Năm Bà Chiểu
(VNTB) – Đừng “cưỡi ngựa xem hoa” rồi “phán”
Không có thương hiệu bánh mì nổi tiếng nào ở Sài Gòn tham gia lễ hội… (?!)
Cựu phóng viên báo Thanh Niên, ông Hữu Phú có một bài viết trên tài khoản facebook của ông, rằng ở lễ hội bánh mì vừa kết thúc hôm Chủ nhật rồi là “không có thương hiệu bánh mì nổi tiếng nào ở Sài Gòn tham gia lễ hội…”.
Vừa qua, từ ngày 30/3 đến ngày 2/4/2023, Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Sở Du lịch Thành phố quy tụ 120 gian hàng của hệ thống nhà hàng, khách sạn, tiệm bánh mì, nhà cung cấp, doanh nghiệp… tại Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước, cũng như nước ngoài, tổ chức lễ hội Bánh Mì Việt Nam tại Nhà văn hoá Thanh Niên.
Theo ghi nhận từ báo chí cũng như các phương tiện thông tin truyền thông, nhiều người dân đã đến tham gia lễ hội bánh mì lần thứ 1 ở Sài Gòn. Với bà Sơn, nhìn lại món bánh mì của ngày xưa, bà đã bồi hồi nhớ lại: “Lúc là tụi cô còn bé là đã có bánh mì rồi, nhưng mà có bánh mì thế này nè, bây giờ gọi là bánh mì que, nhưng mà ngày xưa đó ở Sài Gòn này đó, người ta gọi là bánh mì baguette, ăn nó rất là giòn, ngon, thơm lắm”.
Dân gian có câu, “chín người mười ý”, có khen cũng có chê, nói về lễ hội bánh mì ở Sài Gòn, một ý kiến trên mạng xã hội, kể lại: “Một người bạn trẻ vừa đi lễ hội Bánh Mì Việt Nam về ghé chỗ tôi, nói: “Họ chỉ làm được chỗ tụ lại bán bánh mì, mà cũng thiếu những hiệu bánh mì ngon nhứt Sài Gòn, không thấy lịch sử hay văn hóa bánh mì Việt Nam hay Sài Gòn gì hết, đi mắc công!”
Theo ghi nhận bằng hình ảnh có lẽ có phần chưa đầy đủ, tại lễ hội bánh mì lần thứ 1 này, có sự tham gia của tiệm bánh mì Bảy Hổ và bánh mì Tăng… bên cạnh những cửa hàng bánh mì khác…
“Mục đích của lễ hội bánh mì này là gì? Theo mình đọc trên báo và cảm nhận, nói dễ hiểu, là quảng bá bánh mì Việt Nam. Đã quảng bá thì tất nhiên phải chú trọng vào chất lượng của từng ổ bánh mì, để khi đến tay khách hàng, phải ngon. Còn muốn tìm hiểu sâu hơn về lịch sử, tại sao bạn không đăng ký tham dự hội thảo chuyên đề bánh mì của lễ hội?
Là thế hệ sinh sau 1975, mình không rõ hết về những đời sống trước đó. Nhưng, ông bà, cha mẹ mình là người thuộc thế hệ đó. Mình nhớ, người nhà mình có nói với mình về bánh mì Bảy Hổ. Là tiệm bán bánh mì có từ lâu đời, lúc ba mẹ mình còn nhỏ, được ông bà mua cho ăn. Và giờ là tới thế hệ của mình.
Nếu, người nhận xét không phải ban giám khảo chấm giải một cuộc thi, đề ra những tiêu chí rồi thí sinh đáp ứng, rồi đưa ra kết quả đây là món ngon nhất trong năm nay, lưu ý rằng dù có thi cũng là từng năm, khó thể trường tồn mãi theo hơn mấy chục năm, thì mình còn có thể “du di” được.
Nói thiệt là mình không hiểu khái niệm thế nào là ngon nhất Sài Gòn. Theo mình mỗi cửa hàng, mỗi đầu bếp sẽ có mỗi bí quyết khác nhau, có các vị khác nhau nên sẽ có những vị ngon khác nhau, không thể so sánh cái nào nhất, cái nào thứ hai. Đó là chưa kể đến khẩu vị của mỗi người khác nhau”, một thế hệ 9X chia sẻ.
Cũng theo ghi nhận từ báo chí, vào chiều ngày 30-3, có hội thảo chuyên đề “Hành trình phát triển bánh mì Việt Nam” (nằm trong khuôn khổ Lễ hội bánh mì Việt Nam) diễn ra tại TP.HCM, tổ chức trong một khán phòng với sự tham gia của nhiều chuyên gia, sinh viên….
“Hội thảo tổ chức trong khán phòng cũng không có gì là lạ. Không biết những người khác thế nào, nhưng theo những gì mình thấy, mình biết cũng như được học, để trình bày một tham luận, một đề tài nghiên cứu khoa học hoặc một tiểu luận, một khoá luận, có thứ tự đàng hoàng, chứ không tự ý nhảy thẳng vào vấn đề. Như giới thiệu một cái gì đó, phải nói về lịch sử của nó, nói ít hay nói nhiều còn tuỳ vào cá nhân hoặc nhóm thực hiện.
Cơ bản, tham dự nhiều hội thảo, mình cũng thu thập được khá nhiều kiến thức từ lý thuyết đến thực tế. Có lẽ, bạn nói câu chê trách đó không có điều kiện hay sao đó nên không tham dự được hội thảo về bánh mì nên phán xét có phần hơi vội vàng”, sinh viên An Long, hiện đang theo học một ngành thuộc khối Khoa học Xã hội, tham dự lễ hội bánh mì từ ngày đầu tiên chia sẻ.
Cũng xin được nói thêm, bánh mì Bảy Hổ và bánh mì Tăng được xếp vào danh sách những tiệm bánh mì lâu đời ở đất Sài Gòn, có tuổi đời hơn 50 năm. Tiệm bánh mì Bảy Hổ, đã được truyền lại qua 3 thế hệ, có tuổi đời hơn 90 năm qua, giữ nguyên công thức như những ngày đầu mở cửa. Tiệm bánh mì Tăng, nằm trong khu chợ Thủ Đô, quận 5.
Năm 1950, tiệm là một xe bánh mì của ông chủ người Hoa. Đến năm 1982, ông Tăng Tấn, chủ tiệm hiện tại, tiếp quản. Từ một chiếc xe đẩy nhỏ, tiệm bánh hiện dời đến một căn nhà góc ngã ba gần khu đèn Năm Ngọn sầm uất.
Cụ thể hơn nữa, theo một tường thuật trên báo Pháp Luật TP.HCM, thì tại sự kiện lễ hội Bánh mì Việt Nam lần thứ nhất đó, có năm đơn vị tham dự đón nhận bằng xác lập gồm bánh mì Cụ Lý, bánh mì Tăng, bánh mì Tuấn 7 Kẹo, bánh mì Bảy Hổ và Nguyên Sinh Bistro- Est. 1942.
Vẫn theo báo Pháp Luật TP.HCM, năm thương hiệu bánh mì còn lại sẽ đón nhận bằng xác lập tại Hội ngộ Kỷ lục gia lần thứ 52, dự kiến tổ chức cuối tháng 5-2023.
Nếu như không phải là ‘dốt’, xin đừng “cưỡi ngựa xem hoa” để rồi “phán” cứ như đúng rồi…
Hai thương hiệu bánh mì trên 50 tuổi đời góp mặt ở lễ hội Bánh mì Việt Nam lần thứ nhất.