Việt Nam Thời Báo

VNTB – Mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN ngày càng rõ nét, nhưng rõ nét gì?

Võ Hàn Lam

(VNTB) – Ông Nguyễn Văn Bình tuyên bố: “Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng rõ nét”

Mô hình chưa có tiền lệ

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Ban Kinh tế Trung ương (30/9/1950 – 30/9/2020), ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã có các phát biểu được chuẩn bị bằng văn bản, được thể hiện bằng hình thức “cuộc trao đổi với báo chí về một số đóng góp của Ban Kinh tế Trung ương trong việc tham mưu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị (khóa XII), nhiệm kỳ 2016 – 2020 ban hành một số nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nói rằng, “Đảng ta đã xác định kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Trong suốt 35 năm đổi mới, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không ngừng chăm lo xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và coi đây là nhiệm vụ chiến lược có ý nghĩa đột phá”.

(Mở ngoặc về ý kiến của người viết ở đoạn phát biểu trên: việc ông Nguyễn Văn Bình dùng từ “nhân dân ta không ngừng chăm lo xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là áp đặt ý chí chủ quan của ông, vì nếu thực sự có việc “nhân dân ta không ngừng chăm lo” thì chắc chắn khó thể nào loay hoay suốt 35 năm rồi mà mô hình này vẫn dừng ở chuyện “ngày càng rõ nét”!).

“Đến nay, có thể khẳng định rằng mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng rõ nét hơn, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đồng bộ, đầy đủ và hoàn thiện hơn. Nhờ đó, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và xem là hình mẫu của các nước đang phát triển mà như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói chưa bao giờ đất nước ta có cơ đồ tốt đẹp như ngày nay”- Trích lời của ông Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Bình, đây là mô hình chưa có tiền lệ trên thế giới, do vậy, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không thể tránh khỏi các ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, có lúc khá gay gắt. Trong khi đó, các thế lực thù địch, phản động thường xuyên chống phá, xuyên tạc, kích động.

Mô hình kinh tế là gì?

Xin thưa với ông Nguyễn Văn Bình, người từng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2011-2016) về câu từ “mô hình kinh tế”.

Theo “Giáo trình Kinh tế học vi mô” của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, thì “mô hình” (model) là sự đơn giản hóa hiện thực một cách có chủ định. Nó cho phép nhà nghiên cứu bỏ qua các mặt thứ yếu để tập trung vào phương diện chủ yếu, có ý nghĩa quan trọng đối với vấn đề nghiên cứu.

Ví dụ, mô hình xác định sản lượng cân bằng bỏ qua nhiều yếu tố tác động vào tổng sản lượng của nền kinh tế, chỉ giữ lại các thành tố lớn của tổng cầu, nhưng rất hữu ích đối với việc nghiên cứu nguyên nhân gây ra tình trạng suy thoái, vì trong nhiều trường hợp, tình trạng suy thoái có nguyên nhân ở sự biến động trong các thành tố của tổng cầu, đặc biệt đầu tư.

Cần chú ý rằng xét về bản chất, mô hình kinh tế cũng là lý thuyết kinh tế, vì cả hai đều bỏ qua những mặt thứ yếu, tập trung vào mối quan hệ giữa các yếu tố chủ yếu.

Mô hình kinh tế (Economic model) là mô hình liên kết hai hay nhiều biến số kinh tế. Mô hình kinh tế được sử dụng cho ba mục đích: Một là mô tả mối quan hệ tồn tại giữa các biến số kinh tế. Hai là xác định kết cục kinh tế rút ra từ các mối liên hệ của các biến số kinh tế. Ba là dự báo ảnh hưởng của những thay đổi trong các biến số kinh tế đối với kết cục kinh tế.

Thử điểm qua một số mô hình trong kinh tế học:

Mô hình Heckscher-Ohlin, nhiều khi được gọi tắt là Mô hình H-O, là một mô hình toán cân bằng tổng thể trong lý thuyết thương mại quốc tế và phân công lao động quốc tế dùng để dự báo xem quốc gia nào sẽ sản xuất mặt hàng nào trên cơ sở những yếu tố sản xuất sẵn có của quốc gia.

Mô hình IS-LM, cũng được biết đến như là mô hình Hicks-Hansen, được nhà kinh tế học người Anh John Hicks (1904-1989) và nhà kinh tế học của Hoa Kỳ Alvin Hansen (1887-1975) đưa ra và phát triển.

Mô hình IS-LM đã được sử dụng để kết hợp các hoạt động khác nhau của nền kinh tế: nó là sự kết hợp của thị trường tài chính (tiền tệ) với thị trườnghàng hóa và dịch vụ. Trong nền kinh tế đóng thì mô hình không chịu ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài nền kinh tế: xuất khẩu ròng (NX), tỷ giá hối đoái,lãi suất thế giới…

Mô hình Solow-Swan là mô hình tăng trưởng ngoại sinh, một mô hình kinh tế về tăng trưởng kinh tế dài hạn được thiết lập dựa trên nền tảng và khuôn khổ của kinh tế học tân cổ điển.

Mô hình này được đưa ra để giải thích sự tăng trưởng kinh tế dài hạn bằng cách nghiên cứu quá trình tích lũy vốn, lao động hoặc tăng trưởng dân số, và sự gia tăng năng suất, thường được gọi là tiến bộ công nghệ. Bản chất của nó là hàm tổng sản xuất tân cổ điển, thường là dưới dạng hàm Cobb-Douglas, cho phép mô hình “liên kết được với kinh tế học vi mô”.

Mô hình tổng cầu và tổng cung hay còn gọi là mô hình AD-AS. Đây là mô hình dùng để giải thích hai biến số. Biến số thứ nhất là tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ được đo bằng GDP thực tế. Biến số thứ hai là mức giá được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng CPI hay chỉ số điều chỉnh GDP.

Mô hình Mundell-Fleming là một mô hình kinh tế học vĩ mô sử dụng 2 đường IS và LM để phân tích tác động của các chính sách kinh tế vĩ mô được thực hiện trong một nền kinh tế mở cửa.

Hoài nghi vì chưa ai rõ thuật toán ở mô hình kinh tế của Đảng

Trở lại với ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Theo lời của ông Bình thì đang có không ít các ý kiến hoài nghi nếu vận hành đầy đủ, đồng bộ các quy luật kinh tế thị trường thì khó giữ được định hướng xã hội chủ nghĩa; có ý kiến tuyệt đối hóa vai trò của kinh tế nhà nước, e ngại, dè dặt đối với kinh tế tư nhân.

Ngược lại, có ý kiến lại tuyệt đối hóa vai trò của kinh tế tư nhân, cho rằng kinh tế tư nhân sẽ quyết định tất cả và do vậy phải là động lực duy nhất, trong khi nghi ngờ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, nhất là trong bối cảnh một số doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động kém hiệu quả. Có ý kiến quá đề cao vai trò của nhà nước và xem nhẹ vai trò của thị trường và xã hội; ngược lại có ý kiến lại tuyệt đối hóa vai trò của thị trường và xã hội, cho rằng thị trường quyết định tất cả, xem nhẹ vai trò quản lý, điều tiết, dẫn dắt của nhà nước…

“Do vậy, để đi đến thống nhất nhận thức” – ông Nguyễn Văn Bình lập luận – “Phải giải quyết một cách đúng đắn mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển, giữa kiên định và đổi mới trên cơ sở phải thấm nhuần sâu sắc những nguyên tắc cốt lõi của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những quan điểm xuyên suốt của Đảng nhất là cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Đồng thời, phải nhận thức đầy đủ, tôn trọng và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan, kế thừa có chọn lọc thành tựu phát triển kinh tế thị trường của nhân loại và kinh nghiệm tổng kết thực tiễn đổi mới ở nước ta, bảo đảm vững chắc định hướng xã hội chủ nghĩa, độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội”.

Từ yêu cầu trên của ông Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, xin được đặt câu hỏi “hồi tố” với với ông Nguyễn Văn Bình – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2011-2016): Mô hình toán trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay là gì?

Lý thuyết mà sinh viên kinh tế được học trên giảng đường, là cần lưu ý một số vấn đề khi xây dựng mô hình toán trong kinh tế, như sau:

Một, trước hết là vấn đề độ đo trong kinh tế. Các đại lượng trong kinh tế rất đa dạng, vì thế để có thể khảo sát cần có một công cụ để so sánh giữa các đại lượng.

Chúng ta có thể hình dung vấn đề này qua một ví dụ đơn giản như sau: Trong mùa đông có thể bạn cần một bộ quần áo ấm hơn một thiết bị giải trí, vì thế bạn sẽ đánh giá bộ quần áo có giá trị hơn dù chúng có cùng giá thành như nhau. Nhưng khi đã có một vài bộ quần áo rồi thì bạn lại đánh giá ngược lại. Thiết bị giải trí kia có giá trị hơn bộ quần áo.

Chúng ta cần phải tìm được một công cụ trong toán để so sánh 2 đối tượng này.

Hai, bao quát được các tính chất đặc trưng. Khi muốn khảo sát một đối tượng nào đó chúng ta phải hiểu về nó. Như vậy để xây dựng được các mô hình toán trong kinh tế cần có những hiểu biết nhất định về kinh tế, các quan hệ giữa các đại lượng kinh tế, tầm quan trọng của một vài tham số đối với vấn đề chúng ta đang quan tâm.

Cần phải nắm được điều quan trọng nhất có ảnh hưởng quyết định tới vấn đề cần khảo sát là gì.

Ba, tính toán các tham số. Các tham số sẽ quyết định kết quả khảo sát trên mô hình nhận được. Các tham số này nhận được từ quá trình theo dõi, nghiên cứu các số liệu thực tế của vấn đề cần khảo sát. Quá trình tính toán các tham số đôi khi chiếm phần lớn thời gian trong quá trình xây dựng một mô hình toán.

Điều này đặc biệt khó khăn tại Việt Nam vì trên thực tế chưa có hệ thống các dữ liệu thống kê chuẩn phục vụ cho nghiên cứu.

Tin bài liên quan:

VNTB – 70 tổ chức yêu cầu EU giữ Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Sao lại ‘đánh’ thuế dân chúng thời khốn nạn Covid?

Phan Thanh Hung

VNTB – Giải ngân đầu tư chậm có liên quan gì đến tham nhũng?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.