Nguyễn Huỳnh
(VNTB) – Đồng bằng sông Cửu Long dự báo thuộc nhóm năm ít nước, xâm nhập mặn khả năng xuất hiện sớm, ở mức sâu hơn trung bình nhiều năm
Nhà chức trách đã đưa ra cảnh báo xâm nhập hạn mặn tại Hội nghị triển khai công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất nông nghiệp, dân sinh mùa khô năm 2023-2024 vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Mùa khô năm 2023 – 2024 ở đồng bằng sông Cửu Long dự báo thuộc nhóm năm ít nước, xâm nhập mặn khả năng xuất hiện sớm, ở mức sâu hơn trung bình nhiều năm. Cụ thể, ở vùng các cửa sông Cửu Long từ giữa đến cuối tháng 12/2023, ranh mặn 4g/l dự báo xâm nhập sâu từ 25 – 30km. Từ tháng 1, tháng 2, nửa đầu tháng 3/2024, ranh mặn 4g/l vào sâu đến 50-70km. Từ giữa tháng 3/2024 đến cuối mùa khô, theo quy luật hàng năm dòng chảy về đồng bằng gia tăng nên xâm nhập mặn có xu thế giảm, ranh mặn 4g/l ở mức từ 45- 60 km. Trong trường hợp dòng chảy không gia tăng thì xâm nhập mặn tiếp tục duy trì như đầu tháng 3.
Do ảnh hưởng hạn mặn về sớm nên nguy cơ khoảng 56.260 ha lúa đông xuân 2023- 2024 ở đồg bằng sông Cửu Long, gồm Long An 4.460 ha, Tiền Giang 8.800 ha, Bến Tre 8.000 ha, Trà Vinh 15.000 ha, Sóc Trăng 20.000 ha sẽ bị thiếu nước. Đối với vùng chuyên canh cây ăn trái, tổng diện tích nguy cơ bị ảnh hưởng khoảng 43.300 ha, gồm Long An hơn 3.100 ha, Tiền Giang 21.800 ha, Bến Tre 16.000 ha, Sóc Trăng 3.400 ha. Ngoài ra, các hộ dân sống phân tán ở khu vực ven biển tại tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau… có nguy cơ thiếu nước ngọt sinh hoạt.
Trước tình hình trên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến diện tích sản xuất vụ đông xuân 2023-2024 khoảng 1,5 triệu ha, tức tăng khoảng 22.000 ha so với vụ đông xuân 2022-2023.
Phía Cục Thủy lợi đưa ra khuyến cáo nên thu hoạch sớm lúa Thu Đông, làm đất và xuống giống ngay lúa Đông Xuân trước 10-1-2024; sử dụng giống lúa ngắn ngày cho các vùng ảnh hưởng hạn mặn; chủ động đào ao, hồ phân tán trữ nước, tích nước mương liếp; áp dụng biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm và nâng cấp, mở rộng, tăng khả năng khai thác nước mặt, hạn chế khai thác nước dưới đất…
Đại diện tỉnh Trà Vinh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm đầu tư thêm các cống trong vùng hệ thống thủy lợi Nam Măng Thít để điều tiết, dẫn nước về tỉnh Trà Vinh phục vụ sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn 2 tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long. Ngoài ra cần thiết đầu tư lắp đặt thiết bị đo đạc tự động để giám sát nguồn nước, độ mặn cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Ghi nhận ở tỉnh Bạc Liêu cho biết, đối với khu vực ven biển thành phố Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, huyện Đông Hải, độ mặn có thể tăng cao vào mùa khô. Đối với những địa bàn khó khăn về nguồn nước thuộc xã Vĩnh Trạch, phường 5 và phường 8 (thành phố Bạc Liêu), khuyến cáo người nuôi tôm thả giống vào các thời điểm đảm bảo nguồn nước từ tháng 12/2023 – 1/2024 và từ tháng 4 – 6/2024.
Khi thời tiết nắng hạn, khuyến khích người nuôi tôm thực hiện giải pháp ương sang nhiều giai đoạn đối với mô hình nuôi thâm canh, bán thâm canh và siêu thâm canh. Tuy nhiên, cần bố trí thời gian nghỉ ngắt vụ giữa các vụ nuôi, 1 tháng đối với những ao nuôi đạt hiệu quả và ngắt vụ đối với những ao nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh.
Đối với các mô hình sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A, tùy theo tình hình điều tiết nước thực tế của tỉnh, một số xã có diện tích nuôi tôm đầu nguồn thuộc xã Tân Thạnh, một phần xã Tân Phong (thị xã Giá Rai) có thể thả tôm nuôi sớm hơn so với lịch thả giống đã khuyến cáo.
Riêng các khu vực hằng năm thiếu nguồn nước mặn vào đầu vụ nuôi như: thị trấn Phước Long, xã Phước Long (huyện Phước Long), xã Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc A (huyện Hồng Dân) và một số địa bàn gần khu vực cuối nguồn nước cấp cần theo dõi chặt thông báo điều tiết nước và chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng lấy nước khi độ mặn đảm bảo để sản xuất.