VNTB – Mua đứt – bán đoạn: thực tế ở làng vé số miền Nam

VNTB – Mua đứt – bán đoạn: thực tế ở làng vé số miền Nam

Định Tường

 

(VNTB) – Lúc dịch giã Covid-19 hoành hành buộc mọi hoạt động mua bán phải gián đoạn, khi ấy người ta nhận ra rõ hơn rằng nghề bán vé số dạo đã giúp quá nhiều người nghèo khó, tật nguyền kiếm chén cơm, manh áo.

 

Năm 2020, trước tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tạm dừng phát hành vé số trong cả nước được ngợi ca là “một quyết định chấp nhận hy sinh tạm thời lợi ích kinh tế, đảm bảo sức khoẻ của nhân dân là mục tiêu tối thượng, đã được Đảng và Chính phủ xác định trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid 19”.

Khi lệnh dừng ban ra người ta mới thật sự thấy bất ngờ khi kéo theo là quá nhiều người nghèo khó, cơ nhỡ, tật nguyền, những cụ ông, cụ bà phút chốc bỗng loay hoay đối mặt với cái đói của miếng ăn chạy vạy từng bữa. Vì dịch giã Covid mà họ đành lâm cảnh ngồi bó gối chờ nhận quà bố thí từ tâm.

Để có được nguồn thu nhập giúp trang trải, những người làm nghề bán vé số dạo phải lao động vất vả suốt cả ngày, phải ngược xuôi đi lại từ nơi này sang nơi khác, khắp các ngõ hẻm để chào mời. Trong đó rất nhiều trường hợp phải lội bộ, bất kể thời tiết nắng, mưa. Để có được thu nhập 150-200.000 đồng, đối với họ là cả một quá trình làm việc vất vả, đòi hỏi phải có sự nhẫn nại.

“Có lần nắng quá mà tui không dám ngồi nghỉ, đang đi thì tim đập nhanh rồi té xuống. Người ta đỡ dậy cho tui ly trà đường uống cho khỏe rồi mua giùm 10 tờ” – một cụ bà kể. Cụ đếm lại xấp vé số ế ẩm, nghèn nghẹn tiếp: “Chủ nhà nói tháng này giảm 300.000 đồng tiền trọ cho mấy người bán vé số như tui. Hồi lúc giãn cách cũng được giảm tiền, rồi cho đồ ăn nữa. Tháng nào khó khăn quá thì xin thiếu, cũng may người ta cho chứ không chắc ra đường ở”. Chưa dứt lời, cụ bà lại tất tả cầm xấp vé số còn dày cộm rời đi, bóng người đàn bà khắc khổ dần khuất sau dãy chợ.

Cũng vật lộn với cuộc mưu sinh, ông Minh Chiến (58 tuổi, quê Cà Mau) có vẻ ngoài già hơn nhiều so với tuổi. Ông bị tai biến khiến cánh tay trái liệt hoàn toàn, phải dùng xe lăn làm phương tiện kiếm cơm. Ông Chiến ở trọ một mình trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1), nơi ông bán vé số nhiều năm nay.

Ngày thường, ông bán gần 200 vé nhờ phụ huynh đưa rước học sinh gần trường học ghé ủng hộ ông. Những hôm mưa gió, hồi dịch giã bán không hết, ông xin đại lý cho khất nợ. Năm ngoái ông cũng nợ gần triệu bạc, vừa trả xong trước tết giờ lại chuẩn bị nợ tiếp. Thi thoảng, ông được người ta cho bánh mì, hộp cơm lót dạ qua ngày. “Đời tui khổ nhiều rồi, vẫn sống được tới giờ thì có khó khăn hơn nữa mình cũng lay lắt tiếp thôi” – ông Chiến chùng giọng.

Trong bức tranh toàn cảnh với đôi nét chấm phá trên, trớ trêu thay khi báo cáo tài chính tổng kết năm, dù giờ mới là tháng 12-2023, nhưng nhiều công ty xổ số kiến thiết khu vực miền Nam cho biết đã vượt kế hoạch năm đặt ra, với tỉ lệ tiêu thụ đạt gần 100%.

Sở dĩ con số báo cáo đẹp vì người bán vé số dạo, đại lý vẫn phải chịu đựng không dám trả lại vé số ế.

“Đại lý cấp 2 cũng không dám trả đại lý cấp 1 vì mấy đại lý cấp 2 khác không trả, mà mình lại trả thì đại lý cấp 1 sẽ cắt vé của mình đưa cho đại lý cấp 2 không trả vé ế, hoặc giao cho đại lý cấp 2 mới.

Tương tự, đại lý cấp 1 với công ty xổ số cũng vậy. Cho nên theo hệ thống từ trên xuống bán không hết thì tự xử lý. Người bán dạo không dám trả vé ế vì lỡ trả, đại lý nhận nhưng họ sẽ cắt vé, đồng nghĩa với mất thu nhập…”: đó là lý giải cho câu chuyện “mua đứt – bán đoạn” trong làng xổ số kiến thiết ở miền Nam.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)