Mẫn Nhi (VNTB) – Quan không nghe, quan không thấy, quan bỏ mặc lời thị phi thiên hạ mà vẫn cứ “đàng hoàng sống” theo lề lối “ăn toàn diện – ăn lâu dài – ăn triệt để và ăn vì tương lai”.
Căn biệt thự số 12 phố Nguyễn Chế Nghĩa, nơi ông Hoàng Văn Nghiên chiếm dụng không chịu trả |
Báo Dân Trí đưa tin, ông Hà Hùng Cường, nguyên Bộ trưởng Tư pháp và bà Nguyễn Thị Kim Thuý, nguyên Phó Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam vừa có đơn về việc thuê nhà ở công vụ của Chính phủ. Cả 2 cựu quan chức này đều nêu lý do là “khó khăn về nhà ở”.
Thậm chí, ông Hà Hùng Cường còn ngỏ ý, hoặc kéo dài thời hạn thuê, hoặc cho ông mua đứt căn nhà công vụ nêu trên.
Hóa ra nhà công vụ không phải chỉ là chỗ ở nơi làm việc, mà trở thành chỗ ở khi về hưu. Bộ trưởng và vị Phó Chủ tịch HLH Phụ nữ Việt Nam chắc hẳn rất khó khăn về nhà ở, nhưng lại sẵn sàng chi tiền để mua đứt căn nhà công vụ to, nằm ở thế đất đẹp. Đó có phải là một tiêu chuẩn khó khăn mới được khai sinh của tầng lớp quan chức thời… Cộng sản?
Nhân cách của một con người bị bán rẻ ngang bằng thái độ chai ì của bộ phận quan chức Việt Nam. Không chỉ dừng biến hóa đất rừng thành đất thổ cư, hay chiếm trọn các căn biệt thự tại đất vàng thông qua đấu thầu giá gốc, mà giờ đây là chiếm các căn nhà công vụ.
Chắc hẳn Nguyên Bộ trưởng Tư pháp và Nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cũng thuộc dạng “sống đàng hoàng” như ông Cựu Chủ tịch TP. Hà Nội – Hoàng Văn Nghiên. Khi ông nghiễm nhiên chiếm dụng căn biệt thự (đồng thời là nhà công vụ) trong suốt 10 năm qua. Nhưng vấn đề ông không chiếm cho ông, mà ông chiếm cho con người thân ông, còn bản thân ông đang sống tại căn biệt thự tại khu đô thị Ciputra hạng sang của Hà Nội.
Chẳng phải vì thế mà dân Hà Nội lại kháo nhau rằng: Giàu như Phú – Lú như Trọng – Lật lọng như Nghiên – Tiêu tiền như Triệu. Nhưng giờ đây, có lẽ câu biếm trên phải thêm vào câu: Lầy như Cường – Xương như Thúy.
Sẽ không quá đáng khi cho đây là nhóm những “đồng chí” triệt để thực hành phương châm: chiếm công vi tư (lấy của công làm của riêng). Dạng thức con người này là nét đặc trưng rất công chức Cộng sản Việt Nam.
Khi Bộ trưởng hay quan chức kêu than khó khăn, thì ngân sách nhà nước ngày càng rỗng ruột, đời sống những người thu nhập thấp ngày càng eo hẹp, thậm chí, ngay cả bữa ăn cũng phải đong tính từng ngày. Cứ mỗi lần kêu than, thì khoảng cách giàu nghèo lại càng nới rộng, rộng đến mức dân phải kêu lên: giờ quan muốn dân sống làm sao!
Liệu quan có để ý rằng, trong khi quan đang ung dung tự tại với căn hộ công vụ rộng thênh thang với điều hòa phủ kín mọi ngóc ngách thì đời sống dân nghèo, công nhân lại đang phải sống trong “căn hộ giai cấp” rộng chưa đến 10-15m2, với mái tôn hoặc tấm lợp fibro ximăng khiến mùa đông thì được làm mát, mùa hè thì được hâm nóng? [*]
Quan không nghe, quan không thấy, quan bỏ mặc lời thị phi thiên hạ mà vẫn cứ “đàng hoàng sống” theo lề lối “ăn toàn diện – ăn lâu dài – ăn triệt để và ăn vì tương lai”.
Trong khi pháp luật hiện tại chỉ biến khái niệm “cưỡng chế”; “miễn nhiệm” trở nên xa vời đối với các cán bộ chai ì trong giao trả nhà công vụ; trong khi yếu tố “tự giác” lại triệt để áp dụng. Nhưng với tình hình hiện nay, khi lòng tham mang tính “gom góp của công” trở thành xu hướng trong cầm quyền, thì tự giác hay câu chuyện về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có văn bản trả lại nhà dù đã được cấp quyền sở hữu trở thành câu chuyện vui qua đường của không ít quan chức Việt.
Câu chuyện nhà công vụ tiếp tục viết nên chương sử xấu xí về chiếm dụng của công, cho thấy lòng tham vô đấy. Và một lúc nào đó, “cứt trâu sẽ hóa bùn” theo đúng cách mà những biệt thự Pháp tại Hà Nội được “chia chác” nhau sau khi quân giải phóng tiếp nhận Thủ đô sau năm 1954.
Và rõ ràng, nếu để hình tượng hóa chính xác các khái niệm chủ nghĩa cá nhân và óc vị kỷ, tư lợi, tham lam thì quan chức Cộng sản là một hình tượng chính xác, đúng bản chất, cả nghĩa đen lẫn bóng.