Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đe dọa mở rộng vụ án liên quan Điều 117 Bộ Luật hình sự?!

Điều 117 Bộ luật hình sự

Nguyễn Nam

(VNTB) – Đang có một đồn đoán râm ran, là rất có thể ở vụ án liên quan đến người đứng đầu một hội đoàn dân sự nghề nghiệp, liên quan cáo buộc “Tội tuyên truyền thông tin nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, sẽ mở rộng với các thành viên khác trong hội này.

Chỉ cần ‘lăn tăn ý niệm’ là đã phạm tội?

Căn cứ của đồn đoán ‘hăm he chốn vỉa hè’, đó là trong Bộ Luật hình sự có điều khoản, là nếu ai đó bị nhà chức trách cáo buộc hành vi tạo ra những điều kiện cần thiết cho việc thực hiện tội phạm nhưng chưa bắt đầu thực hiện tội phạm đó, thì người ấy vẫn có thể bị xem ‘đồng hội – đồng thuyền’ trong vụ án liên quan Điều 117 Bộ Luật hình sự phiên bản 2015, tu chỉnh 2017.

Cụ thể, Bộ Luật Hình sự hiện hành liệt kê các tội phạm mà người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội, gồm 25 tội, đó là: Điều 108 (Tội phản bội Tổ quốc); Điều 110 (Tội gián điệp); Điều 111 (Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ); Điều 112 (Tội bạo loạn); Điều 113 (Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân); Điều 114 (Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam);

Điều 117 (Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); Điều 118 (Tội phá rối an ninh); Điều 119 (Tội chống phá trại giam); Điều 120 (Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân); Điều 121 (Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân);

Điều 123 (Tội giết người); Điều 134, (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 168 (Tội cướp tài sản); Điều 169, các khoản 2, 3 và 4 (Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản); Điều 207 (Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả); Điều 299 (Tội khủng bố); Điều 300 (Tội tài trợ khủng bố); Điều 301 (Tội bắt cóc con tin); Điều 302 (Tội cướp biển); Điều 303 (Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 324 (Tội rửa tiền).

Câu hỏi đặt ra: thế nào là chuẩn bị phạm tội?

Bộ Luật hình sự năm 2015, tu chỉnh 2017, ở phần thứ nhất, còn gọi là phần chung, có 2 điều luật quy định về chế định “chuẩn bị phạm tội”, đó là Điều 14 và Điều 57.

Điều 14 cho biết, “Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật này”.

So với Điều 17 Bộ Luật hình sự năm 1999 thì Điều 14 Bộ Luật hình sự năm 2015 bổ sung thêm hành vi “thành lập, tham gia nhóm tội phạm”, nhưng lại “trừ trường hợp quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ Luật hình sự.

Theo quy định của Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự năm 2015, thì những người chuẩn bị phạm một trong các tội phạm đã được liệt kê trong điều luật, là bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về mặt lý luận có thể hiểu, chuẩn bị phạm tội là một giai đoạn trong quá trình thực hiện tội phạm, nhưng ở giai đoạn này người phạm tội chưa thực hiện hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm, tức là chưa có hành vi xâm phạm đến đối tượng bị tác động trong cấu thành tội đó. Tuy nhiên, có một số điều luật nếu chỉ căn cứ vào hành vi chuẩn bị phạm tội thì cũng chưa biết tội phạm đó đã cấu thành hay chưa, mà phải căn cứ vào tội phạm đã hoàn thành mới biết được.

Điều 117 Bộ Luật hình sự 2015, quy định các hành vi sau đây được xem là tuyên truyền thông tin nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.

Hình sự hóa quan hệ dân sự về quyền tự do ngôn luận?

Giả dụ như có cáo buộc ‘đồng hội – đồng thuyền’ trong vụ án ở hội đoàn dân sự nghề nghiệp nói trên, thì việc ‘chuẩn bị’ ở đây là chuyện ‘bàn bạc – định hướng’ với những yêu cầu cần tuyên truyền mà ‘bị cáo đầu vụ’ đã đặt ra với những ai tham gia vào tổ chức hội đoàn ấy. Những cá nhân răm rắp nghe và làm theo những ‘định hướng’ đó, có thể sẽ bị quy ‘đồng hội – đồng thuyền’.

Tuy nhiên như những gì mà tổ chức hội đoàn dân sự nghề nghiệp nêu trên đưa ra, thì đó là các yêu cầu của phản biện khách quan, trung lập, không phe nhóm; đặc biệt là nguồn quỹ kêu gọi sự ủng hộ duy trì hoạt động diễn đàn trên không gian mạng của hội đoàn dân sự nghề nghiệp này, cho thấy không liên quan đến bất kỳ tổ chức khủng bố nào, kể cả dấu hiệu của nghi vấn ‘rửa tiền’.

Trong bản thảo của Dự luật về Hội được soạn để trình Quốc hội (http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=1110&LanID=1289&TabIndex=1), nói rằng, “Hội là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của công dân Việt Nam, cùng chung mục đích, hoạt động không vì lợi nhuận, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội, hội viên và cộng đồng theo quy định của pháp luật, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập, công nhận điều lệ và người đứng đầu hội”.

Như vậy ở hội đoàn dân sự nghề nghiệp mà bài viết này đề cập, tìm hiểu quá trình xúc tiến thành lập từ tháng 7-2014, cho thấy họ hướng tới việc đóng góp để có một nhà nước tốt đẹp hơn.

Mục đích của hội đoàn đó được một số cơ quan truyền thông nước ngoài đăng tải: “Phản ánh trung thực và sâu sắc những vấn đề nóng bỏng của xã hội và đất nước; Phản biện đối với những chính sách bất hợp lý của nhà nước liên quan đến quản lý xã hội và tự do báo chí và Tổ chức trao đổi, đối thoại với các cấp chính quyền về tự do báo chí và quản lý xã hội khi có điều kiện, đồng thuận với những chính sách, giải pháp hợp lòng dân và có lợi cho đất nước” – BBC, ngày 4-7-2014 (https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2014/07/140704_independent_journalists_assoc.shtml).

Có một thực tế, với những án cáo buộc liên quan đến Chương XIII “các tội xâm phạm an ninh quốc gia” của Bộ Luật hình sự, thì việc tranh tụng gần như chỉ là một hình thức. Chỉ hy vọng với hàng loạt diễn biến mới của thời cuộc, đặc biệt là mối quan hệ đang thêm khắng khít giữa Hà Nội với Washington, sẽ dần hướng tới không còn việc hình sự hóa theo hướng áp đặt chính trị đối với một quan hệ dân sự về quyền tự do ngôn luận, tự do hội đoàn dân sự nghề nghiệp.

Tin bài liên quan:

VNTB – Giả dụ Việt Nam cũng có một cuộc khảo sát…

Phan Thanh Hung

VNTB – Thủ tướng Việt Nam công khai ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến vệ quốc

Do Van Tien

VNTB – Giám định văn hóa để kết luận “tư tưởng” trong điều luật hình sự 117?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo