Trường Sơn
(VNTB) – Luật sư Hà Mạnh Huy, một trong ba người bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Kiên cho rằng cần thay đổi tội danh với thân chủ của ông.
“Kiên nhận tiền là có thật nhưng thẩm quyền cấp phép chuyến bay có phải của Kiên không?”, luật sư kiến nghị cơ quan tố tụng, chỉ xem xét thân chủ về tội “Lợi dụng ảnh hưởng người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”, thay vì “Nhận hối lộ”.
Theo luật sư, để thỏa mãn tội Nhận hối lộ, Kiên cần phải là người có chức vụ quyền hạn, trực tiếp làm theo yêu cầu của người đưa tiền. Nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của Kiên và nhóm 21 quan chức nhận hối lộ nói chung, là bất cập trong xét duyệt thẩm định và cấp phép chuyến bay, có sự chồng chéo, không rõ ràng.
Tại Bộ Y tế, thẩm quyền ký duyệt, trả lời các đơn vị liên quan, tất cả do thứ trưởng ký, Kiên không hề, không thể can thiệp đến nội dung các văn bản này. Do đó không thể thỏa mãn các yếu tố tội Nhận hối lộ.
Luật sư nói trong 42,6 tỷ đồng Kiên bị cáo buộc nhận, có 15 tỷ đồng tự nguyện khai, khi “hồ sơ chưa có gì”, hiện nay cũng chưa xác định được ai đưa. Cho rằng việc khai nhận số tiền này rõ ràng bất lợi song thân chủ vẫn làm, luật sư đề nghị Viện kiểm sát xét thêm tình tiết tự thú, thành khẩn.
Tự bào chữa sau đó, bị cáo Kiên thừa nhận hành vi phạm tội là đúng nên rất ăn năn hối cải, xin phép gửi lời xin lỗi đến Đảng, Nhà nước. Từ khi khởi tố vụ án, Kiên chủ động khai báo.
Cùng mạch pháp lý khai thác trên, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quang Linh, cựu trợ lý phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, luật sư Nguyễn Duy Nguyên lập luận: Cả quy trình xin cấp phép chuyến bay và thẩm quyền xét duyệt, bị cáo không có quyền quyết định. Bởi khi hồ sơ doanh nghiệp đến tay ông Linh đã được các đơn vị có thẩm quyền phê duyệt.
Trong việc cấp phép tổng 28 chuyến bay cho doanh nghiệp, luật sư cho rằng không chứng cứ nào chứng minh ông Linh có tác động đến xét duyệt hồ sơ. Ông Linh chỉ tư vấn “mang tính chất cá nhân”, về mặt hình thức văn bản, ngôn ngữ trình bày, để phù hợp với văn phong trình lên Văn phòng Chính phủ.
Khi nhận tiền, luật sư cho rằng ông Linh không hứa hẹn hoặc thỏa thuận trước, đòi hỏi hay o ép gì. “Lúc đó bị cáo Linh nhận thức đơn giản là cứ giúp đỡ tận tâm, nhiệt tình, chu đáo, họ làm ăn tốt sẽ nhớ đến mình. Khi có quà cảm ơn của doanh nghiệp, ông Linh đã nhận, không nhận thức được là vi phạm pháp luật”, luật sư nêu.
Theo nguyên tắc suy đoán vô tội, giả dụ như chấp nhận về lập luận từ phía các luật sư bào chữa, khi ấy hàng loạt thắc mắc cụ thể sau đây cần phải lý giải, bằng không phiên tòa sẽ đi vào ngõ cụt, và các phán quyết sẽ dễ là “án bỏ túi”:
Không có chủ trương triển khai chuyến bay combo thì không có vụ án này.
Một, đã cấm bay thương mại, sao lại ‘thương mại hóa’ chuyến bay giải cứu? Tin tức còn lưu trữ trên mạng xã hội cho biết, ngày 1 tháng 12 năm 2020, kết luận cuộc họp về Covid-19, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tạm dừng các chuyến bay thương mại, chỉ thực hiện “chuyến bay giải cứu”.
Hai, đến khi vụ án được khởi tố người dân mới biết song hành với “chuyến bay giải cứu” còn có chuyến bay combo mà “chuyến bay combo” không khác gì chuyến bay thương mại.
Ba, chuyến bay combo chỉ khác ở chỗ ‘xin – cho’, đầu mối là Cục lãnh sự bộ Ngoại giao và 5 bộ liên quan cùng với địa phương nơi cơ sở cách ly. Muốn ‘cho’ thì phải xin và ‘cảm ơn’ bằng tiền tỷ đúng như lời khai của các bị cáo.
Bốn, vì sao Quảng Nam có tên trong chuỗi cung ứng này? Nếu so sánh với ‘hàng xóm’ là Đà Nẵng sẽ thấy chọn Quảng Nam là quá khó hiểu vì mọi điều kiện thực hiện cách ly đều kém xa…
Tóm lại, cần làm rõ việc ai ký chủ trương chuyến bay giải cứu có thu phí, còn gọi là “chuyến bay combo” với phân chia đều quyền lực cho 5 bộ và chính phủ?