Ngọc Lan
(VNTB) – Từ 2017 đến 2020, Trung Quốc là nhà cung cấp số 1 loại “hàng đặc biệt” thuốc trừ sâu và nguyên liệu sản xuất thuốc trừ sâu cho Việt Nam.
Số liệu công bố tại hội thảo Phòng chống Ung thư TP.HCM lần thứ 25, tổ chức tại TP.HCM ngày 1-12 cho biết bệnh viện Ung bướu TP.HCM tiếp nhận khoảng 23.000 ca ung thư mới mỗi năm; vị chi bình quân 630 ca mỗi ngày.
Số liệu công bố vào cuối tháng 12 năm 2010 của bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết, ở năm 2010 số mắc ung thư mới mà bệnh viện này tiếp nhận chữa trị là 14.064 trường hợp, trong đó 70% bệnh nhân đến từ các tỉnh, thành phố khác.
Như vậy qua hơn chục năm, con số ca ung thư mắc mới hàng năm cần điều trị ở đơn vị y tế tuyến cuối là bệnh viện Ung bướu TP.HCM liên tục tăng.
Theo thống kê của Globocan – đây là một dự án của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế International Agence on Cancer Research – IACR, trực thuộc Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), ở năm 2020, Việt Nam ghi nhận khoảng 182.563 ca ung thư mới, và 122.690 ca tử vong do ung thư.
Đáng lưu ý, trong năm 2020, Việt Nam xếp 91/185 về tỷ suất ca mới, tức trong 185 quốc gia/vùng lãnh thổ thì Việt Nam xếp thứ 91 về số ca mắc mới, và xếp thứ 50/185 về tỷ suất ca tử vong; trong khi năm 2018 những con số này lần lượt là 99/185 và 56/185.
Trong thời gian đại dịch Covid-19, bệnh nhân ung thư bị ảnh hưởng rất nặng nề. Theo WHO, trong giai đoạn dịch bùng phát mạnh, việc quản lý, phục vụ liên quan đến chẩn đoán và điều trị bệnh nhân ung thư giảm 50% ở tất cả các quốc gia.
Riêng Việt Nam với chính sách ‘zero Covid’ đã khiến việc khám – chữa trị theo phác đồ với bệnh nhân ung thư cả nội lẫn ngoại trú gần như bị đình đốn; trong đó có cả lực lượng nhân viên y tế ở bệnh viện Ung bướu được điều chuyển sang phục vụ các bệnh viện dã chiến Covid; một số khác khi gặp trường hợp trong khu nhà họ ở có ca nhiễm Covid thì họ cũng phải ‘nội bất xuất ngoại bất nhập’, càng tạo thêm thiếu hụt nhân lực y tế.
Theo thống kê của Bộ Y tế công bố tại hội thảo, các ung thư phổ biến ở nam giới Việt Nam gồm ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng, tiền liệt tuyến chiếm khoảng 65,8% tổng các loại ung thư. Ở nữ giới, các bệnh ung thư phổ biến gồm ung thư vú, phổi, đại trực tràng, dạ dày, gan chiếm khoảng 59,4% tổng các loại ung thư.
Chung cho cả 2 giới, các loại ung thư phổ biến là ung thư gan, phổi, vú, dạ dày và đại trực tràng. Lý giải nguyên nhân khiến số người mắc và tử vong vì ung thư ở Việt Nam tăng nhanh, Bộ Y tế cho rằng, đây bệnh lý gây nên bởi nhiều yếu tố phối hợp nhưng tựu chung lại là 2 nhóm yếu tố: nhóm yếu tố thay đổi được như hành vi lối sống, môi trường…, và nhóm yếu tố không thay đổi được như tuổi, gen…
Bên lề hội thảo, một bác sĩ chuyên trách chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện Ung bướu TP.HCM, với tư cách trao đổi cá nhân, nói với người viết bài này rằng, trong nhóm yếu tố thay đổi có nguyên nhân từ việc đã nhập quá nhiều thuốc trừ sâu từ Trung Quốc cho nông nghiệp Việt Nam, mà thường thì chuẩn an toàn sức khỏe của thuốc từ Trung Quốc nói chung kém hơn hẳn so với các quốc gia Châu Âu, Nhật Bản.
Liên quan đến thời điểm của các con số thống kê về ca bệnh ung thư, theo quan sát của vị bác sĩ đề nghị không dẫn tên, thì số liệu của Tổng cục Hải quan, 4 năm liên tiếp từ 2017 đến 2020, Trung Quốc là nhà cung cấp số 1 loại “hàng đặc biệt” thuốc trừ sâu và nguyên liệu sản xuất thuốc trừ sâu cho Việt Nam.
Thuốc trừ sâu Trung Quốc tại Việt Nam ngoài đường nhập khẩu chính ngạch, còn tuồn về những loại nhập khẩu “mậu biên” với giá cả rẻ hơn rất nhiều.
Không chỉ vậy, còn ghi nhận mặt hàng “hóa chất” nhập từ Trung Quốc không chỉ có “hóa thực phẩm”, mà có cả những loại “hóa chất” dùng để làm món giá sống quen thuộc của người Việt Nam.
“Lạm dụng hóa chất, đặc biệt loại hóa chất rẻ tiền sẽ là nguy cơ dẫn đến ung thư” – vị bác sĩ này kết luận.