Việt Nam Thời Báo

VNTB – Môn Văn ngày nay

môn văn

Diệp Chi

(VNTB) – “Văn học là nhân học”. Văn học tựa như là nền tảng đạo đức của mỗi con người.

Đứa bạn nhắn tin: “Tui chán quá. Công việc thì căng thẳng, áp lực. Cảm giác không thể hòa nhập được với đồng nghiệp. Muốn nghỉ tìm việc mới thì gia đình lại không cho. Giờ tui không biết phải làm thế nào? Tui dự định sẽ viết văn, có gì góp ý và chỉ cho tui với nha”.

Sau khi trả lời tin nhắn, cất máy điện thoại sang một bên, trong tôi chợt có một cảm xúc, có lẽ, không thể nào diễn tả sao cho rõ. Có thể nói, đây không phải là đứa bạn đầu tiên nhắn cho tôi những dòng cảm xúc như thế này. Để ý, tôi nhận thấy một điều, trong bạn bè của mình, có những người đã từng rất thành công trong nhiều lĩnh vực như quảng cáo, buôn bán mỹ phẩm…

Nhưng cuộc đời, lên xuống là chuyện thất thường – “có khi mở mắt ra, mày trắng tay” (một đứa bạn thân chia sẻ). Những khi ấy, họ viết. Họ viết về những cái đã qua, họ viết về những xúc cảm của hiện tại. Văn chương chữ nghĩa trong các bận ấy tựa như một “cứu cánh”, giúp cho bạn tôi cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng hơn.

Không khó để nhìn thấy, ở Việt Nam những môn thiên về khoa học tự nhiên có phần trội về số đông hơn so với các môn xã hội. Có một thời người ta ‘xuất khẩu thành một câu tục ngữ’ đời mới: Nhất Y nhì Dược, tạm được Bách khoa.

Cuộc sống càng phát triển, khoa học kỹ thuật tiến bộ từng ngày. Nhiều người càng thấy các nghề liên quan đến tự nhiên như công nghệ máy tính, quản trị kinh doanh… hấp dẫn hơn. Lẽ hiển nhiên, cán cân lúc này, ngành xã hội sẽ bị “lép”. Một số người quan niệm rằng, các môn thuộc khối C thì có gì khó, chỉ cần học thuộc lòng, đi thi là được.

“Mình nhớ cái năm mình thi đậu khối C vào đại học; còn nhỏ bạn thì thi khối A, rớt. Biết nó buồn, tính chia buồn với nó, song nghĩ lại mắc công nó kêu mình chảnh, nên thôi. Không ngờ, nó nhắn tin mình, kêu đậu khối C thì có gì ngon đâu, chỉ là mấy môn học bài thôi mà. Mình nghĩ, ừ kể ra chắc nó nói cũng đúng, cũng chỉ là mấy môn học bài thôi, mà nó cũng chẳng học được, nên thôi kệ”, một cựu sinh viên chia sẻ.

Trong bài Hầu trời, thi sĩ Tản Đà có viết: “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”. Nói mãi thành quen, riết rồi nhiều người cũng nghĩ học văn ra thì làm cái gì? Tiền lương làm sao bằng cho được những đứa học tự nhiên?

“Tiền lương thì mình tạm không bàn tới, vì theo mình, nó còn ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Năng lực, siêng năng, thời gian làm… Ở đây, mình chỉ nói về công việc khi học các khối xã hội ra thôi. Nếu bạn cho rằng học xã hội nói chung hay học Văn nói riêng ra không có việc làm, thì theo mình là sai. Bạn có thể làm nhiều nghề từ phóng viên, truyền thông, MC, văn phòng cho đến du lịch, giảng dạy – dĩ nhiên là cần bỏ thêm chút tiền để học thêm chứng chỉ sư phạm…. Còn khó kiếm việc làm thì ngành nào mà chả khó”, bạn Ngọc, một cựu sinh viên trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn TP.HCM chia sẻ.

Có lẽ, rồi sẽ có người đặt ra câu hỏi, nếu như đầu ra của các ngành xã hội cũng đa dạng, văn chương có vẻ thú vị phết như thế, tại sao học sinh trong trường lại thờ ơ với môn Văn?

Phải chăng là do giáo viên đã không thổi lửa được vào từng bài văn? Đó cũng có thể là một lý do. Mặc dù môn Văn là một trong những môn chính trong các kỳ thi quan trọng như lớp 9 lên 10, tốt nghiệp trung học phổ thông, khối ngành xã hội trong thi đại học…, song những bài giảng văn trong trường thật sự chưa hấp dẫn, nhiều khi lại giáo điều, rập khuôn như một kiểu văn mẫu. Ở đây, xin được nói rõ, tôi không nói tất cả giáo viên nào cũng như thế.

“Thời tôi đi học là còn thi hai kỳ thi: tốt nghiệp và đại học. Tôi chỉ nói riêng môn Văn thôi nha, tôi nhớ, năm đó, tôi học lớp 12, cô giáo dạy Văn của tôi yêu cầu chúng tôi phải học thuộc từng lời văn trong bài viết của tác giả, rồi sau đó học thuộc từng câu từng chữ trong bài giảng cô cho ghi vào tập. Mặc dù tôi không đồng ý với điều đó, nhưng cũng phải học, với những bài mình không thích, lại bị ép làm thế, thành ra chán, có khi ghét luôn hổng chừng”, bạn Minh chia sẻ.

“Tôi thì không biết các trường khác như thế nào, nhưng hồi học cấp ba, thầy giáo dạy Văn của tôi, học mà chẳng buồn ngủ tí nào. Không cần áp dụng thiết bị như máy chiếu, thầy giảng bài hay lắm. Có lúc thầy nói thêm những kiến thức khác mà liên quan bài học nữa. Thành ra học sinh ai cũng thấy thú vị”, bạn Ngọc chia sẻ tiếp.

Một nguyên nhân nữa để dẫn đến khó có thể giảng văn một cách hấp dẫn cho học sinh chính là giới hạn thời gian. Quỹ thời gian cho một bài văn từ 1 – 2 tiết, chạy cho kịp chương trình, thật sự rất khó để “thổi hồn” vào từng bài giảng.

“Văn học là nhân học”. Văn học tựa như là nền tảng đạo đức của mỗi con người. Tôi nhớ, ba tôi hay nói, ngày xưa, được học những Quốc văn giáo khoa thư, Luân lý giáo khoa thư…. Những bài học đó dạy cho con người thế nào là gia đình; thế nào là phong tục tập quán, thói xưa lề cũ; những bài học về vệ sinh….

Thầm nghĩ, nếu như ở nước ta, mà thật sự chú trọng môn Văn, thì có lẽ, cũng góp không ít vào việc đào tạo nhân cách, hạn chế được phần nào những hành vi phạm pháp có thể xảy ra.

“Vì lợi ích mười năm trồng cây…” – giờ chắc nhiều người cho rằng lời huấn dụ đó thuần khẩu hiệu suông thôi mà, bận tâm chi phải chờ, phải đợi chuyện trăm năm trồng người (!?)

Tin bài liên quan:

VNTB – Có nên cấm bảo hiểm quấy nhiễu người dân?

Phan Thanh Hung

VNTB – Người thầy

Phan Thanh Hung

VNTB – Có chắc bỏ đếm giây đèn giao thông là ổn?

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo