Lynn Huỳnh
(VNTB) – Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc giờ đây nên kêu gọi Mỹ bồi thường thiệt hại chiến tranh liên quan đến Triều Tiên, Việt Nam, Iraq, Nam Tư và các nước khác.
Cựu tổng thống Dmitry Medvedev – hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, viết trên Telegram rằng sau khi đã thông qua nghị quyết về bồi thường của Nga cho Ukraine, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc giờ đây nên kêu gọi Mỹ bồi thường thiệt hại chiến tranh liên quan đến Triều Tiên, Việt Nam, Iraq, Nam Tư và các nước khác.
Hãng Tass dẫn lời ông Medvedev bình luận nghị quyết này nhằm hợp pháp hóa các kế hoạch của phương Tây trong việc sử dụng các tài sản bị đóng băng của Nga.
Phiên họp khẩn cấp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm thứ Hai 14-11 đã thông qua nghị quyết ủng hộ cơ chế để Nga bồi thường chiến tranh cho Ukraine. 94 quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ, trong khi 14 quốc gia phản đối và 73 quốc gia bỏ phiếu trắng.
Nghị quyết do Ukraine, Canada, Hà Lan và Guatemala đề xuất. Theo nghị quyết, Nga “phải chịu hậu quả pháp lý của tất cả các hành vi quốc tế sai trái của mình”, bao gồm cả việc bồi thường thiệt hại đã gây ra vì đã tiến hành chiến dịch đặc biệt ở Ukraine. Nghị quyết khuyến nghị các quốc gia thành viên hợp tác với Ukraine và tạo ra một sổ đăng ký quốc tế để ghi lại bằng chứng và lời tuyên bố chống lại Nga.
Mặc dù không mang tính ràng buộc thực thi, nhưng nghị quyết của Liên Hiệp Quốc được đánh giá là có sức nặng chính trị.
Nghị quyết ngày 14-11 có thể dẫn tới việc Ukraine đưa ra yêu sách đối với số tài sản trị giá hàng trăm tỷ USD của Nga, bị Mỹ và các đồng minh châu Âu đóng băng sau khi chiến sự bùng phát.
Ngày 14-11, Chính phủ Ba Lan thông báo sẽ tiếp quản tài sản tại Ba Lan của Công ty khí đốt Gazprom của Nga. Cụ thể, Ba Lan sẽ tiếp quản cổ phần của Công ty EuRoPol Gaz, chủ sở hữu đoạn tại Ba Lan của đường ống dẫn khí Yamal-Europe, một phần quan trọng của hệ thống vận chuyển khí đốt tự nhiên tại Ba Lan.
Trên thực tế, Gazprom đã có 48% cổ phần của EuRoPol Gaz, trong khi 48% khác thuộc sở hữu của Công ty PGNiG của Ba Lan, còn 4% cổ phần còn lại thuộc về Gas Trading của Tập đoàn PKN Orlen.
Ngay sau quyết định của Ba Lan, Chính phủ Đức cũng tuyên bố sẽ quốc hữu hóa công ty con cũ của Gazprom là Công ty Bảo đảm năng lượng châu Âu (Sefe), còn gọi là Công ty Gazprom Germania. Theo Bộ Kinh tế Đức, việc quốc hữu hóa Sefe là do Berlin lo ngại công ty này mất khả năng thanh toán, qua đó có thể “đe dọa đến an ninh nguồn cung năng lượng của Đức” …
Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc Sergiy Kyslytsya lập luận rằng từng có tiền lệ khi Iraq phải bồi thường 52,4 tỷ USD cho Kuwait sau khi tấn công nước này năm 1990. Hoạt động này được Ủy ban Bồi thường của Liên Hiệp Quốc giám sát.
Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia đã lên tiếng về nghị quyết, gọi đây là một tài liệu không quan trọng về mặt pháp lý. “Đồng thời, các tác giả của nghị quyết không nhận ra rằng việc thông qua một nghị quyết như vậy sẽ kéo theo những hậu quả có thể tác động ngược lại họ”, ông Nebenzia cảnh báo. Theo nhà ngoại giao Nga, nghị quyết nhằm hợp pháp hóa việc tịch thu tài sản của Nga bị các nước phương Tây đóng băng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleh Nikolenko ngày 14-11 cho biết điều kiện hòa bình cho Ukraine vẫn không thay đổi, gồm ngừng chiến tranh ngay lập tức, rút toàn bộ quân đội Nga, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, bồi thường thiệt hại và đưa ra các đảm bảo hiệu quả về việc không lặp lại hành động xâm chiếm.
Theo báo cáo hồi tháng 9 của Ngân hàng Thế giới (WB), chiến dịch quân sự của Nga đã gây ra thiệt hại trực tiếp trị giá 97 tỷ USD cho Ukraine. Tuy nhiên, WB ước tính, với số liệu đến ngày 1-6, Ukraine sẽ cần gần 350 tỷ USD để tái thiết lại đất nước, con số gấp 1,6 lần GDP của quốc gia Đông Âu này trong năm 2021. WB cho biết, Ukraine đã thiệt hại 252 tỷ USD do gián đoạn dòng chảy kinh tế và sản xuất, cũng như các chi phí liên quan đến chiến sự.
Như các báo quốc tế bình luận về những cuộc bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc về Nga và Ukraine, nhiều nước trên thế giới sẽ chẳng có cơ hội gì giúp Ukraine về kinh tế, vũ khí và chính trị. Việc bỏ phiếu tuy thế, là thể hiện họ là ai chứ không phải họ có lợi ích gì trong quan hệ với Moscow hay Kyiv.