Việt Nam Thời Báo

VNTB – Mưa Ơi Sao Buồn Thế 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến 

 

Bạn tôi, ông Khó Tính, lúc còn ở Sàigòn vốn làm nghề mô phạm. Kể cả trường công lẫn trường tư, sĩ tử theo học kinh nghĩa có đến mấy nghìn. Gặp lúc can qua, học trò thì đông mà chả mấy ai hiển đạt: cứ học nửa chừng lại bị gọi đi lính, ba phần chết tiệt mất hai. Số còn lại trở về chống gậy, đi xe lăn. Thầy trò nhìn nhau nghẹn ngào chửi thề những câu tục tĩu…

Khi cộng sản từ Bắc tiến vào Nam, xe tăng vừa ì ạch đến sát cửa dinh Ðộc Lập thì ông Khó Tính quyết định dắt vợ cõng con xuống tàu lánh xa bạo ngược. Cuối cùng trôi dạt đến Mỹ. Ðất lạ quê người, tiếng Anh ăn đong, kinh nghĩa nói không ai hiểu…

Từ ngày xa nhà, tính tình lại càng khó chịu hơn. Mặt mày hầm hầm, mồm lúc nào cũng lẩm nhẩm nói chuyện một mình. Chiều chiều đứng chống nạnh bắt con tập võ ta. Ðứa đi quyền, đứa dang chân đứng tấn. Nguời bản xứ cho là lạ, tò mò rủ nhau nhìn trộm qua hàng rào như đi xem xiếc. Ban đêm bắt con học Việt sử. Ðứa nào không thuộc bài thì co giò mà đá, đến nỗi bị cảnh sát còng cả tay.

Càng cay đắng, càng chửi, càng chê. Chê nguời gì mà nhiều lông lá, chê nhà chọc trời nhìn thêm mỏi mắt, có ngày động đất nó đổ xuống đầu cho mà khốn. Lại chửi trời nhiều hơn, chửi tục hơn, gọi trời là thằng không kiêng nể gì nữa…

Bạn khen biển, ông chê lạnh, tắm cóc sướng bằng Long Hải, Vũng Tầu. Bạn khen núi, ông bĩu môi:”Tôi lấy làm ngờ về cái thẩm mỹ của anh. Núi trọc thế này so sao được gót chân Ðại Lãnh ?”

Bạn ngượng, không còn dám mở mồm khen điều gì. Bụng bảo dạ:”Bọn Ðông Dương ta khối đưá bị bịnh tâm thần”. Có ý thương xót mà lui tới thăm viếng nhiều hơn…

Một hôm nhận được bao trà từ Việt Nam gửi sang, bạn thân ái mời ông khó tính đến. Nước đun xủi tăm, trà trút vào bình, chủ khách ân cần đối ẩm.

Ðược đôi tuần, bạn lên tiếng hỏi:

– “Trà uống được không?’

Ông Khó Tính:

– “Cũng được. Nhưng thua Ðỗ Hữu”.

Bạn cười dòn:

– “Bố ơi! Chính hiệu trà Ðỗ Hữu Bảo Lộc vừa gửi sang.”

Ông Khó Tính:

– ” Thảo nào. Có điều cái nước máy chát qúa!”

Bạn chồm lên:

– “Biết tính bố thích trà Bảo Lộc, phải hứng nước mưa pha trà đây. Không phải nước máy đâu.”

Ông Khó Tính tuột giầy gãi nách ngáp:

“Nước mưa ở Mỹ, uống vào đắng cả mồm!”

Câu chuyện mà bạn vừa đọc, có tiểu tựa là “Ông Khó Tính”, được trích dẫn từ tác phẩm Ngọn Cỏ Bồng của văn sĩ kiêm thi sĩ Nguyễn Bá Trạc. Tôi may mắn có chút giao tình (dù nhạt) với Nguyễn quân – một người rất mực tài hoa, và uyên bác. Ông am tường hầu hết mọi lãnh vực khoa học. Riêng lãnh vực môi sinh thì (dường như) có phần hơi…kém!

