VNTB – Lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước đua nhau xin nghỉ để hạ cánh an toàn

VNTB – Lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước đua nhau xin nghỉ để hạ cánh an toàn

Dân Trần

 

(VNTB) – Làn sóng “từ chức chạy nạn” có vẻ càng ngày càng tăng cao để tránh bị thành củi

 

Mới đây, bà Lê Hoàng Như Uyên đã nộp đơn xin nghỉ việc tại Công ty cổ phần Giao nhận kho vận ngoại thương Việt Nam – Vinatrans. Bà Uyên có quá trình làm việc hơn 28 năm tại Vinatrans, trong đó giữ vị trí tổng giám đốc doanh nghiệp kể từ tháng 2-2021. Tổng giám đốc Vinatrans nộp đơn xin nghỉ vì lý do “môi trường làm việc quá nhiều bất ổn, không còn phù hợp để làm việc và cống hiến thêm sức lực cho công ty”.

Trước khi bà Uyên xin nghỉ, bà Ninh Kim Thoa cũng đã xin thôi giữ chức trưởng phòng kế toán tài chính của Vinatrans từ 19/4/2024. Ngoài ra có bà Lê Thị Thu Hiền và bà Phạm Thị Thanh Bình cũng lần lượt bị miễn nhiệm chức thành viên hội đồng quản trị và trưởng ban kiểm soát từ 15/04/2024.

Vinatrans là doanh nghiệp nhà nước và cũng là công ty mẹ của Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel). Giá trị vốn đầu tư nhà nước tại Vinatrans chuyển giao về Vnsteel quản lý chiếm gần 96% vốn điều lệ. (1)

Chưa biết những lãnh đạo doanh nghiệp này có vi phạm gì hay không. Nhưng trong bối cảnh gỗ lớn, gỗ nhỏ, gỗ quý hiếm đua nhau vào lò như hiện nay, thì việc các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước thi nhau xin nghỉ trong thời gian qua không phải là không có lý do. Chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, phó thủ tướng còn phải xin nghỉ thì nói gì tới những lãnh đạo ở các doanh nghiệp.

Năm ngoái, ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Theo quy định này thì lãnh đạo chủ động xin từ chức sẽ được xem xét miễn hình thức kỷ luật. Theo Điều 12 của Quy định 132 nêu cách xử lý trách nhiệm khi để xảy ra hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực như sau:

* Đối với tổ chức:

Cấp uỷ, tổ chức đảng để xảy ra hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực thuộc phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo thì xử lý theo quy định của Đảng.

* Đối với lãnh đạo cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị:

– Người đứng đầu, thành viên cấp uỷ, tổ chức đảng, thành viên tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, phạm vi công việc mình được phân công trực tiếp quản lý, phụ trách thì xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

– Bị xem xét tăng trách nhiệm trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực mà không áp dụng các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền để kịp thời ngăn chặn, xử lý, khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm hoặc không kịp thời báo cáo theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

– Được xem xét loại trừ trách nhiệm trong trường hợp không thể biết hoặc đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.

– Được xem xét miễn, giảm trách nhiệm trong trường hợp chủ động phát hiện và đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý, khắc phục hậu quả hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực; hoặc trong trường hợp có căn cứ chứng minh bản thân không đồng ý với nghị quyết, quyết định, kết luận, mệnh lệnh trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước của tập thể, hoặc của người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị.

– Được xem xét miễn hoặc giảm hình thức kỷ luật nếu chủ động xin thôi giữ chức vụ, từ chức, xin nghỉ công tác trước khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý, trừ trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự. (2)

Như vậy, theo quy định này thì cán bộ lãnh đạo được xem xét miễn hoặc giảm hình thức kỷ luật trong trường hợp chủ động xin từ chức trước khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý; trừ những trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cho nên, thời điểm nay ai chưa vào lò thì cũng phải tìm cách hạ cánh an toàn để ra nước ngoài làm người tử tế. Làn sóng “từ chức chạy nạn” có vẻ càng ngày càng tăng cao, chứ không ai muốn ngồi yên chờ thành củi bị ném vô lò được. Nếu cán bộ nào cũng ra nước ngoài hay về nhà làm “người tử tế” thì ở trong nước chẳng lẽ chỉ toàn lưu manh làm lãnh đạo?

 

_______________

Tham khảo:

(1) https://tuoitre.vn/tong-giam-doc-cong-ty-nha-nuoc-xin-nghi-vi-moi-truong-bat-on-lo-dien-nguoi-thay-the-20240530192052644.htm

(2) https://lawnet.vn/vb/Quy-dinh-132-QD-TW-2023-kiem-soat-quyen-luc-hoat-dong-dieu-tra-truy-to-xet-xu-thi-hanh-an-8EF46.html#dieu_12

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)