Hoài Nguyễn
(VNTB) – Sau gần bốn ngày làm việc, phiên tòa hình sự sơ thẩm kết thúc phần tranh luận. Hội đồng xét xử tuyên bố nghị án kéo dài, sẽ tuyên án vào chiều 14-9 tới.
Phía công tố viên nhận định các bị cáo cơ bản đã thừa nhận về hành vi khiến ba chiến sĩ công an hy sinh. Công tố viên cũng khẳng định rằng quá trình điều tra đã thực hiện đúng pháp luật từ việc lấy lời khai, thu thập chứng cứ và các tài liệu liên quan. Chính vì thế, đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung của luật sư là không cần thiết.
Báo chí của nhà nước Việt Nam đều đồng loạt tường thuật rằng, “Nói lời sau cùng trước tòa, các bị cáo trong vụ án ở Đồng Tâm đều bày tỏ ăn năn, hối hận vì đã gây ra cái chết của 3 chiến sĩ công an, có người chắp tay cúi đầu xin lỗi gia đình bị hại”.
Như vậy, nếu diễn biến vào chiều 14-9 tuyên án, thì đến 30-9 là thời hạn cuối cùng cho xem xét các thủ tục tố tụng về yêu cầu phúc thẩm. Tình hình đến lúc này cho thấy rất có thể việc “chống án” nếu có, thì chỉ xảy ra đối với các bị cáo bị tuyên với khung án cao nhất. Với con số 2/29 bị cáo chống án, thì việc mở phiên phúc thẩm dường như khó lòng lật ngược tình thế, mặc dù cho đến lúc này những lập luận của luật sư bào chữa vẫn chưa được các công tố viên tranh biện thuyết phục, trong đó tiếp tục từ chối việc tổ chức thực nghiệm hiện trường được cho là gây nên cái chết trực tiếp cho ba chiến sĩ công an.
Trong lúc đó thì về mặt truyền thông, trên báo Công an Nhân dân – cơ quan thuộc Bộ Công an, lại có bài đăng ngay trong thời gian phiên tòa hình sự sơ thẩm vụ án Đồng Tâm, với chủ đích là sẵn sàng chính trị hóa bất kỳ ý kiến nào đi ngược lại với quan điểm buộc tội ở kết luận điều tra của công an, ở cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội – và đáng chú ý là hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cũng cùng quan điểm với công tố viên.
Chuyên mục “Chống diễn biến hòa bình” trên báo Công an Nhân dân có bài “Thủ đoạn tán phát “tuyên bố”, “kiến nghị” chống phá phiên tòa xét xử vụ án Đồng Tâm”, trong đó có đoạn hàm ý đe dọa chính trị hóa:
“Ngay trước thời điểm diễn ra phiên toà, trên mạng hải ngoại lan truyền bài viết được cho là của câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng (hội nhóm tự phát với sự tham gia của một số cá nhân bất mãn, chống phá Đảng, Nhà nước).
Bài viết tiêu đề “Chính quyền từ sai lầm đến tội ác”, đưa ra 10 điểm, vu cáo chính quyền sai lầm về chính sách ruộng đất và quản lý đất đai; sai lầm về việc cố tình chiếm 59 ha đất đồng Sênh của dân Đồng Tâm; sai lầm về công tác dân vận và thực thi pháp luật; sai lầm bịa đặt các kịch bản; quy kết thành “tội ác ép cung nhận tội trên tivi”; “tội ác ngăn cản sự cứu giúp nạn nhân và trợ giúp pháp lý”…
Bài viết còn đánh lận bằng những câu từ xảo trá, bịp bợm như: “Nay nếu các nhà lãnh đạo cũng dũng cảm nhìn thẳng vào bản chất của vụ án Đồng Tâm để ứng xử như vậy thì cứu vãn được phần nào lòng tin của dân để cùng đoàn kết vì những mục tiêu lớn lao, cấp bách của đất nước. Còn nếu như Đảng cứ tiếp tục dùng cường quyền để thắng dân bằng mọi giá thì sẽ gây thêm tội ác, càng thêm nỗi đau đớn, hận thù trong lòng dân với Đảng mà thôi”.
Cùng với đó, một số trang mạng này còn lan truyền “Tuyên bố lên án tội ác Đồng Tâm” vốn được tung lên từ hồi tháng 2/2020, nay xới lại. Bản “tuyên bố” không nói của tổ chức nào nhưng liệt kê danh sách “ký tên” đến thời điểm này gồm 16 tổ chức (thực chất là các hội nhóm tự phát) và 440 cá nhân, cả trong và ngoài nước.
Nhìn danh sách, dễ dàng nhận thấy những hội nhóm “nhẵn mặt” về trò đội lốt dân chủ, nhân quyền để chống phá đất nước lâu nay. Người viết bài này từng thử bốc máy gọi một cá nhân trong danh sách 440 người được nói là “ký tên” vào bản tuyên bố kia, bất ngờ phía đầu dây nói gọn lỏn: “Họ đưa tên tôi vào như thế tôi biết đâu, có ký tá cái gì” rồi cúp máy.
Xem thế đủ hiểu thủ thuật của những “ngọn cờ chính trị” này xảo trá đến độ nào. Xem mặt bắt hình dong, thật nực cười khi những đối tượng rắp tâm làm tổn hại đất nước, gây hậu hoạ cho dân lại giở giọng “dạy đời”, đưa ra những phán xét, những yêu cầu vốn là phẩm giá, lương tri con người.
Sau khi xảy ra vụ giết người, chống người thi hành công vụ và gây rối trật tự công cộng tại Đồng Tâm, trên mạng internet thông tin nhiễu loạn, trong đó rất nhiều thông tin giả mạo được tung ra nhằm gây tâm lý hoang mang, bất ổn trong xã hội.
Kẻ xấu lợi dụng, nhắm vào chỉ trích, miệt thị chính quyền, đả phá chế độ. Xuất hiện tràn lan những bài viết, bình luận rất lệch lạc, không phân biệt đúng sai, phải trái hoặc cố tình đánh lận, tạo ra luồng thông tin hỗn độn đẩy trạng thái người xem vào rối ren, hoang mang rồi bức xúc, phẫn nộ, mặc sức chửi bới, miệt thị…”. (dừng trích).
Dễ nhận ra là phía báo chí chuyên ngành công an đã chọn giải pháp đe dọa chính trị hóa cho một vụ án hình sự, qua đó mở rộng việc chụp chiếc mũ đe dọa sang cho cả các luật sư đang bào chữa các bị cáo ở vụ án Đồng Tâm.
Trong bối cảnh tranh tối – tranh sáng giữa các thế lực ngấp nghé tranh những chiếc ghế chóp bu ở kỳ đại hội lần thứ 13 của Đảng sắp diễn ra vào đầu năm 2021, thì có lẽ tâm lý thận trọng sẽ khiến các bị cáo ở vụ án Đồng Tâm ngần ngại đặt bút ký các thủ tục cho yêu cầu giám đốc thẩm.