Ông Khó Tính trong chuyện kể vừa rồi không phải là một nhân vật hư cấu. Tôi cũng đã, đôi lần, được hân hạnh hầu chuyện cùng ông. Nhân sinh quan và vũ trụ quan của ông Khó Tính ra sao, phận kẻ hậu sinh, tôi tuyệt nhiên không dán lạm bàn nhưng nhận xét rằng “nước mưa ở Mỹ uống vào đắng cả mồm” (theo thiển ý ) thì vô cùng chính xác.

Tôi bắt chước cổ nhân, ăn nói cầu kỳ chút đỉnh như thế cho ra vẻ mình cũng là người khiêm tốn; sự thực, nước mưa ở Mỹ uống ngang phè hay đắng cả mồm là một sự kiện khách quan chứ chả dính dáng gì đến “tôn ý” hoặc “thiển ý” của bất cứ ai.

Những hoá chất sulfur dioxide, nitrogen oxides … từ chất đốt như săng dầu than củi trong không khí, khi gặp môi trường không khí ẩm thấp sẽ góp phần tạo thành mưa hay tuyết với nồng độ acid cao – có thể làm ô nhiễm nước uống, hư hại nhà cửa, mùa màng và ảnh hưởng đến sinh hoạt của của nhiều sinh vật – là một tiến trình tự nhiên.

Khói xe, khói nhà máy phun tùm lum ở Mỹ vẫn được coi là nguyên nhân chính tạo ra nồng độ acid cao trong nước mưa. Uống vào đắng cả mồm là phải. Ông Khó Tính – dù thực sự đúng là một người không dễ tính chăng nữa – nói như thế thì có sai sót, oan ức chỗ nào đâu mà danh gia họ Nguyễn che miệng chúm chím cười. Ðã thế, còn dám xa gần ám chỉ rằng tinh thần ông ta “hơi” bất ổn.

Ðã lâu, tôi không có dịp gặp lại ông Khó Tính. Sáng nay, tình cờ đọc lại một tờ báo cũ – Việt Báo USA, ấn bản Bắc California, số ra ngày 15 tháng 10 năm 98 – thấy loan tin mưa acid ở Việt Nam mỗi lúc một thường hơn, và nồng độ acid cũng cao hơn, đến độ có thể làm chết cá ở ao hồ…bỗng trạnh nhớ đến “cố nhân” – với đôi chút quan hoài và rất nhiều… ái ngại.

Bài báo (viết theo bản tin của AP) cũng có trích dẫn lời một nhân viên thuộc Trung Tâm Khí Tượng Phía Nam, bà Nguyễn Kim Lan, cho rằng nguyên do chính của hiện tượng này là việc lạm dụng phân bón và thuốc trừ sâu, cùng với khói thải của nhà máy ở Việt Nam và từ những lân bang.

Ủa, chớ nhà máy nào ở xứ mình mà hoạt động dữ dội vậy kìa ? Không chừng mấy mỏ than ở Quảng Ninh lắm à ? Mà đâu có lẽ, mới năm rồi, theo tường thuật của Jonathan Birchall (từ Cẩm Phả) thì vì không tìm được thị trường tiêu thụ nên nhà nước đã cho ba ngàn thợ mỏ về vườn để đuổi gà cho vợ – nếu họ có vợ, có vườn và có gà để đuổi. Cũng như tất cả những công nhân vô sản khác trên toàn thế giới,những người thợ mỏ ở Cẩm Phả và Hòn Gay đều có vợ nhưng không có vườn (đừng nói chi gà).

Trước tình cảnh này, đã có phụ nữ tính đến chuyện “bán thân nuôi chồng” nhưng e ngại …không có người mua (She would even consider selling her body, but says: “No one would take me – ” Climbing Out Of A Deep Dark Hole.” Time Asia, 2 August 1999, vol. 154, no. 4). Khai thác mỏ than thì mới sợ ô nhiễm môi sinh, chứ khai thác tình dục thì mây mưa kiểu này đâu có tạo thành acid mà lo hư hại mùa màng và chết cá.

