Việt Nam Thời Báo

VNTB- Luật về Hội có nhằm trấn áp các tổ chức xã hội dân sự độc lập?

Bà Ngân yêu cầu khi Luật về hội được ban hành, phải chấm dứt tình trạng các hội không tự chủ về kinh phí hoạt động. Ảnh: VPQH
Ngày 22/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội “bất ngờ” cho ý kiến vào dự thảo Luật về Hội. Kết thúc cuộc họp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng “bất ngờ” cho rằng dự thảo Luật đã đủ điều kiện để trình ra Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 vào tháng 10 tới.
Tâm thế của giới lãnh đạo Việt Nam là khó đoán định và quá khó lường, đặc biệt liên quan thiết thân đến những quyền dân như quyền tự do lập hội.
Thậm chí bà Ngân còn nhắc lại một giai điệu nhàm cũ của nhiều lãnh đạo “không để nợ dân lâu hơn nữa”.
Cần nhắc lại, điều mà giới lãnh đạo luôn ra rả về “món nợ với dân” thực ra đã kéo dài suốt từ Hiến pháp năm 1992, tức suýt soát một phần tư thế kỷ.
Từ năm 2013, dự thảo Luật về Hội mới được một số quan chức nhắc đến, tiếp sau tiến trình “bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ”. Cứ mỗi năm, giới quan chức quốc hội từ Nguyễn Sinh Hùng đến Nguyễn Hạnh Phúc lại nhắc lại hứa hẹn sẽ cho ra đời Luật lập Hội (đây là cái tên “nguyên thủy” của luật này) càng sớm càng tốt. Nhưng trong khi người dân tiếp tục chờ dài cổ thì vẫn không thấy tăm hơi bóng dáng Luật về Hội ở đâu.
Tuy nhiên, điều có vẻ đáng ngạc nhiên là tin tức “sắp thông qua Luật về Hội” xuất hiện mới đây, trong khi chỉ mới vào đầu tháng 9/2016, khi công bố chương trình làm việc của Quốc hội kỳ họp 2, không có thông tin cụ thể nào về dự thảo Luật về Hội sẽ được đưa ra để xem xét. Thậm chí còn có tin ngoài lề cho biết chính chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là người “chống”  Luật về Hội.
Đang có những nghi ngờ lớn từ phía các tổ chức xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam đối với động thái bất ngờ muốn thông qua Luật về Hội của Quốc hội.
Một số nhà đấu tranh dân chủ nghi ngờ rằng việc chuẩn bị dự thảo để ban hành Luật về Hội tới đây của chính quyền là âm mưu để họ lập ra những tổ chức hội đoàn được họ công nhận nhằm loại bỏ các tổ chức xã hội dân sự. Do đó cần phải phản biện mạnh mẽ về vấn đề này, dựa trên Công ước, Điều ước mà Việt Nam đã tham gia ký kết với quốc tế và chính Hiến pháp của họ.
Quan trọng nhất là các văn bản pháp luật đều khẳng định nếu pháp luật Việt Nam có quy định khác với các Công ước, Điều ước quốc tế mà VN đã tham gia ký kết thì thực hiện theo các Công ước, Điều ước quốc tế. Điều 119 quy định: ” Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp”. Từ đó dẫn chiếu ra các hiến định về quyền làm chủ của công dân, quyền con người, các quyền tự do dân chủ, không bị phân biệt đối xử …. Các quy định mập mờ trong Dự thảo Luật về Hội đều có nội dung trái với Công ước, Điều ước quốc tế và hiến định.
Đặc biệt là các quy định mập mờ tại Điều 8 về các hành vi bị nghiêm cấm, các quy định tại Điều 9 về các lĩnh vực hoạt động trùng lắp sẽ là trở ngại lớn cho các tổ chức xã hội dân sự độc lập. Đây chính là những kẽ hở, nếu luật này được Quốc hội thông qua thì họ sẽ công nhận các tổ chức quốc doanh trùng tên và trùng lắp trong lĩnh vực hoạt động với các tổ chức xã hội dân sự độc lập. Nếu sau đó chính quyền sẽ dùng các tổ chức quốc doanh này kiện các tổ chức độc lập về tranh chấp tên và lĩnh vực hoạt động thì mọi chuyện sẽ hài hước ra sao ?
Lê Dung / SBTN

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.