Hoài Nguyễn
(VNTB) – Việc minh bạch hóa quyền lực hiện nay sẽ mãi tù mù, luẩn quẩn, bàn cho vui.
Cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài cho rằng chủ trương hoán đổi đất không phải là của ông, mà ông chỉ thực hiện theo chỉ đạo của chủ tịch UBND. Trong quá trình ra các văn bản, ông Tài đều báo cáo cho chủ tịch.
Chiều 16-11, tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án hoán đổi tài sản tư nhân 57 Cao Thắng lấy tài sản thuộc sở hữu nhà nước 185 Hai Bà Trưng (quận 3, TP.HCM), hội đồng xét xử bắt đầu xét hỏi.
Trước tòa, đại diện cơ quan công tố cáo buộc tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với bị cáo Nguyễn Thành Tài (nguyên phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM) và 8 đồng phạm, gồm: Trần Nam Trang (nguyên phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM); Vy Nhật Tảo (nguyên giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM); Nguyễn Thành Rum (nguyên giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) TP.HCM); Lê Tôn Thanh (nguyên phó Giám đốc Sở VHTTDL TP.HCM); Lê Văn Thanh (nguyên phó chánh Văn phòng UBND TP.HCM); Huỳnh Kim Phát (nguyên phó chánh Văn phòng UBND TP.HCM); Đào Anh Kiệt (nguyên giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP.HCM) và Nguyễn Thanh Nhàn (nguyên phó giám đốc Sở TN-MT TP.HCM).
Riêng bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương) ra tòa về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trả lời hội đồng xét xử, ông Nguyễn Thành Tài trình bày thời điểm xảy ra vụ việc, ông không nghĩ bản thân làm sai. Sau khi làm việc với cơ quan điều tra, ông đã nhận ra sai lầm.
Cùng đó, cựu phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM cho rằng ông Lê Hoàng Quân (Chủ tịch UBND TP.HCM thời kỳ đó, đã nghỉ hưu) có trách nhiệm khi sai phạm xảy ra. Bởi mỗi bước thực hiện chủ trương hoán đổi tài sản, ông Nguyễn Thành Tài đều báo cáo cấp trên – ông Lê Hoàng Quân. “Bị cáo không thoái thác trách nhiệm mà chỉ xin làm rõ trách nhiệm” – ông Nguyễn Thành Tài khẳng định. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thành Tài lý giải lúc ông về hưu, mọi việc vẫn còn ở mức chủ trương, hai tài sản chưa hề bị ‘xê dịch’.
Tòa hỏi ông Tài có phải ông được phân công lĩnh vực đó không, ông Tài nói không có quyết định phân công, mà vì là phó chủ tịch thường trực nên tham gia.
Về việc nhận đơn xin hoán đổi, ông Tài khai trong một buổi họp có gặp nhạc sĩ Vy Nhật Tảo trong giờ giải lao, ông Tảo có trình bày nội dung đó nên ông đã báo cáo với chủ tịch thành phố. Sau buổi gặp ông Tảo, ông Tài nhận đơn xin hoán đổi của Công ty Diệp Bạch Dương và sau đó báo cáo chủ tịch thành phố.
Chủ toạ hỏi việc hoán đổi đất đai không phải là lĩnh vực được phân công, tại sao bị cáo lại nhận đơn mà không chuyển cho người đồng cấp phụ trách lĩnh vực, ông Tài nói rằng do mình là phó chủ tịch thường trực nên nhận đơn.
Sau đó ông Tài nói rằng tại thời điểm nhận đơn xin hoán đổi thì nghĩ mình không sai vì làm đúng về mặt chủ trương, ông Tài cũng không phải là người trực tiếp gây ra hậu quả và việc hoán đổi này diễn ra thời gian dài, trải qua 2 nhiệm kỳ công tác…
Vụ án vẫn đang diễn ra. Vấn đề tạm đặt: phải chăng ở đây trong quản trị quốc gia ở thế chế chính trị đơn nguyên, người ta khó phân định về “quyền” và “lực”?
Các đại án tham nhũng đều dính tới yếu tố quyền lực, sự tha hóa quyền lực của một số quan chức. Không có quyền lực thì quan chức khó có cơ hội tham nhũng. Vậy thì phải minh bạch quyền lực mới mong kiểm sát, giám sát được quyền lực.
Để giám sát quyền lực, phải có một cơ quan chuyên trách. Nhưng, nó sẽ lại bế tắc, vô hiệu, khi cơ quan này, nếu có, phụ thuộc vào Đảng và tính Đảng… Trừ khi Đảng cũng chịu sự kiểm tra, giám sát từ một tổ chức chính trị… phi Đảng. Thế nên, việc minh bạch hóa quyền lực hiện nay sẽ mãi tù mù, luẩn quẩn, bàn cho vui.
Đó là chưa kể nhiều khi quan chức đó có “quyền”, nhưng năng lực lại không tương ứng về quyền được trao, tất yếu sẽ lại xảy ra những vụ gọi là đại án tham nhũng.