VNTB – “Lên dây cót tinh thần” lương hưu!

VNTB – “Lên dây cót tinh thần” lương hưu!

Út Sài Gòn

 

(VNTB) – “Người hưởng lương hưu luôn được bảo toàn giá trị, không bị rủi ro khi đồng tiền mất giá” (?!)

 

“Lương hưu không phải mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để đảm bảo cuộc sống của người nghỉ hưu. Vì vậy, người hưởng lương hưu luôn được bảo toàn giá trị, không bị rủi ro khi đồng tiền mất giá”.

Có ai tin những lời mật ngọt ở trên của cơ quan bảo hiểm xã hội tuyên truyền cho việc mong người lao động đừng rút bảo hiểm xã hội “một cục”, mà hãy nhận rải đều hàng tháng cho đến khi xuôi tay, nhắm mắt.

Theo Bảo hiểm xã hội TP.HCM, trong tháng 4-2022, có hơn 214.000 người ở TP.HCM được nhận lương hưu. Trong đó, có hơn 32.000 người có mức lương hưu dưới 3 triệu đồng (khoảng 15%); hơn 31.000 người có mức lương từ trên 3-4 triệu đồng; gần 45.000 người có mức lương từ trên 4-5 triệu đồng; có gần 35.000 người có mức lương từ trên 5-6 triệu đồng.

Theo quy định hiện nay thì tỷ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội là 32% tiền lương, trong đó doanh nghiệp đóng 21,5%, người lao động đóng 10,5%. Rất nhiều doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động chỉ cao hơn mức lương tối thiểu vùng một chút, mà không phải là thu nhập thực tế của người lao động.

Vì sao lại xảy ra tình trạng trên?

Nhiều lao động tại đô thị đắt đỏ Sài Gòn làm phép tính như sau: thật vô lý hết sức, nếu đóng 10 hay 20 năm là đủ để hưởng lương hưu, nhưng phải đợi đến 60-62 tuổi mới được nhận lương hưu, mà thường thì nếu đóng đủ 20 năm thì ít nhất phải 10 năm nữa mới nhận được lương hưu.

Thế nhưng vì lẽ gì đó khiến người lao động không thể đóng tiếp, có nghĩa là người ta không lao động nữa, vậy là phải sống vất vưởng để chờ lương hưu, và bảo hiểm xã hợi chưa thấy có giải pháp nào hỗ trợ người lao động trong khoảng thời gian này.

Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành cho thấy quá thiệt thòi cho người lao động.

Mức hưởng 45% cho 20 năm đầu thay vì trước kia là 55%, người lao động tăng tuổi nghỉ hưu bị thiệt kép vì thời gian đóng keo dài thêm 2 năm, thời gian thụ hưởng giảm đi 2 năm. “Mấy bác làm chính sách có tính đến quyền lợi này cho người lao động không, sẽ còn diễn ra việc rút bảo hiểm một lần vì người lao động giờ họ tính toan hơn, hiểu biết hơn rồi. Luật còn mang tính áp đặt, siết chặt quản lý nhiều hơn thì chưa giải quyết được tình trạng rút bảo hiểm một lần” – một ý kiến gay gắt.

Nhiều người phải tính toán: lương hưu sau này không đủ để trang trải cuộc sống, chờ đợi 20 năm là quá dài, thôi thì nhận bảo hiểm xã hội một lần. Trước mắt có được số tiền để làm ăn, biết đâu lại có cơ hội tích lũy cho bản thân khi về già!

Covid-19, dù Nhà nước tuyên bố có những gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, qua đó gián tiếp hỗ trợ người lao động, nhưng thực tế cho thấy không thể vơi đi những khó khăn tứ bề. Vì thế, người lao động phải tự xoay trở và “của để dành” từ đóng bảo hiểm xã hội được nhắm tới như là “cứu cánh” trước mắt, mà nhà quản lý khó thể trách cứ người lao động cho được.

Hơn thế, cấp quản trị quốc gia cao nhất là Bộ Chính trị cần dũng cảm nhìn đúng thực tế, rằng lương hưu đủ sống là mục tiêu không dễ thực hiện, thậm chí phải mất nhiều năm với rất nhiều nỗ lực. Tựu chung là chúng ta phải phát triển kinh tế tốt hơn, hiệu suất lao động cao hơn, đất nước tích lũy cao hơn, chứ không phải chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu “lên dây cót” tinh thần lẫn nhau kiểu “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (https://noichinh.vn/tin-tuc-su-kien/tin-trung-uong/202201/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-vung-tin-but-pha-phat-trien-toan-dien-dat-nuoc-310622/)

***

Lương hưu quá thấp

Năm 1992, bà Phạm Thị Chu vào làm công nhân cho Công ty cổ phần Giày da và May mặc Xuất nhập khẩu (Legamex), quận 10 – TP.HCM. Đến tháng 8-2010, bà xin nghỉ việc vì bị đau cột sống. Lúc nghỉ việc bà mới 53 tuổi và có 18 năm 5 tháng đóng bảo hiểm xã hội, chưa đủ điều kiện hưởng hưu trí. Sau đó, bà đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đến tháng 7-2012 và được hưởng lương hưu với mức 1.030.300 đồng/tháng.

“Số tiền vừa lãnh không đủ trang trải chi phí hằng ngày. Cũng may là tôi được anh ruột cho ăn, ở. Trước đây, làm công nhân vất vả, nay nghỉ hưu sức yếu, tiền lương hưu cũng không đủ sống. Tôi đã lãnh lương hưu được 3 lần, tất cả đều để dành; bệnh hoạn cũng không dám đi khám vì sợ không đủ trả tiền thuốc” – bà Chu than thở.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Nghĩa, ngụ ở số 51/6/3 Nguyễn Văn Giáp, phường  Bình Trưng Đông, thành phố Thủ Đức có mức lương hưu là 1.050.000 đồng. Sau khi đi bộ đội về, ông làm bảo vệ cho Công ty liên doanh Thủy sản Việt Nga. Đến năm 2008, công ty cho nghỉ việc nhưng do ông Nghĩa chưa đủ tuổi nên mãi đến tháng 4-2012 mới được lãnh lương hưu.

Ông Nghĩa cho biết: “Tôi cũng muốn làm thêm để kiếm chi phí cho sinh hoạt gia đình nhưng đi đến đâu người ta cũng lắc đầu vì lớn tuổi. Thêm vào đó, những năm đi bộ đội, tôi bị thương nên hay đau ốm, không làm được việc nặng nhọc. Hiện giờ tôi chỉ có một cách kiếm thêm là chạy xe ôm”.

Tương tự, bà Trần Thị Bích Liên, ở số 15 Cầm Bá Thước, phường 17, quận Phú Nhuận – TP.HCM, cũng chỉ nhận mức lương hưu 1.052.100 đồng/tháng. Bà cho biết khoản tiền này không đủ để khám chữa bệnh, hiện bà phải sống nhờ vào con trai.

Rất nhiều trường hợp cũng có lương hưu thấp như vậy nên không đủ sống, phải đi làm thêm hoặc được con cái phụng dưỡng, chăm sóc. Có rất ít trường hợp, người hưởng lương hưu có thể phụ giúp con cháu.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)