(VNTB) – Có lẽ ông Tô Lâm đang muốn gây dấu ấn trong nhiệm kỳ này bằng các khẩu hiệu tinh gọn, tháo gỡ điểm nghẽn… nhưng lại hoá ra thêm rườm rà, vô ích
Chỉ trong 4 ngày mà đã có thêm 3 ban chỉ đạo tinh gọn siêu khủng ở 3 khối Đảng, Chính Phủ và Quốc Hội. Đầu tiên là ngày 16/11, ông Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1403/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo, 5 phó Thủ tướng và một số bộ trưởng tham gia Ban này.
Tiếp đó, 18/11, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký Nghị quyết số 1297/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn là Trưởng Ban chỉ đạo này, 4 Phó Chủ tịch Quốc hội là 4 Phó Trưởng ban, các thành viên khác của UBTVQH là thành viên của Ban này.
Tới sáng ngày 19/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã chủ trì phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Trước đó, ngày 5/11, ông Tô Lâm cũng có bài viết với tiêu đề “Tinh – Gọn – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả”. Trong bà này Tô Lâm thừa nhận rằng: “nhận thức và hành động của một số cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, quyết tâm chưa cao, hành động chưa quyết liệt, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể, chưa gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại… một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến tồn tại cơ chế xin-cho, dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…” (1)
Vì những lẽ này, nên Tổng Bí thư ĐCSVN muốn quyết liệt tinh gọn để cải cách hệ thống chính trị, để giải quyết những “sự chồng chéo, phân định không rõ chức năng, nhiệm vụ dẫn đến không rõ trách nhiệm, “lấn sân”, cản trở, thậm chí “vô hiệu hóa” lẫn nhau, làm giảm tính chủ động, sáng tạo, dẫn đến năng suất lao động, hiệu suất công tác thấp, đùn đẩy trách nhiệm, tiêu cực, cản trở phát triển, phát sinh phiền nhiễu, giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động”. (1)
Tổng bí thư hùng hồn quyết tâm là vậy, nhưng không biết là làm được tới đâu. Ngay trong bài viết của mình, Tô Lâm ghi rằng “mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước, nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện mới là trái với quy luật phát triển; tạo ra tâm lý “Nói không đi đôi với làm”. Tức là Tô Lâm đã công nhận câu nói của cố Tổng Thống VNCH: “Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm”. Và dĩ nhiên, cả hệ thống đều có tâm lý “Nói không đi đôi với làm”, thì những lời Tô Lâm nói, những phát biểu, chỉ đạo của Tô Lâm liệu có đáng tin không?
Không chỉ vậy, với chiến lược tinh gọn lần này thì người dân còn lo là chính phủ sẽ lập ra thêm hàng loạt ban tinh gọn ở khắp các tỉnh thành, khắp các bộ, sở… Và thế là lại càng rườm rà hơn. Nói chi xa, nhìn chuyện chấm điểm tín nhiệm đảng viên, hay thi công chức thời gian qua là thấy trước hiệu quả của việc lập ban tinh gọn này rồi. Thi thì thi, nhưng người quen, có lo lót thì mới đậu. Bị chấm điểm tín nhiệm thấp thì vẫn ngồi nguyên ghế đó hoặc lên chức cao hơn chứ không cần từ chức hay bị kỷ luật gì cả!
Chẳng những vậy, chuyện này lại còn tạo điều kiện cho tham nhũng, hối lộ nhiều hơn. Khi ghế thì ít mà đít thì nhiều, những kẻ muốn ở lại sẽ chi tiền nhiều hơn để giữ ghế. Mang tiếng là tinh gọn nhưng những kẻ bất tài nhiều tiền vẫn được giữ lại làm lãnh đạo, thì càng có hại hơn.
_____________________
Tham khảo: