cây sầu riêng giống.
Về dự án hồ thủy lợi xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách và xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc (tỉnh Bến Tre), dự kiến đến tháng 8-2025 sẽ hoàn thành và sẽ giúp ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ tưới tiêu cho khoảng 5.300ha cây giống, hoa kiểng của 2 huyện Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách.
Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Văn Điền, ở Dự án xây dựng hồ chứa nước ngọt Lạc Địa, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, gồm các hạng mục: Hồ trữ nước ngọt, hàng rào quanh hồ chứa, nạo vét kênh xung quanh hồ chứa, đường giao thông, cống điều tiết, cống thông nhau giữa các hồ và hệ thống chiếu sáng. Hiện có 5 gói thầu đã triển khai thi công. Đây là công trình dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Đến lúc đó sẽ đảm bảo mọi người dân đều có thể tiếp cận với nước sạch không gián đoạn, nhất là trong mùa khô như hiện nay.
Theo dự báo hạn mặn năm 2023-2024 ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Bến Tre sẽ diễn ra gay gắt. Trong khi đó, năm 2023, lũ chính vụ ở miền Tây mức thấp trong khi mức độ sử dụng nước trên khu vực thượng nguồn gia tăng nên khả năng thiếu hụt nguồn nước ngọt trong mùa khô 2023 – 2024 là rất lớn.
Dạo quanh một vòng làng hoa kiểng Cái Mơn những ngày này, hầu hết các nhà vườn đều thấp thỏm lo âu bởi triển vọng không có đủ nước ngọt để tưới cho mùa hoa kiểng Tết Giáp Thìn đang cận kề, khi giờ đã bước vào tuần lễ đầu tiên của tháng Chạp.
Trong một diễn biến liên quan, theo cảnh báo của giới chuyên gia thì ngoài yếu tố tự nhiên, chuyện xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long còn do một yếu tố nội tại của vùng. Đó là phần lớn diện tích đồng bằng sông Cửu Long từ vùng trồng lúa, cây ăn trái và thậm chí ra tới ven biển đều có đê bao khép kín. Nước lũ về chủ yếu chảy trong sông Tiền, sông Hậu và một số nhánh sông lớn, không vào được ruộng vườn và chảy tuột ra biển. Đến mùa khô, khi nước sông Mekong hạ thấp, đồng bằng sông Cửu Long vì thế mà cũng chẳng còn nước…
“Về lâu dài, cần khôi phục không gian của dòng sông để nước có thể vào lại ruộng đồng, bắt đầu bằng việc giảm bớt một vụ lúa trong mùa lũ ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười” – Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long, kiến nghị.