Hay là nhà máy thép Thái Nguyên chăng ? Sau 1975 thì cả nước đều rõ là cái nhà máy thổ tả này chỉ thực sự hoạt động (bằng mồm) và đạt thành tích trên đài hay trên báo. Truyền thống này, chắc chắn, vẫn còn được giữ vững cho đến ngày nay . Bằng chứng là nhân dân cả nước vẫn đều đều mua từ cây kim, đến cái đinh – nếu chưa dành dụm đủ tiền để mua xe đạp – được nhập cảng (lậu) từ Thái Lan hay Trung Cộng.

Như vậy, không lẽ khói thải tùm lum lại từ những cơ xưởng kỹ nghệ của những lân bang cỡ như Miên Quốc hay Lào Quốc ? Người Lào, dù đã vượt quá độ từ tư bản chủ nghĩa sang xã hội chủ nghĩa từ lâu, nghe đâu, vẫn còn đi xe bò lòng vòng trong thành phố và cưỡi voi dạo chơi tà tà ở trong rừng. 

Còn người Miên, cách đây chưa lâu, còn có thể (nhân danh chủ nghĩa cộng sản) giết hàng triệu người bằng cuốc chim hay chầy vồ gì đó. Ðời sống của nhân dân ở hai nước xã hội chủ nghĩa láng giềng, cũng như ở nước ta, đâu mấy ai đụng chạm hay dính dáng gì tới máy móc mà có khói – ngoại trừ những lúc nướng khoai.

Vậy thì khói thải ở đâu ra ? Lửa phải có ở chỗ nào mới được chớ ? Không có lửa sao có khói ? 

Tôi thực lòng không dám nghi ngờ độ khả tín và khả xác của nguồn tin từ tờ Việt Báo USA; tuy nhiên, vì chút bồn chồn lo lắng nên loay hoay vào “internet” truy tìm phần tin tức của AP để mong được hiểu biết sự việc rõ ràng hơn. Tôi không kiếm ra được bài báo dẫn thượng nhưng (chả may) lại thu lượm được nhiều sự kiện phiền lòng khác về tình trạng mưa acid ở Việt Nam.

Qua địa chỉ “web site” của South East Asian Science Policy Advisory Network (http://www.icsea.or.id/sea-span/0998/TP0909L2.htm) tôi đọc được một bài báo ngắn của ông Nguyễn Hiệp – người mà tôi đoán là một chuyên gia hiện đang định cư tại Úc – có tựa là “Transboundary Sulfur Pollution &Vietnam”. 

Ông Nguyễn Hiệp đã bầy tỏ sự quan ngại rằng ở Ðông Nam Á có những quốc gia chỉ tạo ra những lượng lưu huỳnh rất nhỏ nhưng lại phải chịu nhận sự tích tụ của loại hoá chất này rất lớn từ những lân bang hoặc ngay cả từ những quốc gia xa xôi khác. Việt Nam và Nepal là hai (receptor) “nạn nhân” điển hình trong vùng về tệ trạng này.

Tài liệu ông Hiệp trích dẫn cho thấy Trung Cộng là nước đứng thứ nhì thế giới về lượng thải sulfur, và hơn 60 phần trăm số lượng hoá chất này – từ cơ xưởng kỹ nghệ của họ – đã theo gió rơi rớt và tích tụ ở nước Việt (R. Arndt, G. Carmichael, J. Roorda – Seasonal source-receptor relationship in Asia, Journal of Amostpheric Enviornment, Vol. 32, No.8, 1998, pp. 1397-1406).

Thảo nào, giới chức Việt Nam, bà Nguyễn Kim Lan nào đó đã có vẻ ấp úng khi nói là nguyên do mưa acid một phần là do khói thải từ những nước lân bang nhưng không nói rõ từ đâu. Bà sợ làm mất lòng người anh em cộng sản láng giềng, dù Việt Nam (từ lâu nay) đã trở thành cái thùng rác chứa đựng 60 phần trăm lượng hoá chất ô nhiễm của Trung Cộng – một quốc gia có lượng thải lưu huỳnh cao thứ nhì thế giới!

Thái độ nhũn nhặn thái quá và khó hiểu này, phần nào, có thể giải thích được nếu biết rằng sự ô nhiễm môi sinh ở Việt Nam hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến đời sống của giai cấp cầm quyền. Họ có dư phương tiện để tránh hết những điều bất tiện. 

