Việt Nam Thời Báo

VNTB – Lễ giỗ Vua Hùng và ngày anh em một nhà?

Hiền Thanh Nga (VNTB) – Cứ vào dịp 10/03 âm lịch, lòng người lại hướng đến lễ giỗ Tổ các vua Hùng (Phú Thọ). Nơi thể hiện cội nguồn cũng như tự hào dòng giống dân tộc.

Một cội nguồn khai mở và giữ nước, một dân tộc quật khởi kiên cường, quật khởi.

Từng thế hệ qua từng triều đại, thời kỳ ngã xuống cho chính cái tinh thần đó. Nhưng nó là tang thương hay tự hào khi số lần hòa bình ít hơn nhiều lần số lần binh đao, loạn lạc.

Liệu 30/04, Quốc hận có thể thay bằng ngày Quốc giỗ – nơi anh em đều là một nhà?
Chính từ số lần binh đao, loạn lạc đó chiếm 2/3 lịch sử tồn tại của dân tộc, nên Việt Nam – vốn là cư dân lúa nước, lại tiềm ẩn trong mình yếu tố của một chiến binh. Như cụ Đồ Chiểu từng nêu lên trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc:

“Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn làm quen;
Tập khiên, tập mác, tập giáo, tập cờ, mắt chưa từng ngó.

Nào đợi ai đòi ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình.
Chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ.”


Nhưng chiến tranh qua đi thì lòng người thường ly tán, vì chế độ này, vì triều đại này… nhất là khi anh em cùng một nhà giáp gươm, đối mặt với nhau.

Như năm 1786, Nguyễn Huệ với chiêu bài phù Lê diệt Trịnh đã mang quân ra Bắc Hà, sau đó thu vén quyền lực, lại cưới con gái vua Hiển Tông là công chúa Lê Ngọc Hân, nhưng sĩ phu Bắc Hà lại tản mát, không theo. Giới tôi thần nhà Lê lúc đó rất nhiều người tự sát, như Nguyễn Huy Trạc chọn chén độc để theo Lê, Nguyễn Du, Bùi Dương Lịch… cầm gươm chống lại Tây Sơn. Vua Quang Trung phải ban “Chiếu dụ các quan văn võ triều cũ ” khẳng định: “Trẫm một lòng yêu quí nhân tài không lúc nào quên …Phàm những kẻ bị giam giữ đều thả ra hết, những người chạy trốn không truy nã nữa để làm đức khoan dung”. Tiếp theo trong Chiếu cầu hiền, Quang Trung kêu gọi: “Trẫm đang để ý lắng nghe, thức ngủ mong những kẻ tài cao học rộng chưa thấy đâu? hay là Trẫm ít đức, không đáng phò tá chăng?”.

Chiêu hiền là thế, đãi sĩ là thế, nhưng hòa hợp lòng người ở chế độ mới là không đơn giản, một phần vì lý tưởng, một phần vì tôi trung. Do đó, khi vua Lê Chiêu Thống sang lưu vong tại đất Trung Hoa, đoàn trung thần cũng theo không ít.

Thế mới biết, chiến thắng trong binh đao là một chuyện, thống nhất lòng người trong cuộc chiến cùng một dân tộc là chuyện khó vô vàn. Ngoài việc, người chiến thắng phải tạm buông đao, bỏ qua cái lòng kiêu hãnh mà bắt tay kêu gọi làm hòa, lấy hành động ứng nhân với người chế độ cũ để đi đến một mục đích xa hơn – chấm dứt sự ly tán, để cùng nhau xây dựng đất nước, chế độ.

Tương tự, cuộc chiến của thế kỷ 20 nổ ra, với sự dồn sức đánh cho thế giới tự do, cho xã hội chủ nghĩa đã khoét sâu vào lòng người. Giới tuyến phân chia không còn mang tính chất địa lý như vỹ tuyến 17 nữa, mà đó là vỹ tuyến của lòng người – mất mát, đau thương, làm nên Quốc hận – đối lập với Giải phóng miền Nam.

Gần nửa thế kỷ kể từ sau thời điểm thống nhất trong phân ly ấy (1975), nhưng câu hỏi về việc chúng ta làm gì để hòa hợp, hòa giải làm người, chấm dứt sự một chiến sự dài đằng đẵng về lòng người?
Vì nếu không có sự hợp nhất ấy, thì đất nước sẽ mãi bị trì trệ, sự đấu đá lẫn nhau giữa các nhóm người, phe phái, đòi lật đổ chế độ này, xóa bỏ tàn dư kia vô tình lôi cả người Việt đi về quá khứ thay vì sống trong hiện tại và xây dựng lại một tương lai.

Ông Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trong một bài viết gần đây đã nhấn mạnh: “Việc chia thành 2 phe trong một đất nước trong thời chiến là điều không ai mong muốn, nhưng đó là thực tế lịch sử.”

Ông nói đúng, đó chính là thực tế, và không thể thay đổi được. Vấn đề bây giờ là làm cái gì và bằng cách nào để xóa bỏ 2 phe đó trong hiện tại và tương lai gần?

“Hoà hợp dân tộc là vấn đề tâm thức, không thể áp đặt được. Muốn hoà hợp phải chân thành, đừng bám lấy chuyện cũ, dám vượt qua chuyện cũ để chung sống”, nguyên Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh chia sẻ nhân 40 năm Ngày Thống nhất.

Do đó, đến lúc cả hai phía cần phải hạ người, chìa tay ra để bắt như cách mà vua Quang Trung hạ chiếu để ban bố hiền. Điều đó có ý nghĩa rằng, những lợi ích phe nhóm cần phải được dẹp bỏ nếu như bản thân muốn nhắc đến hòa hợp, lợi ích dân tộc là trên hết.

Và nó phải bắt đầu từ việc, thay vì kỷ niệm ngày quốc khánh, ngày lễ 30/04, hay ngày Quốc hận, thì đến lúc ta chọn lấy lễ giỗ Vua Hùng làm ngày Thống Nhất để nói chuyện với nhau, bàn những kế hoạch để níu kéo lòng người, với thành phần tham dự là những người ôn hòa ở cả hai phía. Trong đó, lấy ngày 30/04 trở thành ngày kỷ niệm những người Việt ở cả hai phía ngã xuống.

Bởi điều đó mới có thể cho thấy rằng, sau gần nửa thế kỷ, người Việt chúng ta không giáp mặt với nhau bằng súng, bom, mìn, mà giáp mặt với nhau bằng lời nói hướng tới tương lai bằng cách giải quyết những nỗi lòng quá khứ.

Trong thời điểm lễ giỗ, chúng ta không cho phép bất kỳ ai cao ngạo hay oán thù, mà chúng ta xem đó là ngày gặp mặt của lòng người, ngày mà mọi trái tim dù đang sống và làm việc ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng.

Tin bài liên quan:

VNTB – Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có ở đất Nam bộ?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.