Ngọc Lan
(VNTB) – Đề xuất về một ngày quốc tang tưởng niệm đồng bào đã mất trong đại dịch Covid-19, đến nay vẫn tiếp tục chờ sự đồng ý của Bộ Chính trị.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nói rằng ông thống nhất việc nghiên cứu đề xuất hình thức phù hợp để chính quyền TP.HCM đứng ra tổ chức đại lễ cầu siêu cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã mất trong đại dịch Covid-19.
Trong lúc chống dịch, nhiều quốc gia trên thế giới đã tổ chức lễ tưởng niệm những người tử vong vì dịch Covid-19. Việt Nam với hơn 20.000 người tử vong là hơn 20.000 gia đình chịu nỗi đau chia cắt tình thâm. Trong lúc này đây, cả nước sớm có một lễ tưởng niệm để cùng tưởng nhớ người qua đời, cùng sẻ chia nỗi đau với người ở lại là hoạt động rất ý nghĩa.
Lễ tưởng niệm cần thiết làm trang trọng và khuyến khích tôn giáo thực hành các nghi lễ phù hợp với sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người dân.
Không chỉ là lễ tưởng niệm, bởi chúng ta là người Á Đông, tình người rất sâu nặng và tâm linh rất sâu sắc, nên cần có Ngày tưởng niệm hàng năm, để cả nước cùng tưởng niệm những người đã qua đời do dịch Covid-19. Tưởng niệm để cùng tin tưởng rằng, những mất mát như vậy sẽ không bao giờ tái diễn. Điều đó giúp chúng ta càng thêm ý thức tuân thủ các yêu cầu phòng chống dịch, tự giác tuân thủ 5K. Chúng ta cùng hành động cho sự an toàn của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Trước đó, chiều 7-10, tại bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 ở khu tái định cư Bình Khánh (thành phố Thủ Đức), chư tăng chùa Pháp Vân (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cùng Ban Quản lý đã tổ chức lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong do Covid-19.
Cũng trong ngày 7-10, tại chùa Long Hoa (quận 10, TP.HCM) chư tăng đã làm lễ cúng ngọ, cầu siêu và cúng tiến chư hương linh, hồi hướng đến đồng bào tử nạn vì Covid-19. Trong buổi chiều là khóa lễ cầu siêu bạt độ. Đặc biệt, chư tôn đức đã thực hiện lễ trai đàn chẩn tế, mông sơn thí thực cho những vong linh không nơi nương tựa, cầu âm siêu dương thái, dịch bệnh tiêu trừ.
Người Việt Nam chịu ảnh hưởng khá lớn của Phật giáo. Mà trong tín ngưỡng của Phật giáo, lễ cầu siêu có ý nghĩa hết sức to lớn với người đã khuất. Thông qua việc tụng kinh của các chư tăng trong lễ cầu siêu sẽ giúp những người quá vãng giác ngộ chân lý. Nhờ biết giác ngộ mà thoát khỏi cảnh giới tăm tối về nơi tịnh tộ.
Theo quan niệm dân gian “âm siêu thì dương thịnh”, có nghĩa, người quá vãng được siêu thoát thì người sống trên dương thế mới được an lành. Theo dân gian, lễ cầu siêu còn là nghi thức nhắc nhở những người đang sống phải năng tạo nghiệp lành để hồi hướng công đức cho những người đã khuất, trợ duyên cho họ vượt qua bể khổ trầm luân bởi những tạo tác nghiệp lực đã gieo trong quá khứ.
Với góc nhìn giáo lý nhà Phật, tất cả chúng sanh các loài đều từ nghiệp mà sinh ra, nghiệp ấy do tâm tạo, chuyển nghiệp cũng từ tâm mà chuyển. Do vậy, ý nghĩa siêu độ, cứu giúp người cõi âm thoát khỏi khổ đau có hiệu quá hay không là do tâm lượng của con người quyết định.
Phật giáo cũng cho rằng, tâm phiền não tham sân si là nguyên nhân chính đưa đến sự đọa lạc trong địa ngục và các cảnh giới khổ đau triền miên. Cho nên, ý nghĩa siêu độ có hiệu quả từ tâm mà luận, vì tâm là chủ thể của mọi hiện tượng, bao gồm cả hiện tượng sống chết, luân hồi và giải thoát.
Như vậy, giả dụ như có một đại lễ cầu siêu cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã mất trong đại dịch Covid-19 như lời của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, cho thấy còn mang ý nghĩa của những bài học dành cho mai hậu – bởi thật sự thì cho đến nay, chẳng ai biết có bao nhiêu người chết vì bệnh khác mà không được cấp cứu kịp thời, do những hàng rào kẽm gai của lô-cốt chiến lũy do nhà chức trách đã dựng lên để gọi là ‘phòng, chống Covid-19’…