Việt Nam Thời Báo

VNTB – Một đề nghị cũ nhưng vẫn thời sự: dân chủ ngay trong lá phiếu của đảng viên

Nguyễn Huyền

 

(VNTB) – Có bao nhiêu đảng viên từng ước ao phải chi mình được quyền có lá phiếu trực tiếp bầu Tổng bí thư…

 

Tư liệu văn kiện Đảng cho biết, trong bản di chúc lần viết khởi thảo ngày 15-5-1965, cụ Hồ Chí Minh căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”.

Đảng viên là phải ‘đồng phục tư tưởng’?

Đã từng có bao nhiêu đảng viên chua chát thốt lên rằng, họ không hề được trực tiếp bầu ra thủ lĩnh Đảng của mình. Các ủy viên trung ương Đảng cũng không phải do các đảng viên địa phương trực tiếp bầu ra, mà là do Bộ Chính trị, Ban bí thư, Ban tổ chức trung ương chọn lựa trước. Bởi thế xét về thực chất khó thể gọi là đại diện cho trí tuệ đa số đảng viên cơ sở. Và cũng lẽ này nên khó chống được chạy chức chạy quyền.

Cũng khá lâu, kể từ khi đất nước dần cởi mở hơn cho quyền phản biện, không ít đảng viên mạnh dạn yêu cầu đã đến lúc phải cách mạng cách thức lựa chọn ủy viên trung ương Đảng, lựa chọn những người giữ chức bộ trưởng trong chính phủ, lựa chọn những người đứng đầu các tỉnh, những vị trí quản trị quốc gia vô cùng quan trọng.

Tương tự như trong bầu cử đại biểu Quốc hội, mỗi một ứng viên ứng cử vào vị trí  ủy viên trung ương Đảng phải thu được một lượng chữ ký tối thiểu, chẳng hạn là của 10.000 đảng viên. Sau đó là tranh cử với các ứng viên khác bằng phổ thông đầu phiếu của toàn bộ đảng viên nơi địa phương mà ứng cử viên muốn tranh chức ủy viên trung ương Đảng. Nếu làm được như vậy thì tức khắc trình độ các ủy viên trung ương Đảng sẽ hoàn toàn vượt xa so với hiện tại.

Từ các ủy viên trung ương Đảng, bằng cách đối đầu loại trực tiếp giữ hai địa phương qua phổ thông đầu phiếu toàn bộ đảng viên của hai địa phương, giống như thể thức bóng đá, mà tìm ra Tổng bí thư của Đảng. Người chiến thắng tất có trí tuệ vượt trội.

Không phải Bộ Chính trị, không phải Ban bí thư, không phải Ban Tổ chức trung ương, cũng không phải Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc, mà chỉ có đảng viên toàn quốc trực tiếp bầu cử thì mới chọn ra được Tổng bí thư xứng đáng. Một khi hàng ngũ lãnh đạo Đảng mà mạnh, thì Đảng tất mạnh.

Còn hàng ngũ lãnh đạo của Đảng mà yếu thì Đảng tất yếu. Thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng thông qua quyền bầu cử trực tiếp của các đảng viên sẽ lựa chọn cho Đảng một đội ngũ cán bộ lãnh đạo giỏi. Lúc đó Đảng sẽ không phải lo sợ mất chính quyền, Đảng không phải sợ mất thể chế.

Cạnh tranh ngay trong Đảng sẽ góp phần ‘ích nước – lợi nhà’

Những lập luận trên không hề là ‘phản động’ hay ‘tự chuyển hóa’, mà đó là đúng với yêu cầu “Xây dựng Đảng – Thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng để chống suy thoái” – một trong những mẫu câu thường được sử dụng trong các bài báo văn phong tuyên giáo Đảng.

Có lo ngại nếu để lá phiếu đảng viên trong lựa chọn Tổng bí thư hay ủy viên trung ương Đảng thì sẽ là bè phái, mất đoàn kết?

Nếu ai đó bám giữ lo ngại này, xem chừng đây chính là hệ lụy của lơ là tu dưỡng theo “Tư tưởng Hồ Chí Minh” vẫn thường được nhắc nhở định kỳ qua các khóa bồi dưỡng chính trị.

“Tư tưởng Hồ Chí Minh” nói rằng việc chỉnh đốn Đảng muốn thành công phải dựa trên nền tảng của sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Tổ chức Đảng không thể vững mạnh nếu trong các chi bộ xảy ra tình trạng chia rẽ, bè phái. Mất đoàn kết thống nhất là mất cán bộ, mất danh dự và niềm tin. Mất đoàn kết là mất ổn định và phát triển từ trong Đảng cho đến ngoài xã hội, bởi lẽ lòng dân sẽ không yên, khối đoàn kết sẽ không còn điểm chung gắn kết.

Nhưng đoàn kết, thống nhất trong Đảng không phải là “đoàn kết một chiều”, “bằng mặt không bằng lòng”, lúc cần thì liên minh bè cánh, không cần thì bới móc sai sót để hạ bệ nhau. Đoàn kết, thống nhất trong Đảng, như cụ Hồ Chí Minh đã từng nói, “đoàn kết không phải ngoài miệng mà đoàn kết trong công tác, trong phê bình và tự phê bình giúp nhau cùng tiến bộ”.

Song tất cả vấn đề trên hầu như vẫn dừng lại ở lý thuyết nặng tính hàn lâm, và Đảng vẫn là hình ảnh của độc tài, độc đoán.

Bởi nếu thật sự “dân chủ trong Đảng”, tin rằng tướng Tô Lâm sẽ khó thể tiếp tục tại vị là ủy viên Bộ Chính trị, qua việc thể hiện sự xa hoa của đảng viên Tô Lâm và phụ tá xảy ra đúng vào tuần lễ cả nước Anh bị hút vào các nỗ lực, cam kết bảo vệ môi trường nhân hội nghị COP26 ở Glasgow.

Đơn cử, “Nhà lãnh đạo cộng sản gây phẫn nộ bị được mớm steak bọc vàng bởi tay đầu bếp tiếng tăm Salt Bae” – là tít bài báo trên tờ The Sun ngày 5-11, có lẽ đang là phép thử khắc nghiệt với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong yêu cầu “Xây dựng Đảng – Thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng để chống suy thoái”.

Và có lẽ phép thử trên đã được Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ‘hóa giải’ qua việc ký ban hành Quy định 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Theo đó việc rút lui trong danh dự ở đây của tướng Tô Lâm, có thể là “do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao”.


Tin bài liên quan:

VNTB – Thiên hạ luận: Họ đang hứa hẹn…

Phan Thanh Hung

VNTB – Tập trung dân chủ trong Đảng vẫn còn là lý luận kém khả thi?

Do Van Tien

VNTB – Học trò vô lễ còn là trách nhiệm chính trị của Hội đồng Đội

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo