Võ Đắc Danh
(VNTB) – Cho đến nay không ai dám nhìn nhận lại những thất bại của các dự án ngọt hoá ở miền Tây Nam bộ
Trước năm 1975 vùng bán đảo Cà Mau này đào những con kênh song song với sông Hậu. Từ kênh 1.000 đến kênh 12.000 để lấy nước ngọt và thoát nước trong mùa lũ cho vùng này từ khu vực Tứ giác Long Xuyên. Người ta làm vậy vì họ hiểu rõ địa hình vùng này.
Sau 1975, những người ‘bên thắng cuộc’ đã cho rằng cần ngọt hóa bán đảo Cà Mau, nên lãnh đạo Hà Nội cho đào kênh Quản Lộ Phụng Hiệp, rồi bơm nước ngọt vào kênh này. Mặt khác Hà Nội xây dựng 11 cống trong vùng nội bộ, ngăn không cho mặn vào.
Để rồi vào mùa khô, nước ngọt không đủ, lại phải mở cống lấy nước mặn để tránh bị xì phèn. Còn mùa mưa phải mở cống để vùng trũng trung tâm không bị ngập úng. Chức năng các công trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau về cơ bản phá sản.
Từ lúc khởi sự dự án gọi là ngọt quá đó, nhà báo Võ Đắc Danh, một cư dân bản địa xứ Cà Mau đã lên tiếng, và sau này ông chuyển thành bài bút ký in trong tập “Chuyện đời, chuyện nghề”.
Xin được trích đăng ở đây để tham khảo về tầm nhìn một thời đó của Hà Nội.
Anh Ba Chặt cho máy nổ hết ga mà chiếc ghe cứ ì ạch, chòng chành vượt qua từng cơn sóng. Đồng ngập sâu năm, sáu mét. Sóng to, gió lớn, nước từ Campuchia tràn qua như cắt. Tôi sẽ ngỡ đây là biển nếu không có những ngọn cây gáo già còn nhô lên mặt nước.
Tôi hỏi anh Ba Chặt tại sao người ta lại trồng cây gáo giữa đồng. Anh nói không phải giữa đồng, chỗ nào có cây gáo là những bờ kinh, bờ đìa hoặc những gò cao. Cây gáo chịu được nước lũ nên người ta trồng nó để lấy ván đóng xuồng hoặc làm sàn nhà.
Thấy tôi cứ mải mê nhìn một loài cây lạ, Ba Chặt nói: Coi vậy chớ nhiều lắm, nước rút rồi chú sẽ thấy cả rừng, nhiều cây to bằng một tay ôm. Thì ra, cả một rừng gáo đang chìm trong biển nước! Khó nhọc lắm chiếc ghe của chúng tôi mới bườn đến cụm dân cư trên bờ đê giáp với vùng biên giới. Hàng trăm căn chòi chen nhau trên cái ốc đảo giữa bốn bề sóng nước mênh mông.
Ở đầu con sông Cỏ Lau nước chảy ầm ầm như thác đổ. Nếu không có những tấm cao su sọc bó quanh chân đê thì hàng trăm căn chòi và hàng ngàn con người ở đây có lẽ đã không còn tồn tại nổi với dòng nước lũ hung hăng.
Chị Nguyễn Thị Rừng – một trong những hộ mới dời nhà lên đê – kể trong ánh mắt kinh hoàng: Năm ngoái nhà tôi còn kê lên ở qua mùa lũ, năm nay mực nước thấp hơn nhưng chảy xiết quá nên phải di dời. Nước chảy đến mức không đi giăng câu giăng lưới gì được. Hôm qua có sáu chiếc xuồng lưới bị chìm, trong đó có chiếc xuồng của ông Năm Dình bị va vào cây gáo, xuồng gãy làm đôi, trôi mất nửa chiếc, cũng may là ông leo lên nhánh cây nắm dây giữ lại được nửa chiếc.
Chị Rừng ngồi giữa bầy con nheo nhóc trong căn chòi. Tôi hỏi chị không đi giăng câu được thì lấy gì sống, chị nói mấy tháng trước lũ vợ chồng chị đi làm mướn mua được mười giạ lúa, ăn đến nay sắp hết rồi, nếu tình trạng này kéo dài thì không biết sẽ ra sao.
Bên cạnh căn chòi chị Rừng là ông Ba Nghĩa, 71 tuổi, mình trần đang nấu cơm ở ngoài sân. Tôi hỏi nhà ông đâu, ông chỉ tay vào tấm tôn che trên chiếc giường và giải thích: Đêm qua, trong lúc dọn đồ chuẩn bị di dời thì bất thần lũ cuốn căn nhà ông đi mất, cũng may là hai vợ chồng và đứa con gái ông còn sống. Nhưng khi tôi hỏi sống ra sao thì ông chỉ cười, không trả lời được.
Làm thế nào để sống được trong mùa lũ là một câu hỏi triền miên nhưng chưa có lời giải đáp.
Những năm trước còn có thể thả lưới giăng câu, nhưng năm nay do hệ thống đê bao cục bộ quá nhiều làm cho nước trên đầu nguồn chảy xiết, lại gió lớn, sóng to. Đành chịu! Nhiều hộ có xuồng lớn sang đánh bắt cá bên Campuchia, nhưng kiếm được miếng ăn trên đất bạn không phải là chuyện dễ dàng.
Anh Tư Thao, một người giăng câu chuyên nghiệp kể: Muốn qua bên ấy giăng câu trong đêm thì phải nộp mãi lộ cho mỗi trạm Biên phòng của họ hai ngàn đồng. Đêm qua anh vô ba trạm, nộp hết sáu ngàn đồng, vì không có tiền để vô sâu hơn nên giăng ít cá, chỉ được bốn ký cá trèn, bán được hai chục ngàn đồng. Trừ tiền nộp mãi lộ với mười ngàn tiền mồi, chỉ còn lại bốn ngàn đồng.
Bốn ngàn đồng cho một đêm ngâm mình trong nước. Anh nói vậy còn khá, có những đêm lỗ vốn.
Anh Ba Hữu, một người được gọi là có máu làm ăn nhất nhì ở xứ này kể lại: Mùa lũ năm ngoái anh sang đất Campuchia giăng câu. Muốn có cá nhiều thì phải làm giấy tạm trú và vào sâu trong đất bạn. Tính ra các khoảng tiền phải nộp cho họ hơn một chỉ vàng, làm hết hạn tạm trú mà vẫn không đủ vốn.
Mùa lũ năm nay anh chạy sang Long An, chở hai ngàn lưỡi câu và ba ký lưới. Từ An Phú-An Giang trên đầu nguồn sông Hậu vượt qua con sông Tiền, băng qua Hồng Ngự đến Long An mất cả ngày xuồng máy, không phải là chuyện dễ dàng. Ba Hữu quyết chí làm ăn cho ra trò một chuyến.
Nhưng tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa. Ba ngày đầu còn kiếm được hơn trăm ngàn, đến ngày thứ tư thì nước dâng lênh láng, lại gió lớn sóng to, nước cũng chảy xiết như ở quê nhà. Ba Hữu lên bờ đào chuột, ngày đầu đào được mười lăm ký, bán được ba chục ngàn đồng. Ngày sau anh cố gắng thức sớm hơn, đào được trên hai chục ký, nhưng bán chẳng ai mua, anh lột da làm khô, rồi gặp mưa, chuột không khô nổi, đành phải bỏ. Cuối cùng chẳng lẻ chạy xuồng không về quê?
Thấy ở Long An người ta bán rắn nước chỉ có bảy ngàn đồng một ký, trong khi ở chợ Phú Hữu mỗi ký đến mười hai ngàn đồng. Ba Hữu gom hết vốn liếng mua được hai mươi bảy ký rắn, anh gởi câu lưới lại Long An để làm một chuyến đi buôn, ai dè đến nơi, rắn bị chết, bị mất ký, rồi tiền xăng, tiền ăn uống dọc đường, trừ đi tính lại còn lãi được hai chục ngàn đồng!
Tôi hỏi chừng nào trở qua Long An lấy lưới lấy câu về, anh nói ngày mai anh đi, nếu chưa giăng câu được thì đi làm mướn, ở bên ấy công lao động có giá, đắp bờ ruộng một ngày kiếm cũng được ba chục ngàn đồng. Rồi như nghĩ ra được điều gì, mắt Ba Hữu bổng sáng lên, anh khoe với chúng tôi: Kể ra con vợ tôi cũng giỏi thiệt nghen mấy cha, tôi đi cả chục ngày tưởng mẹ con nó đói, ai ngờ ở nhà nó hái bông điên điển bán, chẳng những đủ mua gạo nuôi mấy đứa nhỏ mà còn dư tiền mua cho tôi cái võng nữa chớ ! Cái võng cả chục ngàn đồng chớ ít lắm sao?! Dứt lời, Ba Hữu đưa mắt nhìn xa xăm ra đồng nước mênh mông, gương mặt cháy nắng của anh hiện lên một nụ cười vừa tự hào vừa thách thức.
Xuôi theo dòng sông Cỏ Lau, chúng tôi dừng lại căn nhà của chị Sáu Thạnh, một trong những căn nhà vững trãi còn trụ lại với cơn nước lũ ở đoạn sông này. Ngồi trên sàn tre mà nghe nước chảy róc rách như suối reo. Chị Sáu khoe căn nhà mới cất ba triệu rưởi, nhờ thằng em cho toàn bộ phần kèo cột và nống bạch đàn.
Chị kể, nhà chị có năm công ruộng nên không đủ lúa ăn. Vào mùa khô, hai vợ chồng với hai đứa con lớn phải đi làm mướn: cuốc rẫy, làm cỏ, tỉa đậu, hái bắp… mỗi ngày kiếm được bốn chục ngàn, kể ra cũng đủ sống qua ngày.
Nhưng mùa lũ hằng năm kéo dài đến sáu tháng nước dâng, không có công ăn việc làm. Để có ba ký gạo nuôi sống mỗi ngày, mẹ con chị phải đi bán bánh cam, chị nói bán được lắm, ngày nào cũng có lời từ tám đến mười ngàn đồng, nhưng kẹt cái là không có xuồng, phải mướn xuồng của người ta, mỗi ngày mất hết hai ngàn đồng. Chị Sáu kể rất thản nhiên mà tôi cứ nghe như là cổ tích!
Ở cái xứ sở này dường như mỗi con người là một số phận do tạo hóa sinh ra.
… Họ cũng như cây gáo ngoài đồng, cứ sống chung với lũ hết mùa này sang mùa khác. Ngay cả người chủ nhà mà tôi đang ở – anh Ba Chặt – năm ngoái nước ngập sàn nhà, năm nay anh cơi cọc nhà 24 vượt lên đỉnh lũ. Phía sau nhà anh còn một chuồng heo mười hai con và một hầm cá tra sáu trăm mét vuông mặt nước. Anh nói, cuối năm nay anh sẽ thu hoạch, trị giá trên năm mươi triệu đồng, trừ chi phí cũng còn lời phân nửa. Thế nhưng muốn làm ăn như Ba Chặt thì ít nhất phải có hai mươi lăm triệu đồng vốn bỏ ra. Đành chịu! (dừng trích).
Cho đến nay Hà Nội vẫn chọn im lặng trước ý kiến cần tổng kết tại sao không thành công dự án ngọt hóa bán đảo Cà Mau, nhưng không ai dám nhìn nhận lại những thất bại này.
Ngày xưa ranh giới giữ mặn nằm ngoài biển vùng Đầm Dơi, Cái Nước (Cà Mau); ở Bạc Liêu thì tận ngoài phía biển. Tới năm 2000, ranh giới mặn vào tận quốc lộ 1. Đây là sự thất thủ vòng 1. Với dự án Cái Lớn – Cái Bé, rút về phía tây kênh Quản Lộ Phụng Hiệp, thất thủ vòng 2. Cứ vậy người miền Tây sẽ thất thủ đến bao giờ trước những mệnh lệnh của Hà Nội?