Anh Văn (VNTB)
Ngày 23/05, các báo chính thống đồng loạt đưa tin: Thu hồi sách “Miếng ngon Hà Nội” do có sai sót nghiêm trọng.
Sai phạm ấy được cho là có tính “chính trị nghiêm trọng và sai lệch so với bản gốc của tác giả.” Cụ thể là: Tôi ao ước một ngày kia miền Bắc được giải thoát khỏi nanh vuốt Cộng sản, Quốc gia trở lại thanh bình và thống nhất; Toàn dân sát cánh với nhau ăn mừng Đại Nhật bằng một bữa tiệc vĩ đại có đủ những miếng ngon Hà Nội”.
Nếu đó là thật, thì đó cũng là một ao ước rất thực của giới văn nghệ sĩ (không chỉ miền Bắc, mà là cả Việt Nam này).
Bởi lúc này phải hiểu “nguyên tác” là như thế nào. Khi Miền Bắc được giải thoát khỏi nanh vuốt Cộng sản, có thể đến từ khi “di cư theo giặc, quay lưng kháng chiến” khi di cư vào Nam. Mặc dù sau này ông được phía chính quyền Cộng Sản công nhận là “quân báo”, và việc di cư đó chỉ là hình thức xâm nhập, làm “nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952” nhưng ở một khoảng thời gian rất dài (trên 20 năm) nằm vùng tại “vùng địch”, cũng có thể ông đã hưởng được mùi của sự tự do nghệ thuật rất lạ so với miền Bắc cách mạng. Nơi mà nghệ thuật đã vị nghệ thuật hơn, không còn là “công cụ” của một Đảng phái, dù thế – đây cũng là nơi đã tập hợp “những con người không cộng sản, văn chương chống cộng, tố cộng, đề cao tự do, cảnh tỉnh người dân về hiểm họa cộng sản là thiết yếu.”.
Đúng như nhà văn Trần Doãn Nho cho biết, tính “văn học” của miền Nam nằm ở quá trình phát triển của chính nó chỉ “đề cập đến con người như một hiện sinh, một thân phận chứ không chỉ như một hữu thể chính trị và cũng không chỉ như một hữu thể đạo đức, hiều theo nghĩa cổ điển.” Đó là lý do vì sao, cũng chính vùng đất tự do chính trị, tự do nghệ thuật đó đã mở rộng tấm lòng và chào đón những nhóm người Cộng sản. Trong đó có “nhóm ‘Bách Khoa’ lúc đầu là nơi tụ tập những người kháng chiến cũ như Huỳnh Văn Lang, Võ Phiến, Phạm Ngọc Thảo,…,” hay nhóm “Nhân Loại” – nơi dành cho “những người miền Nam tiếp tục … kháng chiến xoay ra chống chính quyền miền Nam”.
Họ miệt mài trong cái không khí tự do ấy, họ làm mọi điều mà tự do đó được chính thể bảo bọc. Và họ cũng từ đó đánh mất tự do ngay trong cái sự tự do ấy. Những màn chống phá chính quyền, những hoạt động cảm tình Đảng đã trở thành một chất xúc tác lớn, cùng với yếu tố chính trị của thời đại lúc đó, đã khiến cả miền Nam sụp đổ.
Một thế hệ văn nghệ sĩ lao mình vào lý tưởng miền Bắc, và giờ đây họ đối diện với một thực tại phũ phàng. Nơi mà ngay cả một vần thơ, câu văn phản ảnh đúng thực tại xã hội, biểu hiện của luồng tự do tư tưởng cũng bị ghiềm chặt lại. Nhà thơ, nhà báo Bùi Minh Quốc, là một trong số những người như vậy. Trong Bài thơ tháng Tám, ông dẫn dắt 2 câu đầu tiên bằng một câu hỏi đầy hoang mang: “Các anh – những người Tháng Tám/ Các anh đâu rồi? Thấm mệt rồi chăng?”. Bởi xung quanh ông, người chiến sĩ của mặt trận súng đạn, người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa năm xưa cũng không thoát khỏi sự “thấm mệt”, khi mà cái tương lai hay thời đại ông đang sống nó “bệnh”, nó “đểu cáng” đến mức ông phải luôn trọng trạng thái “ghìm cơn mửa”.
Trở lại câu chuyện nhà văn Vũ Bằng, câu “sai phạm” nêu trên trở thành câu nói, thậm chí là khát vọng thiết tha nhất của không ít thế hệ văn nghệ sĩ bây giờ. Nơi thời đại XHCN đã “bức tử” sự tự do nghệ thuật vị nghệ thuật của chính họ!!
Và có lẽ giờ đây, miếng ngon nhất ở Hà Nội sẽ không hẳn là những vị giác đời thường, mà chính là vị giác của sự tự do – nhân quyền. Cái ngày vĩ đại nhất không phải là ngày tận thế, mà ngày Cộng sản hoàn toàn bị tan rã trên đất Bắc – và đây là điều kiện đủ để khiến “món ăn Hà Nội” trở nên ngon hơn, say đắm hơn, tình người hơn.
Hãy viết lên đi hỡi những nghệ sĩ, hãy đốt mình cho sự tự do – nhân bản – nghệ thuật trong mỗi người, ngay trong hầm tối Cộng sản! Bởi nếu “Không có tự do, không có nghệ thuật; nghệ thuật chỉ sống dựa vào sự gò bó nó tự tạo nên cho mình, và sẽ chết dưới mọi dạng khác.” [Albert Camus].
Đó sẽ là miếng ăn ngon nhất Việt Nam, ngon nhất đất Hà Nội này!!!