Hoài Nguyễn
(VNTB) – Vụ án “Nhóm Hiến Pháp” là cách gọi ‘bình dân hóa’ trong một vụ án có tội danh bị truy tố là “Phá rối an ninh” theo điều 118 Bộ luật Hình sự hiện hành.
Nội dung Cáo trạng dài 29 trang ngày 27/11/2019 của Phòng 01 Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM viết rằng:
“Khoảng đầu năm 2018, trên các trang mạng xã hội xuất hiện một số người sử dụng các tài khoản Facebook có tên là (…) lập các diễn đàn phổ biến, làm cho người nghe hiểu sai lệch về nội dung các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình,… được quy định tại Điều 25 Hiến pháp (nước CHXHCNVN), nhằm kêu gọi người dân xuống đường tham gia biểu tình đòi quyền tự do dân chủ, quyền tự quyết” (trang 1).
“Trong khi thực hiện hành vi, các bị can tập họp nhau lại thành một nhóm, tổ chức 02 cuộc họp để lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ, kêu gọi tài trợ, chuẩn bị công cụ, phương tiện là hung khí, công cụ hỗ trợ, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng để tổ chức một cuộc biểu tình dự kiến vào ngày 04/9/2018 mang tính chất bạo động, gây bạo loạn với mục đích gây mất trật tự xã hội, an ninh chính trị nhằm chống phá chính quyền Nhà nước Việt Nam, nhưng các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn” (trang 20).
Danh mục các vật chứng thu giữ trong vụ án, đáng chú ý là 36 roi điện tự chế, 03 cuốn sách ‘Chính trị bình dân’, 01 cuốn Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ và 02 cuốn Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Theo nhóm luật sư bào chữa cho các bị cáo, một trong các hoạt động của nhóm này là mua sách in bản Hiến Pháp năm 2013 của Nước CHXHCN Việt Nam phân phát cho công chúng để họ biết các quyền hợp pháp của mình. Do đó, nhóm thường được công chúng và ngay cả cơ quan điều tra gọi là “Nhóm Hiến Pháp”.
Bài viết này không lạm bàn về nội dung vụ án, mà chỉ muốn đặt vấn đề: Luật Hiến pháp có dễ ‘bình dân hóa’ trong tuyên truyền?
Có thể trả lời ngay là rất khó để ‘bình dân hóa’ luật Hiến pháp. Lý do, luật Hiến pháp là một ngành luật được giảng dạy trong các trường luật. Đây là một môn khoa học pháp lý chuyên ngành, đồng thời là môn học nền tảng để giúp các sinh viên luật có kiến thức, kỹ năng và phẩm chất để học các môn học luật khác.
Giáo trình về luật Hiến pháp mà sinh viên trường luật đang được học, gồm có 12 chương cụ thể như sau:
Chương I: Những vấn đề chung về luật Hiến pháp; Chương II: Hiến pháp – đạo luật cơ bản của mỗi quốc gia; Chương III: Hiến pháp Việt Nam – đạo luật cơ bản của Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Chương IV: Hình thức Nhà nước Việt Nam; Chương V: Chế độ kinh tế, chính sách văn hóa – xã hội, an ninh và quốc phòng; Chương VI: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Chương VII: Chế độ bầu cử; Chương VIII: Quốc hội; Chương IX: Chủ tịch Nước; Chương X: Chính phủ; Chương XI: Tòa án nhân dân; Chương XII: Chính quyền địa phương.
Trên thực tế để ‘bình dân hóa’ luật Hiến pháp trong việc diễn giải, với mục tiêu giúp người dân am tường theo cách tối giản nhất, là phải cần đến giới chuyên môn luật học. Khi diễn giải luật Hiến pháp thiếu rõ ràng và đặc biệt là lúc ‘suy diễn cảm tính’ về những quyền vẫn quen gọi là Hiến định, dễ dẫn tới việc cảm xúc bị kích động khiến người ta dễ có những phát ngôn, hành động của dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Đơn cử, Hiến pháp 2013, điều 25, ghi: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Cụm từ “do pháp luật quy định” có nghĩa là tuân theo những quy định thuộc về pháp luật khi đã có hiệu lực, chứ không phải tuân theo những gì chưa có. Bởi thế cho nên đương nhiên công dân có quyền biểu tình ngay cả khi chưa có luật, hay không có luật về biểu tình.
Mà Việt Nam thì vẫn chưa có luật biểu tình.
Lâu nay, những vấn đề liên quan đến quyền biểu tình đang được điều chỉnh bởi một số văn bản pháp luật, bao gồm: Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Nghị định số 38/2005 ngày 18/3/2005 của Chính phủ Quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng; Thông tư số 09/2005 ngày 5/9/2005 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 38/2005, trong đó trực tiếp và quan trọng nhất là Nghị định số 38/2005 và Thông tư số 09/2005. Mặc dù nội dung của hai văn bản pháp luật này không trực tiếp đề cập đến quyền biểu tình, tuy nhiên, các quy định về tập trung đông người ở nơi công cộng chính là điều chỉnh một số vấn đề về biểu tình.
Như vậy, trong trường hợp khi tiếp tục bảo thủ quan điểm, ‘Cụm từ “do pháp luật quy định” có nghĩa là tuân theo những quy định thuộc về pháp luật khi đã có hiệu lực, chứ không phải tuân theo những gì chưa có. Bởi thế cho nên đương nhiên công dân có quyền biểu tình ngay cả khi chưa có luật hay không có luật về biểu tình’, cho thấy sẽ dễ vấp cáo buộc từ cơ quan quản lý Nhà nước được được điều chỉnh bởi Nghị định số 38/2005 ngày 18/3/2005 – mặc dù nghị định này chưa điều chỉnh nhiều vấn đề liên quan đến biểu tình.
Từ ví dụ ở trên cho thấy, lằn ranh ‘dân sự’ trong tuyên truyền, phổ biến luật Hiến pháp, khi bình luận về điều nào đó của luật Hiến pháp, mà ‘quên’ đặt trong bối cảnh ‘12 chương của Giáo trình về luật Hiến pháp’, sẽ dễ đưa đến sự kích động và hệ lụy của cáo buộc ‘hình sự’.
Dĩ nhiên trong vấn đề về ‘quyền biểu tình’, rất cần xem xét trách nhiệm trong ‘làm luật’ của Quốc hội. Do hiện tại chưa có luật chuyên ngành điều chỉnh nên việc thực hiện quyền biểu tình của công dân vẫn chưa được thực thi. Quốc hội Việt Nam phải có được những quy định rõ ràng, cụ thể, làm sao để đảm bảo được quyền công dân, lại không bị các thế lực đối lập dựa vào quyền này mà gây mất trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc gia.
***
Việt Nam có cả rừng luật và người ta vẫn thích xài ‘luật rừng’
Nguyễn Trang
Sinh tiền, bà luật sư Ngô Bá Thành từng để đời với câu “Ở Việt Nam ta đã có cả một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng!”. Ý của bà Ngô Bá Thành là để nói về sự phức tạp và tính tuân thủ kém của hệ thống pháp luật Việt Nam.
Trên báo chí bắt gặp rất nhiều bài báo đề cao vai trò của pháp luật, về tuyên truyền pháp luật đến người dân… Đây là những phương châm hoàn toàn đúng đắn, thế nhưng để thực hiện chúng lại không phải là việc đơn giản.
Thứ nhất, chúng ta không thể suốt ngày ra rả về “Tuyên truyền pháp luật” nhưng lai không bàn ra một phương pháp để làm việc đó hiệu quả. Hiện nay, pháp luật của chúng ta khá phức tạp, chồng chéo, khó hiểu, ngay đến bản thân một cử nhân luật hồi mới ra trường như tôi, còn từng không lường trước được những rủi ro pháp lý tiềm ẩn khi áp dụng, không dám đảm bảo mình nắm đúng, đủ về một vấn đề cụ thể.
Vậy chúng ta sẽ tuyên truyền bằng cách nào để chỉ qua thời gian ngắn đó mà người dân có thể hiểu, nắm bắt được vấn đề? Đọc các điều luật, các quy định pháp luật trong các văn bản cho người dân biết sao?
Tôi đảm bảo rằng họ sẽ chẳng hiểu được bạn đang nói gì đâu. Do vậy bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền thì phương pháp tuyên truyền đóng vai trò rất quan trọng. Chúng ta phải tìm ra những vấn đề thực sự quan trọng, đúng sự quan tâm của người dân; tìm ra cách giải thích đơn giản nhất, dễ hiểu nhất cho họ… chúng ta phải tìm ra được đúng phương pháp đối với từng đối tượng, chỉ khi đó pháp luật mới có thể thực sự đi đến quần chúng nhân dân được.
Thứ hai, việc làm nay cần tiến hành thường xuyên, lâu dài và có trọng điểm. Chúng ta cần tổ chức liên tục với một định hướng rõ ràng. Từng bước, từng bước tiếp cận, đưa pháp luật vào cuộc sống hàng ngày của người dân, tập cho họ thói quen “sống và làm việc theo pháp luật”, giúp họ hiểu rằng pháp luật liên quan và tồn tại trong hầu hết các sinh hoạt cuộc sống của chúng ta để họ có cái nhìn thực sự đúng đắn, chuẩn xác.