Giai cấp bị trị, nhất là những người ở thôn quê, không có cái may mắn xa xỉ đó. Xin đơn cử một thí dụ, một thí dụ rất nhỏ mà tôi tình cờ biết được khi đọc một “web site” khác.

Hiện tại ở làng Thi Lai, thuộc quận Duy Vĩnh, tỉnh Quảng Nam có 152 gia đình (tổng cộng 750 người) đang cần…nước uống! Theo tường thuật của ông Võ Thịnh, dân làng phải gánh nước từ những giếng nước chưa bị ô nhiễm, cách nhà nhiều cây số (There are no cars, motorbikes or even bicycles, so these people walk, many kilometers, sometimes in more than 100-degree heat, to get the water they need to survive). Công sức này, cũng theo nhận xét của ông Võ Thịnh, nên để dành cho việc đồng án hay chăn nuôi thì dân chúng sẽ đỡ đói hơn!

Chớ ông Võ Thịnh là ai vậy ? Một giới chức địa phương chăng?

 Không phải đâu. Ông ta là một kỹ sư thủy lực hiện đang làm việc ở thành phố Oakland, tiểu bang California (based water district East Bay Municipal Utility District). Cùng với phu nhân, bà Sandra Harris, ông Võ Thịnh đang hoạt động thiện nguyện cho “East Meets West Foundation”. Cơ sở này đã thực hiện được cả chục chương trình mang lại nước uống cho những nguời dân quê thiếu nuớc ở Việt Nam, như trường hợp của dân làng Thi Lai.

Dự án đào giếng nước sạch cho dân làng Thi Lai (hay Thị Lại ?) tốn kém 3.400 Mỹ Kim, và ông Võ Thịnh cùng phu nhân – bà Sandra Harris – đã đi …xin để có được số tiền này! (Once we verified the need for the system, we forged ahead to raise the necessary $3,400 from our families, friends and East Bay Municipal Utility District employee donations (http://www.vas-dc.org/Voices/v5n4/thilai.htm).

Khi móc túi lấy tiền ủng hộ dự án nước uống cho làng Thị Lại, có lẽ, ít ai nhớ rằng Việt Nam là nước đứng hàng nhất nhì thế giới về lượng gạo xuất cảng trong những năm liên tiếp vừa qua. Thành quả mang lại là nhiều tỉ Mỹ Kim ngoại tệ, và hậu quả là sự ô nhiễm môi sinh với mưa acid và nước bị nhiễm độc vì sự lạm dụng phân bón hoá học và thuốc trừ sâu – như đã được xác nhận bởi Nha Khí Tượng Việt Nam, qua bài báo đã dẫn. Không biết tiền bán gạo rơi vào túi ai nhưng nước mưa bị ô nhiễm thì rơi vào làng Thị Lại, và những nơi khốn cùng tương tự.

Tôi viết những giòng chữ này cũng vào một ngày mưa, khi California đang bước khẽ vào Thu. Sáng trời đã bắt đầu se se lạnh, và lất phất mấy hạt mưa bay. Mưa không đủ làm ướt đất, và chắc cũng chỉ vừa đủ để làm nhạt được chén nước mắm của những o bán bánh bèo gánh – ở quê nhà. Mưa ơi, sao ít thế!

Quê hương tôi ở vùng nhiệt đới, nơi đây mỗi năm chỉ có hai mùa: mưa và nắng. Vũ độ hàng năm tính hào phóng theo đơn vị mét (mètre), nghĩa là cả trăm “inches”. Cũng chính nơi đây là xuất xứ của câu tục ngữ “hiền như một ngụm nước mưa“. Vậy mà, sau nửa thế kỷ đói ăn, đồng bào tôi – đã đến lúc – phải ngửa tay đi xin luôn…nước uống. Mưa ơi, sao khổ vậy!

 10/1988


 


Tin bài liên quan:

VNTB – Kẻ Sỹ Nam Kỳ & Ván Bài Lật Ngửa

Do Van Tien

VNTB – Qua Cầu Biên Giới

Do Van Tien

VNTB – Thái Hạo 

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo