Việt Nam Thời Báo

VNTB – Lễ tế âm hồn ngày kinh đô thất thủ

Hương Giang

(VNTB) – Người dân Huế xem 23-5-1885 Âm lịch là ngày “âm hồn”, ngày kinh thành Huế thất thủ.

Đồng bào Huế đã chết oan ở Tết Mậu Thân 1968 cũng được người Huế ‘mời’ về trong ngày tế âm hồn này.

Đó là trận chiến ác liệt giữa quân đội triều Nguyễn với quân đội Pháp vào đêm 22 rạng sáng 23-5 Ất Dậu, nhằm ngày 5-7-1885. Lịch sử gọi ngày 5-7-1885 là “Ngày thất thủ kinh đô”. Người Huế gọi ngày 23-5 âm lịch là ngày “giỗ chung” của Huế.

Lễ vật trong ngày giỗ này bao giờ cũng phải có dĩa cơm vắt (cơm nắm) để người ta mang theo khi chạy loạn, có bình nước chè xanh rất to vì năm đó mùa hè người ta rất khát nước, và một bếp lửa để các oan hồn run rẩy được sưởi ấm vì năm đó có nhiều người chết vùi dưới sông hồ, hào nước bao quanh kinh thành.

Vào năm 1894, khi lính của nha hộ thành nạo vét mương thoát nước, đã đào lên vô số xương người. Họ tập kết xương cốt về góc ngã tư đường Đông Ba – Tam Tòa, sau đó đưa lên chôn cất ở nghĩa địa. Dân chúng trong xóm tự nguyện góp tiền xây miếu để thờ hương linh người đã khuất, gọi là miếu Âm hồn. Suốt từ năm đó đến tận hôm nay, cứ đến ngày 23-5 âm lịch, dân chúng trong xóm vẫn tự nguyện góp tiền làm lễ cúng vong linh những người tử nạn.

Cũng trong năm 1894, vua Thành Thái đã cho lập đàn Âm hồn (nằm bên phải phía trước hoàng cung) để thờ cúng đồng bào, chiến sĩ hi sinh trong biến cố thất thủ kinh đô. Đồng thời, bộ Lễ cũng ban hành quy cách về lễ nghi, lễ vật, văn tế cho lễ cúng này.

Từ sau Tết Mậu Thân 1968, đàn Âm hồn ở Huế còn là tưởng niệm đồng bào đã ngã xuống vì súng đạn của quân đội Bắc Việt.

Tết nguyên đán, ngày lễ quan trọng nhất của người Việt. Lệnh ngưng bắn đã được thỏa thuận trong dịp Tết, với đa số quân nhân Việt Nam Cộng Hòa được về phép. Có nghĩa là một tuần lễ được nghỉ xả hơi trong thời chiến.

Thế rồi ngay đêm giao thừa, phía những người cộng sản nằm vùng ở Huế đã nổ súng, và những cánh quân Bắc Việt tiến vào, trong đó có người về sau lên tới ghế Tổng bí thư là Lê Khả Phiêu…

Ông Mark Bowden, tác giả cuốn “Huế 1968: Bước ngoặt cho cuộc chiến Mỹ tại Việt Nam” xuất bản năm 2017, cho Politico biết ông ước tính khoảng 2.000 người đã bị sát hại trong một kế hoạch “thanh trừng” đã được định sẵn đối với những người làm việc cho chế độ miền Nam, cho dù ông tin rằng con số thực sự sẽ không bao giờ được biết đến.

Bowden nói: “Chắc chắn là mỗi người mà tôi phỏng vấn, từ Việt Cộng, bộ đội Bắc Việt cho đến dân sự, không ai chối cãi những gì đã diễn ra. Điểm tranh cãi duy nhất là có bao nhiêu người đã chết”.

Trong bài “1968: Mồ tập thể đầu tiên bên Sông Hương”, Đài BBC đã trích những đoạn phỏng vấn như sau: “Chúng tôi khi đó vừa mới dọn sạch một trong những ngôi chùa lớn đó rồi di chuyển dọc theo các cánh đồng, nơi chúng tôi gặp một khu vực khá bằng phẳng dọc theo bờ bắc của con sông. Mùi tử khí đậm đặc. Một trung sĩ dưới quyền tôi, tên là Ruben Torrez, nói, ‘ở đây có cảm giác rất chết chóc.’ Anh ấy thấy có một thứ nhô lên từ mặt đất. Ban đầu anh ấy nghĩ đó là rễ cây.

Thế nhưng thứ đó đã bị mặt trời thiêu đốt mấy hôm, và đó là khuỷu tay của một xác chết, nhô lên từ lớp đất phủ sơ sài. Khi tới gần hơn, anh ấy nhận ra đó là gì, và gọi tôi tới gần. Tôi nhìn rồi nói, ‘chúng ta cần đào lên xem sao’ bởi chúng tôi nghĩ đó có thể là những người lính đối phương. Nếu kẻ thù chôn cất người của họ, thì trong các xác chết đó chúng ta có thể tìm được những thông tin đáng giá. Họ có thể mang theo nhật k‎ý, bản đồ chẳng hạn. Cho nên nếu đưa các xác chết đó lên và lục soát – tất nhiên, tôi biết điều đó thật là ghê tởm – thì chúng tôi có thể tìm được những tin tức tình báo có giá trị.

Nhưng lần này hóa ra không phải vậy. Đó là một người phụ nữ, và có rất nhiều xác người khác trong rãnh chôn này. Càng đào thêm, chúng tôi càng phát hiện ra thêm các xác chết. Đó không phải là một mồ chôn bình thường. Các nạn nhân bị trói tay ra phía sau. Họ đã bị xử tử. Họ đều bị giết chết tại hố này” – Phil Gioia nói.

Như vậy xem ra nếu như “vào năm 1894, khi lính của nha hộ thành nạo vét mương thoát nước, đã đào lên vô số xương người”, thì giờ bi thương hơn khi đây lại là cộng sản nằm vùng ở Huế cùng với quân đội Bắc Việt đã sát hại đồng bào mình.

Trong chiến tranh, Bắc Việt và lực lượng cộng sản ở miền Nam đã không công nhận vụ thảm sát và không trừng phạt bất kỳ thủ phạm nào. Nước Việt Nam hậu chiến cũng không công nhận vụ thảm sát, họ muốn bỏ qua nó, hoặc xem nó là một sự kiện ngụy tạo. Trong các sự kiện kỷ niệm chiến dịch Tết Mậu Thân ở Việt Nam, thảm sát Huế chẳng bao giờ xuất hiện…

Nhiều người Việt Nam ở Việt Nam và khắp nơi trên thế giới vẫn mong muốn và thực sự cần phải khóc thương cho những người thân yêu đã mất trong thảm sát Huế. Nhưng họ không thể làm điều đó một cách công khai, và do vậy nên lễ tế âm hồn ngày kinh đô thất thủ, ngày này cũng là nén hương cùng những lời nguyền oán hận muôn đời đối với tội ác.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Cú áp phe giáo dục của đại tá Diêm Đăng Thanh với dược sĩ Ngô Mạnh Trí?

Phan Thanh Hung

VNTB – Tục phóng sinh ở mùa Vu Lan

Do Van Tien

VNTB – Tiền và thật nhiều tiền để mua án

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.