(VNTB) – Một thất vọng không bình thường có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng và sự tự tin, có những ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến tinh thần, động lực và sự phát triển cá nhân của vận động viên
Trận chung kết nhóm tuổi 11-12 ở Giải Karate Năng khiếu trẻ TPHCM 2024 ngày 18.8, từ tố cáo gian lận điểm thi của cha VĐV T.M (sinh năm 2013) tiếp tục nóng dư luận với những ý kiến trái chiều trong lẫn ngoài nước
Tổ trọng tài khẳng định làm đúng. Tổ giám sát chuyên môn của giải cũng nói các trọng tài làm đúng chuyên môn. Và chiều 26-8, “tổ trọng tài độc lập” (thuộc Liên đoàn Karate TP.HCM) cũng nói các trọng tài xử lý đúng. Trước đó, bà Ngọc Phượng, trưởng bộ môn Karate TP.HCM khẳng định chuyện nội bộ của đơn vị Tân Bình, bà hoàn toàn không biết, còn tổ trọng tài làm đúng luật thi đấu karate và điều lệ giải.
NGƯỜI LỚN BẤT MINH
Kết luận ấy khác với nhận định của tám đại võ sư, võ sư Karate ở Mỹ, Đức, Úc và trong nước khi coi clip đấu đã lên tiếng, cho là VĐV xanh (T.M) trội hơn, cả về ý chí, tư thế tấn công lẫn kỹ thuật ra đòn. Nhận định của tám vị này không khác cảm nhận của đa số dư luận, kể cả những người không rành về võ thuật.
HLV Gia Như là người trực tiếp huấn luyện bé T.M cho biết không nghe HLV Mộng Tâm chỉ đạo nhường huy chương mà chỉ nghe HLV Mộng Tâm nói “có vào thi đấu cũng thua” sau khi phụ huynh bé T.M phản đối thông báo bé T.M bỏ cuộc vì chấn thương.
HLV Nguyễn Thị Mộng Tâm đã bị xác định là không trung thực, vi phạm điều lệ giải khi tự ý thông báo VĐV bị chấn thương, bỏ cuộc ở Giải Karate Năng khiếu trẻ TP.HCM 2024.
Giám đốc trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT TP.HCM (đơn vị quản lý các môn thi đấu thể thao TPHCM) Lý Đại Nghĩa cho biết HLV trưởng đội karate Tân Bình, bà Mộng Tâm giải trình rằng phát biểu của HLV này xuất phát từ chỗ xem xét chuyên môn của VĐV T.M chứ không xuất phát từ động cơ khác”.
Sự việc coi như đã “làm rõ”, đúng như dư luận chung đã nghĩ nó sẽ như thế. Thế cuộc coi như đã được “an bài” trước cuộc gặp sáng 27-8 diễn ra giữa ông Lý Đại Nghĩa – giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao HCM và anh Mạnh Dương – cha bé T.M.
Tại đây, theo anh Mạnh Dương đăng công khai trên Facebook mình trưa 27-8, các thông tin chính thống mà trung tâm điều tra được gồm có:
- Chị Tâm không thừa nhận phát ngôn nhường huy chương cho quận Bình Thạnh. Chỉ thừa nhận: Là người báo trọng tài tổng là VĐV T.M chấn thương và có phát ngôn “Nếu cho đánh thì cũng thua”. Theo chị, với năng lực chuyên môn, chị nhận định bé T.M thua kém đối phương, đánh có thể gặp chấn thương; bé T.M là võ sĩ thiên về biểu diễn chứ không phải đối kháng.
- Tổ trọng tài, chỉ dựa vào thông báo chủ quan của huấn luyện viên Mộng Tâm đã công bố VĐV T.M chấn thương, bỏ cuộc là quá vội vàng, không đúng quy định.
CON TRẺ LÃNH ĐỦ
Khó mà nói những câu nói “kỳ lạ” và hành vi sai quy định này không phải là nguồn cơn của những lùm xùm sau đó, cho tới tận hôm nay – với những người lớn lẫn thiếu nhi tham gia giải đấu và cả dư luận “phừng phừng” bên ngoài giải đấu thật ra không lớn, mang tính năng khiếu và nội bộ này. Không thể không nói đến tác động tâm lý tới một VĐV bình thường, huống chi đây là một bé gái 11 tuổi.
Những tấm huy chương được “người lớn” trao đã không thay đổi vị trí các bé nhận. Dù tất nhiên, không chỉ bé T.M, những lùm xùm trong giải rõ ràng đã để lại dấu ấn khó quên trong trí óc non nớt của những cô bé, cậu bé tham gia giải, có huy chương hay không. Em nhận huy chương không vui trọn vẹn đã đành, em nghĩ là mình bị gian lận huy chương chắc chắn sẽ ngơ ngác khi tấm huy chương vàng vuột khỏi tầm tay. Ngay sau trận đấu, ba bé T.M đã vội đưa con mình ra khỏi khuôn viên thi đấu, dù cháu muốn nán lại để nhận huy chương vàng Kihon mà trước đó bé đã đoạt được. Bé ứa nước mắt. Khóc…
Tối hôm đó, trong giấc ngủ, bé T.M giãy dụa, vung tay đạp chân vào người cha bên cạnh. Ẩn ức tuổi thơ của bé có lẽ sẽ nhớ mãi ngày này: ngày mình thi đấu đầy cố gắng tuổi thơ và bị dự đoán thua ngay trước trận.
Một giải đấu thiếu nhi, bất kể thể dục thể thao hay học tập, mục tiêu lớn nhất của nó hoàn toàn khác với các giải đấu của thanh niên, người lớn (với mục tiêu chính giành huy chương): yêu cầu giáo dục tinh thần và ý chí vượt lên chính mình để khẳng định chính mình – từ những bước chập chững vào đời của tuổi nhi đồng, tuổi thiếu niên. Không phải là những tấm huy chương mà là niềm tin vào cuộc đời, niềm tin vào sự công chính và lẽ phải. Để các em thương yêu cuộc đời và tự tin bước vào đời thẳng thớm.
Vậy các em đã học được gì từ ứng xử của người lớn, những người tổ chức và điều hành giải ra sức tìm chứng cứ để chứng minh mình đúng? Bé T.M đã học được gì từ HLV trưởng đoàn mình khi bà tự ra thông báo bỏ cuộc, không cho bé vượt lên chính mình đấu trận chung kết vì “sợ chấn thương”. Bé T.M đã học được gì ở HLV trực tiếp huấn luyện mình không một ý kiến bảo vệ mình trước, trong và sau trận đấu? Để mặc đúng/sai, hay/dở của bé trôi theo, bị cuốn theo “dòng đời” của người lớn? Như người vô can…
Người lớn đã, đang và sẽ tìm đủ cách để chứng minh mình đúng luật đấu với một trẻ em. Trong khi cái các em cần và cũng là mục tiêu hướng tới, mục đích cuối cùng của một giải đấu thiếu niên – nhi đồng là luật của chia sẻ, luật của yêu thương trong niềm công chính – chứ không phải giành giựt huy chương bằng mọi giá, bằng luật.
Đại võ sư (grandmaster) Nguyễn Hằng Minh (cửu đẳng huyền đai Karate, Trưởng Liên đoàn Karate Shotokan – Shorin-ryu thế giới/International Karate Shotokan – Shorin-ryu kabudo federation IKSSKF – Liên đoàn/tổng đàn Karate đầu tiên trên thế giới do người Việt Nam sáng lập, trụ sở ở Mỹ; có thành viên ở hơn 60 nước) cho rằng: “Khi xét đến khía cạnh giáo dục thanh thiếu niên từ góc nhìn của một giải đấu Karate có thể tác động đến giáo dục thanh thiếu niên và các bài học có thể được rút ra như sau: Các em phải được công nhận đúng mức cho sự nỗ lực và kỹ năng của mình; sự công bằng trong thi đấu phải được duy trì để đảm bảo rằng tất cả các em đều có thể phát triển toàn diện và đạt được hết tiềm năng của mình. Một thất vọng không bình thường có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng và sự tự tin, có những ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến tinh thần, động lực và sự phát triển cá nhân của vận động viên”.
“Cái chính không phải là huy chương mà là sự chia sẻ, tình yêu thương của gia đình mình đã dành cho nhau, ít nhất trong những ngày này” – tôi chia sẻ cùng cha bé T.M. Anh Mạnh Dương gật đầu: “Tôi cũng nghĩ vậy. Mấy ngày nay, tôi đưa cháu đi chơi cho khuây khỏa, không để cháu lên mạng đọc những thông tin này nọ, kẻo cháu lại khóc…”.
Trẻ thơ quên rất nhanh. Nhưng tôi nghĩ giải đấu này sẽ theo cháu mãi. Như bao nhiêu trẻ em đã từng dự bao nhiêu giải năng khiếu lâu nay và sắp tới, có nụ cười hân hoan và có cả giọt nước mắt ứ nghẹn – thay vì chỉ là nụ cười và ánh mắt hồn nhiên trẻ thơ được là chính mình.
Giọt nước mắt ứ nghẹn ấy liệu có khô cạn, vô cảm giữa dòng đời mai sau về niềm tin, về sự trong sáng, fair – play của thể dục thể thao để có thể sẽ là những trận đấu ma mãnh, bán độ, gian ngoan… như chúng ta thường thấy lây nay?
Buồn thay, tiếc thay và đau lòng thay!
(Chưởng môn đời thứ 4 Karate Shorin-ryu VN; đại võ sư/grandmaster – Shihan bát đẳng huyền đai, Liên đoàn Shorin-ryu Karate Kobudo Quốc tế ISKKF- Mỹ; thành viên Liên đoàn International Karate Shotokan – Shorin-ryu Kabudo Federation IKSSKF – Mỹ; nguyên thư ký ban chấp hành đầu tiên Hội Karate-do TP.HCM 1987-1988)