Việt Nam Thời Báo

VNTB – Loại bỏ quyền tự do hướng đến công an trị

Châu Nam Việt

 

(VNTB) – Việc tước đi quyền giám sát này không chỉ làm suy yếu niềm tin của người dân mà còn tạo ra môi trường thuận lợi cho các hành vi sai trái, lạm quyền tiếp tục tồn tại một cách nhởn nhơ.

 

Trong bối cảnh Việt Nam đang trở thành một quốc gia công an trị về nhiều mặt, thì mới đây Bộ Công an Việt Nam đã ban hành thông tư về việc loại bỏ quyền giám sát cảnh sát giao thông (CSGT) của người dân bằng các thiết bị ghi âm, ghi hình. Sự việc này cảnh báo về một tương lai “không lạc quan” rằng nhà cầm quyền sẽ tiếp tục dùng công an đàn áp quyền tự do của người dân mạnh hơn…

Trước hết, việc giám sát các lực lượng chức năng, đặc biệt là CSGT, là yếu tố quan trọng để bảo đảm tính minh bạch và sự tuân thủ pháp luật. Đã có không ít trường hợp trong quá khứ cho thấy CSGT vi phạm các quy định, từ việc nhận hối lộ đến hành hung người dân. Ví dụ, vào năm 2021 trên mạng xã hội lan truyền 1 đoạn clip ghi lại cảnh một chiến sĩ CSGT đang nhận tiền mãi lộ. Ngay sau đó, đoạn clip được chia sẻ nhanh trên mạng xã hội gây rúng động dư luận và bức xúc cho xã hội.

Đoạn clip mô tả thượng úy CSGT cầm trên tay một xấp biên bản, đồng thời cầm vật giống tiền từ 1 người dân, sau đó còn trả lại khoản dư.(1) Clip này là bằng chứng quan trọng để tố giác hành vi trấn lột của CSGT. Nếu không có những bằng chứng ghi lại từ người dân, liệu những vụ việc như vậy có được phát giác và xử lý kịp thời hay không?

Trước khi thông tư mới được ban hành, người dân có quyền sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình để giám sát CSGT trong khi họ thực thi nhiệm vụ. Điều này không chỉ giúp ngăn ngừa các hành vi sai trái của lực lượng này mà còn bảo vệ người dân trước những tình huống bất công, đặc biệt trong trường hợp bị dừng xe kiểm tra một cách tùy tiện.

Việc loại bỏ quyền giám sát CSGT bằng các thiết bị ghi âm, ghi hình đặt ra nhiều lo ngại về tính khách quan và trách nhiệm của lực lượng này. Trong một xã hội mà các công cụ giám sát trở nên quan trọng để bảo đảm sự minh bạch, việc tước đi quyền này có thể khiến tình trạng lạm dụng quyền lực gia tăng. Việc người dân không còn quyền ghi hình làm bằng chứng cũng đồng nghĩa với việc họ mất đi khả năng tự bảo vệ mình trước các vi phạm của CSGT.

Một câu hỏi quan trọng đặt ra là: nếu người dân không thể sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình để giám sát CSGT, thì họ sẽ sử dụng phương tiện nào để thực hiện quyền giám sát này? Thực tế, việc giám sát các hành vi sai trái của lực lượng thực thi pháp luật không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của người dân trong một xã hội dân chủ. Không có cơ chế giám sát hiệu quả, thì sự lạm quyền và vi phạm sẽ càng dễ dàng xảy ra.

Một vấn đề khác mà dư luận lo lắng là nếu người dân vẫn tiếp tục quay clip các hành vi sai phạm của CSGT và đăng tải lên mạng xã hội, liệu họ có bị quy kết tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự hay không? Điều 331 thường bị chỉ trích là một công cụ mơ hồ, có thể dễ dàng bị sử dụng để áp đặt các hình phạt lên những người dám lên tiếng chỉ trích chính quyền hoặc các hành vi sai trái của lực lượng chức năng.

Một ví dụ điển hình là nhóm ba luật sư từng tham gia bào chữa vụ “Tịnh thất Bồng Lai” đã bị Công an tỉnh Long An truy tìm để điều tra theo Điều 331. Đến nay thì vẫn chưa ai biết 3 ông này làm gì mà bị quy kết vào tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ”. Hiện ba luật sư này gồm ông Đặng Đình Mạnh, ông Nguyễn Văn Miếng và ông Đào Kim Lân đã tị nạn tại Mỹ.

Hay vụ bà Nguyễn Phương Hằng nữ doanh nhân nổi tiếng là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam đã bị tuyên án 3 năm tù theo Điều 331, chỉ vì bà đã lên tiếng chỉ trích, phanh phui những vụ việc nghệ sĩ trục lợi tiền từ thiện. Đây là dấu hiệu cho thấy sự áp bức ngày càng rõ ràng hơn trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng trở thành một quốc gia công an trị.

Thay vì cấm người dân giám sát CSGT, nhà cầm quyền nên xây dựng cơ chế để khuyến khích sự minh bạch trong hoạt động của lực lượng này. Đồng thời phải có những biện pháp xử lý nghiêm minh và công bằng đối với các trường hợp CSGT vi phạm, thay vì chỉ xử lý qua loa hoặc thậm chí bao che như dư luận lo ngại. Các cơ quan chức năng cần cam kết với người dân rằng bất kỳ hành vi vi phạm nào cũng sẽ được xử lý công bằng, bất kể người thực thi là ai. Điều này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của người dân mà còn là công cụ giúp các cơ quan thực thi pháp luật giữ gìn uy tín và trách nhiệm của mình.

Sự minh bạch và trách nhiệm của lực lượng CSGT nói riêng và nhà cầm quyền nói chung chỉ có thể được đảm bảo khi có sự giám sát hiệu quả từ phía người dân. Việc tước đi quyền giám sát này không chỉ làm suy yếu niềm tin của người dân vào lực lượng thực thi pháp luật mà còn tạo ra môi trường thuận lợi cho các hành vi sai trái, lạm quyền tiếp tục tồn tại một cách nhởn nhơ.

 

_____________________

Tham khảo:

(1) https://vietnamnet.vn/xac-minh-clip-csgt-sai-gon-nghi-nhan-tien-mai-lo-434226.html

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Tham gia tổ chức “Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên” là “làm chính trị”?!

Do Van Tien

VNTB – “Tiền lệ Nguyễn Phương Hằng”

Do Van Tien

VNTB – Bà Nguyễn Phương Hằng vướng lao lý vì ‘tham mưu’?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.