VNTB – Mô hình “con tôm ôm cây lúa” ở bán đảo Cà Mau

VNTB – Mô hình “con tôm ôm cây lúa” ở bán đảo Cà Mau

 

Hồng Dân

Hiện mô hình “con tôm ôm cây lúaa” được ngành chức năng khuyến cáo sản xuất và nhân rộng, từng bước hướng đến tạo dựng thương hiệu “Lúa thơm – tôm sạch”.

 

Chặng đường 20 năm

Ghi nhận ở Bạc Liêu, với mô hình tôm – lúa, hình thức nuôi vụ tôm chủ yếu là thu tỉa thả bù, tức vụ tôm thả từ 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 – 1,5 tháng, mật độ thả từ 2 – 3 con/m2. Vụ tôm sú không cấy lúa, còn vụ lúa thì kết hợp thả tôm càng xanh.

Theo quan sát của nhà nông thì tôm – lúa là mô hình sản xuất, ít rủi ro. Khi nuôi tôm, đất sản xuất trở nên màu mỡ hơn, giúp lúa phát triển mạnh, giảm được chi phí phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt sau mỗi vụ tôm, chất mùn bã hữu cơ, vi sinh vật và thức ăn dư thừa của con tôm là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cây lúa. Ngược lại sau vụ lúa, đất được cải tạo, môi trường thuận lợi nên tôm nuôi mau lớn, ít gặp rủi ro và dịch bệnh.

Vào mùa khô, nước ngoài sông rạch mặn thì lấy vào nuôi tôm, khi mưa xuống nước ngọt thì đưa vào trồng lúa. Trong hệ thống canh tác tôm – lúa, sau khi nuôi một vụ tôm thì tiến hành trồng một vụ lúa, khi đó những chất thải hữu cơ dưới đáy ao sau khi thu hoạch tôm sẽ làm cho ruộng lúa màu mỡ, người trồng lúa chỉ bón một lượng phân nhỏ là đáp ứng nhu cầu phát triển của cây.

Một tài liệu của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu cho biết, năm 2001, tỉnh bắt đầu tổ chức sản xuất mô hình tôm – lúa. Hiệu quả bước đầu mang lại từ mô hình này khá cao so với độc canh cây lúa nên tốc độ tăng diện tích sản xuất tôm – lúa trong giai đoạn này khá nhanh, từ 5.851ha sản xuất ban đầu đã tăng lên 39.578 ha vào năm 2020 và tăng gấp gần 6,8 lần so với năm 2001.

Đến năm 2021 diện tích mô hình này tiếp phát triển và mở rộng đạt 39.404 ha, chiếm khoảng hơn 33% diện tích nuôi tôm toàn tỉnh Bạc Liêu, tức tốc độ tăng diện tích bình quân/năm là 5,26%. Hiện, tổng thu nhập trên 90 triệu đồng/ha; lợi nhuận 40 – 60 triệu đồng/ha/năm.

Đầu ra có thật sự ổn định?

Trong góc nhìn phản biện, theo giáo sư – tiến sĩ Dương Nhựt Long, Khoa Thủy sản của đại học Cần Thơ, hãy nhìn lại quy trình sản xuất mô hình lúa – tôm thì cần xem lại tính ổn định. Quan trọng nhất là có xuất khẩu ổn định được sản phẩm hay không?

“Hiện nay, tỷ lệ hộ nuôi có ao để gieo tôm trước khi thả giống ra ruộng rất thấp, điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng con tôm. Đây là vấn đề chúng tôi nhìn thấy nhưng có nhiều hộ dân chưa làm được. Khi chất lượng con giống được đảm bảo thì rủi ro là rất thấp, chất lượng sản phẩm cũng cao hơn để phục vụ xuất khẩu”, giáo sư Long nhận định.

Ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc tập đoàn Nam Miền Trung, cho rằng các cơ quan chuyên ngành cần có khảo sát cụ thể về sản lượng, quy hoạch, giá trị, thị trường tổng thể của mô hình trong khu vực. Sau khi có khảo sát thì cung cấp thông tin đến địa phương để có quy hoạch cụ thể nhằm có hướng phát triển mô hình một cách hiệu quả.

“Bên cạnh đó, ngành chuyên môn cần có khuyến cáo cụ thể và quản lý chặt về thời vụ. Từ nhưng mô hình thành công thực tiễn của nông dân, các địa phương cần quan tâm nhân rộng. Tuy nhiên, chúng ta cần chú ý xây dựng mô hình để từng địa phương cụ thể áp dụng một cách phù hợp”, ông Hoàng Anh nêu ý kiến.

Mô hình tôm – lúa hiện còn bộc lộ điểm yếu là chưa kết nối được doanh nghiệp với nông dân. Nông sản tuy được đánh giá sạch, chất lượng nhưng giá sản phẩm bán ra vẫn ở mức bằng so với các sản phẩm thông thường.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)