Việt Nam Thời Báo

VNTB – Logistics hàng không ở Việt Nam không hấp dẫn đầu tư?

Thới Bình

 

(VNTB) – Hãng bay của ông Johnathan Hạnh Nguyễn xin dừng cấp phép.

 

Thuật ngữ Air Cargo trong logistics được hiểu là hàng hóa vận chuyển bằng máy bay hay còn được gọi là đường hàng không. Đây là phương thức mà hàng hóa có thể được chuyển bằng máy bay chuyên dụng (Cargo Aircraft). Hoặc có thể được chở trong khoang bụng của máy bay hành khách (Passenger Plane).

Sẽ trở lại thời điểm thích hợp (!?)

Công ty IPP Air Cargo vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng không với nội dung xin dừng cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

Cụ thể, văn bản do Tổng giám đốc IPP Lê Hồng Thủy Tiên ký nêu rõ doanh nghiệp xin rút toàn bộ hồ sơ xin phê duyệt cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không đã trình hồi đầu năm và dừng các hoạt động cấp phép bay theo quy định.

Hãng nêu lý do bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đang có diễn biến xấu, suy thoái toàn cầu ngày một hiện hữu, ngành vận chuyển hàng hóa toàn cầu sẽ gặp khó khăn do biến động giá nhiên liệu.

IPP Air Cargo cho biết khi thị trường thế giới ổn định trong tương lai, hãng sẽ cân nhắc trở lại vào thời điểm thích hợp và chấp nhận việc nộp lại hồ sơ xin cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không từ đầu.

Công ty cổ phần IPP Air Cargo được thành lập tháng 3/2021, gồm 4 cổ đông sáng lập. Trong đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn (Việt kiều quốc tịch Mỹ) là chủ tịch của IPP Air Cargo.

Theo nội dung hồ sơ, IPP Air Cargo xin thành lập hãng hàng không chuyên chở hàng hóa với vốn tối thiểu 300 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Liên Thái Bình Dương của ông Johnathan Hạnh Nguyễn góp 210 tỷ đồng, 3 cổ đông còn lại mỗi bên góp 30 tỷ đồng. Doanh nghiệp đã gửi kèm báo cáo phương án tăng vốn trong 3 năm đầu hoạt động do ghi nhận lợi nhuận âm.

Trước khi bất ngờ rút lui, IPP đã lên kế hoạch đưa vào khai thác 5 máy bay chở hàng gồm 3 chiếc Boeing 737-800F và 2 chiếc Boeing 777F, số lượng máy bay sẽ tăng dần theo từng năm để đảm bảo đến đến năm thứ 5 có 10 máy bay (7 chiếc Boeing 737-800F và 3 chiếc Boeing 777F) hoạt động.

Công ty đã hoàn tất thủ tục thuê 4 máy bay B737 800BCF của Boeing. Với đơn hàng thuê này, một chiếc đã xuất xưởng ngày 25/7, hai chiếc tiếp theo sẽ được bàn giao vào tháng 12/2022 và chiếc thứ tư sẽ bàn giao vào tháng 2/2023. Ngoài ra, trong năm 2024-2025, hãng sẽ đặt mua 10 máy bay B777 Freighter thân rộng cũng từ Boeing với tổng giá trị 3,5 tỷ USD.

Những chiếc máy bay mang logo IPP Air Cargo đã được xuất xưởng và chuẩn bị bàn giao về Việt Nam. Ngoài ra còn 3 chiếc khác đang được lắp ráp, dự kiến cuối năm 2022 xuất xưởng. 

Phương án kinh doanh của IPP Air Cargo là khai thác vận tải hàng hóa trên mạng đường bay nội địa kết nối trung tâm sản xuất như Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Tây Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh… với trung tâm trung chuyển hàng hóa Hà Nội, TP.HCM để kết nối quốc tế khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á, châu Âu…

Ngày 29/3/2022, Bộ Giao thông vận tải có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho IPP Air Cargo.  

Thị trường logistics ngành hàng không của Việt Nam hiện nay?

Ông Đào Trọng Khoa, phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Logistics Việt Nam, có đánh giá như sau: Logistics là xương sống của thương mại quốc tế, trong đó logistics hàng không đóng vai trò rất quan trọng, dù ở Việt Nam chỉ vận chuyển khoảng 2% số lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, nhưng có giá trị hơn 25% tổng giá trị do đối tượng vận chuyển là hàng hóa có giá trị cao như hàng thời trang, điện thoại, điện tử, hàng tươi sống, hàng mẫu, hay phục vụ cho các chuỗi cung ứng just-in-time (Đúng sản phẩm – đúng số lượng – tại đúng nơi – vào đúng thời điểm cần thiết),…

Logistics hàng không ở Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng. Thông thường, mức tăng trưởng của ngành hàng không sẽ ở mức 1,5 lần so với mức tăng của GDP và với Việt Nam thì thị trường logistics, trong đó có logistics hàng không có mức tăng trưởng khoảng 14 – 16%/năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp logistics hàng không nước ngoài đang nắm ưu thế trong lĩnh vực này tại Việt Nam.

“Trong 8 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng 15,5%, dự kiến kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 sẽ đạt kỷ lục 800 tỷ USD, theo đó là mức tăng tương ứng của thị trường logistics. Cùng với đó, logistics hàng không có sự tăng trưởng mạnh mẽ, tổng sản lượng hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022 đạt 651 ngàn tấn, tăng 6,8% so cùng kỳ năm 2021 và tăng 7% so cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, thị phần của doanh nghiệp logistics Việt Nam trong lĩnh vực này còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 10-12%” – ông Đào Trọng Khoa dẫn chứng các số liệu.

Theo ông Khoa, “chúng ta đang hội nhập, hiệp định bầu trời mở ASEAN đã có hiệu lực, việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, tầm nhìn 2025 cũng sắp đến gần, nếu chúng ta không làm thì sẽ nhường sân chơi cho các doanh nghiệp ASEAN khác.

Bên cạnh sự chủ động vào cuộc của doanh nghiệp, Nhà nước phải có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn nắm lấy cơ hội này để phát triển dịch vụ logistics hàng không, vươn lên tầm cao thế giới”.

…Như vậy xem ra việc rút lui khỏi thị trường Việt Nam của dự án IPP Air Cargo có ẩn tình gì đó đàng sau văn bản mà Tổng giám đốc IPP Lê Hồng Thủy Tiên ký.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – “Có tiền mua chi cũng được”

Bùi Ngọc Dân

VNTB – ‘Phiên bản Việt Á’ với cây sâm Ngọc Linh đang bắt đầu

Do Van Tien

VNTB – Kinh tế quốc doanh ở Việt Nam sẽ theo khuôn mẫu Trung Quốc?

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo