Trần Dzạ Dzũng
(VNTB) – Tỉnh, thành nào phát triển là sẽ được quy hoạch là “thành phố trực thuộc trung ương”.
Tại kỳ họp thứ 13 Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hồi cuối tháng 5-2023, tỉnh này đã thông qua một nghị quyết rằng họ sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Trước đó, tỉnh Bình Dương cũng có một quyết định tương tự.
Giảm điều kiện cho con đường lên… Trung ương
Về lý thuyết mang tính văn kiện Đảng, thành phố trực thuộc Trung ương là các đô thị loại đặc biệt hoặc đô thị loại I, và được xác định là đô thị trung tâm cấp quốc gia. Đây là các thành phố lớn, có nền kinh tế phát triển, là khu vực quan trọng về quân sự, chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội là động lực phát triển cho cả quốc gia chứ không còn nằm bó hẹp trong phạm vi một tỉnh, hay một vùng liên tỉnh nữa. Các thành phố này có cơ sở hạ tầng và khoa học công nghệ phát triển, có nhiều cơ sở giáo dục bậc cao, dân cư đông, thuận lợi về giao thông vận tải.
Có một lưu ý là từ 01/01/2023, một số nội dung tiêu chuẩn “Thành phố trực thuộc Trung ương” ở Nghị quyết 27/2022/UBTVQH15, đã được sửa đổi theo hướng “nới lỏng” hơn so trước đó. Điều này tạo điều kiện cho nhiều thành phố có cơ hội trở thành “Thành phố trực thuộc Trung ương”.
Tiêu chuẩn cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố trực thuộc Trung ương từ 01/01/2023 gồm:
Nhìn bảng biểu trên cho thấy điểm rõ nhất về khác biệt đó là lúc “Thành phố trực thuộc Trung ương”, thì địa phương đó sẽ bị cắt nguồn ngân sách Trung ương, vì đã “cân đối thu chi ngân sách”.
Theo các quy định hiện hành, chính quyền thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương được tổ chức theo 2 cấp chính quyền: Cấp chính quyền ở thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và cấp chính quyền phường, xã thuộc thành phố. Mô hình hai cấp chính quyền tại thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương được xác định tương ứng với mô hình tổ chức chính quyền tại các thành phố thuộc tỉnh.
Đã ‘lên’ rồi, liệu có thể… ‘xuống’ như cũ?
Tuy nhiên khi đối chiếu với gì đang diễn ra, đã cho thấy giữa lý thuyết mang tính chủ quan của thể chế chính trị độc quyền toàn trị với khách quan hiện thực có độ chênh quá xa.
Bởi các “thành phố trực thuộc Trung ương” đóng vai trò đầu tàu của sự phát triển, tạo động lực phát triển cho toàn vùng và đất nước. Thực tiễn cho thấy, đô thị hóa càng mạnh mẽ, việc kiểm soát xã hội càng khó khăn, những bất cập về quản lý ở các đô thị lớn bộc lộ nhiều. Vì vậy, cần có chính sách đặc thù để điều phối, vận hành theo hướng chuyên môn hóa và phát triển như một đô thị đặc thù.
Đơn cử thành phố Hồ Chí Minh là thành phố thuộc Trung ương. Thành phố này lại có thành phố Thủ Đức với vai trò “thành phố thuộc thành phố”, và sau 2 năm thực hiện mô hình này đã bộc lộ một số bất cập như sau:
Thứ nhất, công tác tiếp dân, nhận các hồ sơ thủ tục của doanh nghiệp và người dân diễn ra ở ba khu vực là 3 quận cũ trước đây, vẫn duy trì 3 điểm tiếp công dân và giải quyết thủ tục hành chính.
Kết quả chung vẫn là thủ tục hành chính chậm, tỷ lệ giải quyết hồ sơ hành chính đúng hạn chưa đạt mục tiêu. Trong đó, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn thấp, nhất là tập trung vào các thủ tục đất đai.
Trong khi khối lượng công việc tăng nhiều lần nhưng việc phải giảm biên chế theo đề án về thành lập thành phố Thủ Đức đã được phê duyệt gây áp lực rất lớn lên công tác tổ chức bộ máy và nhân sự.
Đặc thù của thành phố Thủ Đức – đơn vị hành chính “cấp huyện khổng lồ” với tổng cộng 34 đơn vị hành chính cấp xã, số lượng công việc của 3 quận nhưng biên chế lại giảm, từ đó làm giảm hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính thành phố thuộc thành phố Hồ Chí Minh.
Trong lúc đó thì chính bản thân “thành phố trực thuộc Trung ương” là thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục loay hoay hết những thí điểm “cơ chế quản lý đặc thù” từ giai đoạn này chuyển sang giai đoạn kế tiếp như mới đây; và vẫn chưa thể có một tổng kết đầy đủ, là cần cụ thể những thay đổi gì về thể chế cho phù hợp với các cao vọng mà Đảng muốn đạt được khi nắm giữ độc quyền “quản lý toàn diện”…