Hoài Nguyễn
(VNTB) – Bộ Tài chính đề xuất chi tối đa 50 triệu đồng cho việc “mua tin” về tố giác tham nhũng.
Tại dự thảo Thông tư do Bộ Tài chính đề xuất về “sử dụng kinh phí của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng”, thì mức chi để mua tin tham nhũng, tiêu cực là tối đa 50 triệu đồng/tin. Căn cứ vào tính chất, nội dung của tin được cung cấp để quyết định mức chi cụ thể với từng trường hợp cụ thể. Trong trường hợp đặc biệt, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương báo cáo để xem xét và Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương sẽ quyết định.
Bên cạnh đề xuất chi 50 triệu đồng để mua tin tham nhũng, dự thảo cũng nêu việc khen thưởng, biểu dương tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phòng, chống tham nhũng được áp dụng danh hiệu thi đua và mức tiền thưởng tại Nghị định 98/2023/NĐ-CP.
Như vậy có phải là trong việc cung cấp nguồn tin về phòng, chống tham nhũng thì đương sự liên quan có thể được nhận hai nguồn thu tài chính là “tiền mua tin” và khoản tiền khác gọi là “tiền thưởng” căn cứ trên danh hiệu thi đua được trao tặng?
Người viết cho rằng Bộ Tài chính khi chấp bút soạn thảo đề xuất theo thẩm quyền về ban hành văn bản hướng dẫn dưới luật, đã thiếu sót phần cơ bản là đã không có điều khoản cho định nghĩa thế nào là “tin”, thế nào là “tài liệu” cho yêu cầu gọi là” phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
Theo cách hiểu của từ điển tiếng Việt thì danh từ “tin” có nghĩa là “tin tức được truyền đi”. “Tin” được dùng ở thể động từ có nghĩa “báo tin” của cách khẩu ngữ. “Tin” cũng được cho là đồng nghĩa với “tin tưởng”, “tin cậy”.
“Tài liệu” là thuật ngữ chịu sự điều chỉnh của Luật lưu trữ. Theo đó, “Tài liệu là vật mang tin được hình thành trong quá trình hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tài liệu bao gồm văn bản, dự án, bản vẽ thiết kế, bản đồ, công trình nghiên cứu, sổ sách, biểu thống kê; âm bản, dương bản phim, ảnh, vi phim; băng, đĩa ghi âm, ghi hình; tài liệu điện tử; bản thảo tác phẩm văn học, nghệ thuật; sổ công tác, nhật ký, hồi ký, bút tích, tài liệu viết tay; tranh vẽ hoặc in; ấn phẩm và vật mang tin khác” (Điều 2.2, Luật lưu trữ).
Như vậy một khi hai khái niệm “tin” và “tài liệu”, vốn rất khác nhau về bản chất, được nhắc chung vào một mục trong dự thảo của Bộ Tài chính có thể tạo ra một các cách hiểu, cách kiến giải khác nhau về cùng khoản xuất toán cho “mua tin” hay “mua tài liệu” liên quan phục vụ công tác về phòng chống tham nhũng như nêu ở Điều 3.4.a ở dự thảo nêu trên.
Hạ tuần tháng 10 năm ngoái, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM ban hành Quy định số 1629/QĐ-TU nhấn mạnh mua tin không phải là một giao dịch dân sự, đây được xem là hình thức khuyến khích, động viên đối với người cung cấp thông tin có giá trị, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ để phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo quy định vừa nêu thì người cung cấp thông tin là tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đang sinh sống, làm việc và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; không bao gồm tổ chức, cá nhân chuyên trách trong công tác chống tham nhũng, tiêu cực và cán bộ, công chức, nhân viên tại cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền tiếp nhận thông tin như Ủy ban kiểm tra, hội đồng nhân dân, UBND, công an, viện kiểm sát, tòa án, thanh tra, ban tiếp công dân, các cơ quan báo chí….
Người tiếp nhận, xử lý thông tin và mua tin là Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM; các thành viên trong Ban Chỉ đạo; Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo (Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM).
Quy định của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nêu, tổng số tiền người cung cấp thông tin được nhận không vượt quá mức quy định là 10.000.000 đồng/tin (vụ việc).
Ngoài chi trả tiền mua tin theo quy định, nếu nguồn tin cung cấp có giá trị phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, góp phần quan trọng trong ngăn ngừa thiệt hại hoặc thu hồi tiền, tài sản có giá trị, được cấp có thẩm quyền công nhận, kết luận thì tùy trường hợp cụ thể Thủ trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực báo cáo, đề xuất Ban Chỉ đạo xem xét, đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng phù hợp với quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Trong trường hợp các thông tin cung cấp không dẫn đến việc xử lý tổ chức hoặc cá nhân nhưng có giá trị ngăn chặn kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực có thể xảy ra trong tương lai, góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực thì Thủ trưởng Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo báo cáo, đề xuất Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo hoặc Trưởng Ban Chỉ đạo xem xét, quyết định chi tiền mua tin ngoài quy định.
Về hồ sơ mua tin, theo quy định, thông tin phục vụ công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực cùng hồ sơ, tài liệu kèm theo ở dạng dữ liệu truyền thống và dữ liệu điện tử (nếu có); nếu thông tin được cung cấp dưới dạng dữ liệu điện tử hoặc trao đổi trực tiếp bằng hình thức khác, thông tin phản ánh phải được văn bản hóa.
Hồ sơ chi trả tiền mua tin phục vụ công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được quản lý, sử dụng, lưu trữ riêng theo chế độ tài liệu “mật”.
Như vậy có thể thấy về cả mặt hình thức lẫn nội dung, Quy định số 1629/QĐ-TU đều mang tính chặt chẽ hơn dự thảo Thông tư do Bộ Tài chính đề xuất về “sử dụng kinh phí của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng”.