Phương Thảo dịch (VNTB) – Từ mô hình Singapore, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tìm ra được đường lối thay thế. Đó là lựa chọn việc kết hợp giữa cải cách và chủ nghĩa độc đoán để hình thành một nước Trung Quốc ngày nay như ai cũng đã đều biết.
Lý Quang Diệu trong ngày đắc cử thủ tướng Singapore |
Ảnh hưởng của Lý Quang Diệu đã giúp hình thành nên một nước Trung Quốc ngày nay.
Cùng với sự ra đi của Lý Quang Diệu thủ tướng đầu tiên của Singapore và là một trong những nhà chính trị châu Á có tầm ảnh hưởng lớn nhất, các nhà lãnh đạo và báo chí khắp thế giới đã cùng có ý kiến khác nhau về di sản của ông. Với phương Tây, việc phân tích về ảnh hưởng của Lý Quang Diệu khá phức tạp; ví dụ như tờ Bưu Điện Washington, gọi ông là “nhà độc tài được ưa chuộng nhất của thế giới dân chủ.” Nhưng ở Trung Quốc thì lại có những lời tốt đẹp hơn nhiều khi mà mô hình pha trộn giữa sự cai trị độc đoán và cải cách kinh tế của ông Lý đã tạo ra được tầm ảnh hưởng lớn ở đây.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố vào ngày 23 tháng 3 rằng “Trung Quốc bày tỏ lòng thương tiếc sâu sắc với sự ra đi của ông Lý Quang Diệu.” Bản tuyên bố này đã đề cao ông Lý là “một nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng đặc biệt ở châu Á và là một nhà chiến lược đã cụ thể hóa các giá trị phương Đông và tầm nhìn quốc tế.”
Với Trung Quốc, sự đề cao này chưa hẳn đã đánh giá đúng tầm quan trọng của ông Lý. Sau cái chết của Mao Trạch Đông, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh biết rằng tư tưởng Mao không phải là con đường tiến lên của Trung Quốc, nhưng họ lại không thể dung nạp được các chuẩn mực phương tây về dân chủ và kinh tế thị trường tự do. Từ mô hình Singapore, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tìm ra được đường lối thay thế, một đường lối mà họ có thể xem như là phù hợp với đặc thù của các giá trị Á Đông. Đó là lựa chọn việc kết hợp giữa cải cách và chủ nghĩa độc đoán để hình thành một nước Trung Quốc ngày nay như ai cũng đã đều biết.
Di sản Lý Quang Diệu ở Trung Quốc?
Jin Canrong thuộc trường đại học Renmin phát biểu vơi tờ Nhật Báo Trung Quốc rằng đóng góp lớn nhất của Lý Quang Diệu đối với Trung Quốc là “chia sẻ kinh nghiệm cai trị thành công của Singapore.” Trong quyển tiểu sử Đặng Tiểu Bình, Ezra Vogel có viết công cuộc cải cách lớn của Trung Quốc đã được lấy cảm hứng từ tấm gương Singapore. Tập Cận Bình cũng đã từng nói rằng tiến trình hiện đại hóa của Trung Quốc đã được định hình bởi đội ngũ hàng ngàn viên chức Trung Quốc sau một thời gian đến Singapore để học hỏi về mô hình của ông Lý… Bản thân ông Lý cũng đã đến Trung Quốc hơn 30 lần để gặp gỡ các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ Mao Trạch Đông cho đến Tập Cận Bình để đưa ra ý kiến cố vấn.
Có lẽ di sản lớn nhất mà ông Lý để lại cho Trung Quốc không phải đơn giản chỉ là việc cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình mà là ý tưởng về việc cải cách và thích nghi là một tiến trình liên tục. Năm 2007, trong một cuộc phỏng vấn của tờ Thời Báo New York , ông Lý đã tuyên bố “Singapore nắm lấy điều thực tiễn chứ không phải điều lý tưởng:” Cách này có hiệu quả hay không? Nếu có hiệu quả, thì hãy thử thực hiện. Nếu hiệu quả tốt, vậy thì tiếp tục triển khai. Nếu cách đó không có hiệu quả, vậy thì bỏ đi và thử cách khác.” Quan điểm thực tế này đã được phản ánh lại rõ nét trong một câu nói nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình “Con mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, quan trọng là con mèo vẫn còn bắt được chuột.”
Việc nắm bắt lấy các thử nghiệm cải cách của ông Lý vẫn còn tồn tại và phát triển ngày nay trong chế độ Tập Cận Bình là việc “cải cách sâu một cách toàn diện “. Đặc biệt, Trung Quốc hi vọng sẽ theo đuổi được điều đã bị tách xa ra khỏi mô hình của ông Lý – Singapore nổi tiếng là một trong những quốc gia ít có nạn tham nhũng nhất trên thế giới, trong khi tham nhũng ở Trung Quốc lại phát triển đến độ các nhà lãnh đạo xem đó là vấn nạn làm nguy hại đến Đảng. Các nhà phân tích luật trả lời phỏng vấn của tờ Nhật báo Wall Street cho hay mô hình Singapore chính là bản thiết kế cho việc cải cách luật ở Trung Quốc ngày nay.
Tuy nhiên, quá trình cải cách của cả ông Lý và Trung Quốc đều bám vào một điều căn bản – ý tưởng về nền dân chủ ( theo định nghĩa của phương Tây) phải tương thích với “các giá trị Á đông.” Ông Lý nhận định rằng Trung Quốc sẽ “sụp đổ” nếu như Trung Quốc trở thành một đất nước có nền dân chủ tự do.
Người Trung Gian
Nhận thấy tầm ảnh hưởng của ông Lý với Trung Quốc nên không lấy gì làm lạ khi mà các nhà lãnh đạo phương Tây thường hỏi ý kiến tham khảo ông khi họ muốn thương thảo với Bắc Kinh. Từ Henry Kissinger cho đến Tony Blair đã được ông Lý giúp cho lời khuyên chính trị trong nhiều thập kỷ. Thậm chí gần đây các học giả còn thu thập các ý kiến của ông Lý về vấn đề Trung Quốc trở thành một kẻ đối đầu của Mỹ trong quyển Lý Quang Diệu: Bàn về Trung Quốc, Mỹ và thế giới (đã được xuất bản hai năm trước).
Ông Lý đã nhận ra sớm hơn ai hết rằng sự lớn mạnh của Trung Quốc là một điều tất yếu trong trật tự quốc tế. “Không thể nào coi nhẹ việc Trung Quốc là một tay chơi lớn khác,” ông Lý phát biểu năm 1993. “Đây sẽ là một tay chơi lớn nhất trong lịch sử nhân loại.” Nhận định như vậy đã làm hài lòng các lãnh đạo Bắc kinh và họ càng tin tưởng hơn vào sức mạnh độc đáo của lịch sử và văn hóa Trung Quốc và cả vào việc Trung Quốc trỗi dậy là điều hiển nhiên. Bao nhiêu năm qua các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn tin tưởng những phân tích của ông Lý về Trung Quốc. Theo lời tờ Nhật Báo Trung Hoa , thì “Khi Trung quốc phải đương đầu với sự do dự của quốc tế, ông Lý Quang Diệu đã đóng một vai trò quan trọng trong việc làm trung gian và diễn dịch cho Trung Quốc.”
Với sự ra đi của ông Lý, giờ đây thì cả Trung Quốc lẫn phương Tây giờ phải tự tìm ra cách để thương thảo với nhau khi không còn có sự cố vấn của ông nữa.